Những cuộc khủng hoảng kỳ dị nhất lịch sử nhân loại

Google News

(Kiến Thức) - Khủng hoảng hoa Tulip, thiếu giấy vệ sinh, thừa điện...được coi là những khủng hoảng hết sức kỳ quặc từng diễn ra trên thế giới.

Khủng hoảng hoa Tulip năm 1637
Cơn sốt hoa Tulip tại Hà Lan trong những năm từ 1634 đến 1638 vẫn được nhắc đến như cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên trong lịch sử loài người. 
Đã gần 5 thế kỷ qua đi song cơn sốt hoa Tulip tại Hà Lan trong những năm từ 1634 đến 1638 vẫn được nhắc đến như cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên trong lịch sử loài người.
Với sự yêu quý quá mức với loài hoa mà người dân thời đó tin rằng sẽ tăng giá nhanh chóng, tất cả vốn liếng của dân chúng gần như được đổ vào Tulip. Giá của những bông hoa này thậm chí còn đắt hơn nhiều lần so với thu nhập cả năm của một nghệ nhân. Tuy nhiên, sau đó giá cả sụt giảm rất mạnh đã làm bong bóng vỡ tan nhanh chóng. Nhiều người lâm vào cảnh phá sản và nền kinh tế Hà Lan chịu cú sốc bong bóng đầu tiên trong lịch sử hiện đại.
Câu chuyện quá khứ đã nhắc lại quy luật kinh tế luôn đúng: Khi dòng vốn chảy vào ồ ạt sẽ tạo nên bong bóng tài sản và một khi nó phình to quá mức sẽ để lại những hậu quả tai hại.
Venezuela khủng hoảng...giấy vệ sinh
Hồi tháng 5 vừa qua, người dân Venezuela từng rơi vào cuộc khủng hoảng hi hữu – thiếu giấy vệ sinh. Sự khan hiếm mặt hàng tưởng như rất bình thường này có nguy cơ đẩy người dân đến những nguy hiểm tiềm tàng về sức khỏe.
 Người dân Venezuela đua nhau mua giấy vệ sinh để tích trữ từ các siêu thị.
Dù chính phủ Venezuela đã hứa sẽ nhập khẩu 50 triệu cuộn giấy vệ sinh nhưng người dân nước này vẫn tranh nhau mua mặt hàng này vì lo ngại có khủng hoảng.
Nhiều năm nay, Venezuela thường xuyên trong tình trạng thiếu thuốc và các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như sữa và đường nhưng việc khan hiếm giấy vệ sinh đã trở thành một hiện tượng bất thường. Có tới hàng nghìn cuộn giấy vệ sinh được tiêu thụ hết bởi người tiêu dùng đua nhau đi tích trữ chỉ trong một ngày. Thậm chí, một số siêu thị ở Thủ đô Caracas đã rơi vào tình trạng “cháy” giấy vệ sinh trong nhiều ngày.
Bà Maria Rojas, 70 tuổi, cho biết: “Tôi chưa bao giờ thấy việc này xảy ra. Tôi phải đi tìm mua giấy vệ sinh suốt hai tuần và cuối cùng bà mua được trong một siêu thị ở trung tâm thành phố Caracas”.
Ngày 16/5/2013, hàng ngàn cuộn giấy trong các cửa hàng nhanh chóng được người tiêu dùng tranh nhau chất đầy lên các xe đẩy.
Bà Maria Perez chia sẻ sau khi mua được vài cuộn giấy: “Tôi cố gắng mua giấy vệ sinh vì chúng bây giờ rất khan hiếm. Chúng tôi thường bị thiếu nguồn cung cấp nhiều mặt hàng như bơ, đường, bột mì. Nhưng cái thiếu hụt mới nhất này mới đáng lo ngại”.
Các nhà kinh tế học cho biết, tình trạng thiếu hụt nguồn hàng thiết yếu của Venezuela bắt nguồn từ tình trạng kiểm soát giá cả nhằm tạo nguồn hàng cung cấp cho đại đa số dân nghèo và hoạt động kiểm soát ngoại tệ của chính phủ.
Khủng hoảng…hành tây tại Ấn Độ
Ấn Độ phải đối mặt với một trở ngại lớn khi giá hành, loại gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Ấn Độ đang tăng rất mạnh.
Người Ấn Độ biểu tình phản đối giá hành quá cao.  
Nếu cách đây vài tháng, vàng là mặt hàng nóng sốt tại Ấn Độ, thì gần đây hành tây mới là thứ làm xáo động thị trường Ấn Độ. Mặt hàng này đã tăng giá gấp đôi chỉ trong vòng hơn 1 tuần, lên mức khoảng 80 rupee/kg. Người tiêu dùng Ấn Độ, đặc biệt là người nghèo đang bị sốc vì sức tăng này.
Ông Kapil Patnaik, một người tiêu dùng Ấn Độ nói: “Hôm nay tôi mua hành không phải vì tôi có tiền đâu, mà vì tôi bắt buộc phải có hành trong bữa ăn. Còn nhiều người không có tiền mua hành mà ăn đâu”.
Trời mưa, mất mùa, tiền Ấn Độ mất giá… một loạt những lý do đang khiến cho những củ hành trở thành thứ xa xỉ trong các mâm cơm của người Ấn Độ. Các chuyên gia cho rằng, kênh phân phối hành không ổn cũng là một nguyên nhân khiến cho người dân Ấn Độ phải chịu mức giá chóng mặt của mặt hàng này như hiện nay.
Ông Sunil Shah, chuyên gia thị trường tại Mumbai khẳng định: “Nếu như chúng ta có một mạng lưới bán lẻ lớn hoặc có các kênh phân phối rau đến tận các cửa hàng tạp hóa, có dịch vụ cung ứng, có kho hàng thì việc khan hiếm hành dẫn đến giá tăng như hiện nay có lẽ đã không xảy ra”.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Ấn Độ, giá hành đã tăng trên tới gần 120% kể từ tháng 6 năm ngoái. Mà theo thống kê, hành luôn được xem là thước đo lạm phát của Ấn Độ, là yếu tố chính đẩy lạm phát của nước này tăng mạnh trong quá khứ.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu chính phủ Ấn Độ không mau chóng can thiệp đến giá hành như tăng cường nhập khẩu từ các nước láng giềng, hay mở ra các điểm bán hàng trợ giá, thì một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ những củ hành sẽ sớm diễn ra.
Khủng hoảng thiếu bánh mì ở Ai Cập
Hồi năm 2008, Ai Cập rơi vào tình trạng bất ổn do giá cả leo thang và thiếu bánh mì nghiêm trọng. Ở Thủ đô Cairo, dòng người dài dằng dặc đã trở thành cảnh quen thuộc ở những nơi có bán bánh mì.
 Người dân tranh giành mua bánh mì ở Thủ đô Cairo, Ai Cập.
Thậm chí thường xuyên xảy ra chuyện chen lấn, tranh chấp, giành giật nhau để mua được bánh. Có tới hai người thiệt mạng và một số bị thương vì tranh giành mua bánh mì.
Chính phủ đã cho nhập khẩu thêm bột mì và trợ giá các lò bánh nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng. Tại cuộc họp hội đồng bộ trưởng ngày 16/3/2008 bàn về cuộc khủng hoảng bánh mì, Tổng thống nước này đã ra lệnh cho quân đội và cảnh sát tham gia sản xuất thêm bánh mì và trực tiếp phân phối tại các khu dân nghèo. Ông cũng chỉ thị sử dụng tiền của chính phủ gửi ở nước ngoài để nhập khẩu thêm bột mì. Quân đội Ai Cập đã mở thêm 10 lò làm bánh có công suất lớn và 500 điểm bán trợ giá cho người tiêu dùng.
Đức khủng hoảng thừa điện
Năm 2010, nước Đức đã hết sức lo ngại bởi khủng hoảng thừa điện do lượng quang năng tăng nhanh hơn dự kiến.
Đường dây điện ở Đức.
Đức đã rất thành công khi khuyến khích các hộ gia đình lắp đặt các bảng thu năng lượng mặt trời và nếu lượng điện dư thừa, không sử dụng hết thì bán lại cho mạng lưới điện quốc gia. Với sự trợ cấp hào phóng của chính phủ Đức, lượng quang năng tăng nhanh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, cũng vì sự tăng trưởng nhanh này mà kỹ sư Stephen Kohler, người tư vấn cho Chính phủ Đức đã cảnh báo về tình trạng khủng hoảng thừa điện có thể xảy đến với nước này. Theo Kohler thì đã đến lúc phải cắt giảm việc khai thác quang năng.
Vấn đề đáng chú ý là vào lúc giữa trưa, khi nguồn ánh sáng mặt trời dồi dào nhất thì lượng điện tại các nhà máy nhiệt điện cũng sẽ được sản xuất ở mức cao nhất và lúc đó cần phải truyền tải cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, lượng quang năng tăng quá lớn sẽ ảnh hưởng tới mạng lưới điện, thậm chí phải cho dừng hoạt động các nhà máy nhiệt điện.
Theo Stephen Kohler, điều đó sẽ là thảm họa. Ông kêu gọi Chính phủ Đức giới hạn ở mức lắp đặt để khai thác 1 GW/năm mà thôi để đạt được tiêu chuẩn quản lý vào năm 2020 là 30 GW. Bên cạnh đó còn phải linh hoạt để khu vực nào tăng cường sản xuất quang năng và khu vực nào cần hạn chế.
Nguyên Thảo (tổng hợp)

Bình luận(0)