Mới đây, thông tin đưa trên báo Infonet về showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy, thuộc Công ty Tuệ Dân
cấm cửa khách Việt, chỉ đón khách Trung Quốc tại Đà Nẵng đã gây xôn xao dư luận. Theo báo đưa, nhiều người dân tại khu vực này đã bức xúc phản ánh về việc showroom H.A Cao su thiên nhiên ở 148 Xuân Thủy (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân khẳng định chỉ tiếp khách đoàn Trung Quốc chứ không cho khách Việt Nam vào mua sắm.
|
Showroom H.A Cao su thiên nhiên của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tuệ Dân... Ảnh: Infonet.
|
Theo nhân viên quản lý tại đây, showroom nhận khách theo tour, không bán hàng cho khách lẻ. Phía bên ngoài showroom này, các biển quảng cáo sản phẩm cũng chỉ ghi tiếng Trung, khách Việt đến xem hàng đều bị cấm cửa hoặc cấm chụp ảnh.
Đây không phải lần đầu, khách Việt “nếm trái đắng” khi bị chính những cửa hàng Việt từ chối không phục vụ với nhiều lý do khác nhau. Năm 2013, một nữ khách hàng từng rất bức xúc khi một cửa hàng bán đồ thêu trên phố Hàng Bè từ chối tiếp trong khi tại thời điểm đó, chủ cửa hàng đang vui vẻ tiếp 2 vị khách nước ngoài. Theo phân trần của chủ cửa hàng này thì việc không phục vụ khách Việt đã diễn ra từ lâu, vì nhiều lý do khác nhau như có lần khách Việt lấy trộm đồ. Nếu khách đến thường từ chối bằng cách nói cửa hàng chưa mở cửa hoặc “đang bận ăn sáng”. Câu chuyện này đã xôn xao suốt thời gian dài, hầu hết người tiêu dùng đều phản ứng mạnh trước thái độ bán hàng tại đây, thậm chí còn kêu gọi “tẩy chay” cửa hàng này.
|
Bức xúc của khách hàng về cửa hàng bán đồ thêu trên phố Hàng Bè. |
Tại Hà Nội, không ít cửa hàng đặc biệt trên khu phố cổ thường xuyên tỏ rõ thái độ không nhiệt tình, thậm chí không tiếp khách là người Việt, thường từ chối khách kiểu như: “Ở đây không có cỡ (size) cho em đâu”, “Ở đây chỉ bán buôn chứ không bán lẻ”… Với nhiều người, việc không thể mua sắm tại cửa hàng của người Việt chỉ vì cùng quốc tịch là phân biệt và xỉ nhục khách hàng.
Cũng trong năm 2013, thông tin nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P. Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) không cho khách Việt Nam vào cửa hàng lưu niệm với lý do "tiệm này không bán cho người Việt Nam" khiến dư luận “dậy sóng”.
Theo ông chủ nhà hàng, Cát Vàng đã không phục vụ khách Việt từ 2-3 năm trước với lý do sợ khách giả dạng vào lấy cắp đồ hoặc là người tiệm khác trà trộn vào thăm dò giá cả. Tuy nhiên, thái độ của vị chủ nhà hàng này với khách Việt không được hòa nhã, lịch thiệp, vì thế, câu chuyện từ chối khách Việt trở thành hình ảnh xấu xí của Cát Vàng trong mắt khá nhiều người.
|
Nhà hàng Cát Vàng. |
Trên thực tế, tình trạng phân biệt khách Việt và khách quốc tế không chỉ diễn ra ở nhà hàng Cát Vàng. Trước đó, nhà cổ Út Kiệt và nhà cổ Ba Đức (Cái Bè – Tiền Giang) cũng từ chối tiếp khách Việt Nam với chung một lý do: ý thức khách Việt chưa tốt, khi tiếp khách Việt, cây trong vườn trở nên xơ xác, dưới đất trái non và rác xả đầy. Khách Việt Nam thường đòi ăn rùa, rắn (không quan tâm việc bảo vệ môi trường và sinh vật tự nhiên), khi ăn là “rượu vào, lời ra, la lối om sòm”.
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cũng đã lên tiếng, trong đó, nhiều ý kiến không đồng tình với các phục vụ, ứng xử với khách Việt của các nhà hàng này. Theo GS Ngô Đức Thịnh “Người Việt hay bất cứ người ở quốc gia nào cũng đều có người tốt người xấu, không nên đánh đồng, càng không nên phân biệt như vậy”.
Một số chuyên gia khác cho rằng, hành động người Việt từ chối người Việt sẽ làm ảnh hưởng đến sức hút đầu tư vào du lịch Việt Nam. “Hành động xấu này đã ảnh hưởng đến cả đất nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thu hút đầu tư của du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Không nhà đầu tư nào chịu đầu tư vào nơi mà cách hành xử của người dân với cộng đồng của mình như thế. Thời đại thông tin tràn lan trên mạng, cả thế giới sẽ biết đến vụ việc này. Do đó, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm, công bố lên phương tiện truyền thông đại chúng nếu muốn tiếp tục hút đầu tư quốc tế vào du lịch địa phương để phát triển”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.