Trao đổi với Kiến Thức về việc tăng giá điện 5% từ ngày 1/8, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc tăng giá điện 5% có thể sẽ khiến CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của tháng 8 tăng từ 0,6-0,7%.
TS Nguyễn Đức Thành phân tích: Việc tăng giá điện lần này sẽ tạo ra một đợt thay đổi về giá đối với tất cả các mặt hàng sản phẩm. Tháng 9 tới, khi học sinh sinh viên các trường nhập học, cũng sẽ có một đợt tăng giá tiếp theo đối với các mặt hàng sản phẩm giáo dục.
Các đợt tăng giá này có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng của các tháng cuối năm tăng lên, lạm phát những tháng cuối của năm có thể sẽ vượt 6% và có thể hướng tới 7%. Điều này có thể kéo theo tình hình lạm phát có thể tăng cao hơn nữa ở năm 2014.
|
Giá điện tăng ảnh hưởng đến CPI tháng 8 |
Ông Thành cho biết, sau khi giá điện tăng, các mặt hàng sản phẩm khác cũng tăng theo. Tuy nhiên, giá các mặt hàng chỉ được điều chỉnh tăng nhẹ chứ không tăng mạnh như trước đó. Bởi lẽ, hiện nay do đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên sức mua của người dân còn yếu. Nếu tăng giá mạnh các mặt hàng sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người dân, đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp, khó giải phóng lượng hàng tồn kho. Điều này cũng là một trong những trở ngại của nền kinh tế.
Trả lời báo giới, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, có thể cơ quan chức năng đã tính toán lạm phát 7 tháng mới trên 2% nên đã quyết định tăng giá điện. Tuy nhiên, bất cứ thời điểm nào, tình hình thế nào, tăng giá điện ở Việt Nam thì người dân đều không đồng tình, nhất là thời điểm doanh nghiệp khó khăn, người lao động thu nhập như hiện nay.
PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng giá điện thì người dùng phải chấp nhận vì EVN độc quyền. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người dân không hài lòng là EVN hiện mới nghĩ đến tăng giá chứ không nghĩ đến giảm giá.
Về phía người dân, đa phần họ đều tỏ ra không hài lòng về việc tăng giá của ngành điện. Họ lo ngại rằng, với việc tăng giá đồng loạt các mặt hàng trong đó điện sẽ kéo theo một loạt mặt hàng khác sẽ tăng, khi đó giá dịch vụ cũng tăng theo.
Chị Nguyễn Thu Xuân, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: "Mỗi tháng nhà tôi phải trả 400-500 nghìn tiền điện. Nếu giá điện tăng thì mỗi tháng không biết nhà tôi phải trả bao nhiêu tiền. Giá gas lại còn tăng nữa, chỉ khổ những người tiêu dùng thu nhập thấp như chúng tôi thôi".
Ông Hoàng Xuân Hùng, ở Đồ Sơn, Hải Phòng cho hay: "Chúng tôi làm nông nghiệp, mỗi tháng cũng phải trả 300-400 nghìn tiền điện cho sinh hoạt và hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Giờ giá điện tăng chúng tôi cũng ái ngại, trong khi đó giá điện lại còn được tính theo từng nấc thang, càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền. Nông dân chúng tôi mỗi lần trả tiền điện đều rất xót xa".