Mấy ngày qua, dự luận trong nước đang rất quan tâm sự việc ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Nhiều tài xế phản đối trạm BOT Cai Lậy bằng cách đưa 25.100 đồng (một tờ 20.000 đồng, chín tờ 500 đồng, ba tờ 200 đồng) và yêu cầu trả lại tiền thừa là tờ tiền 100 đồng.
Đại diện BOT Cai Lậy nói rằng ngân hàng không còn lưu hành tờ tiền giấy 100 đồng và đòi tài xế phải có văn bản của ngân hàng để làm căn cứ giải quyết. Trong khi đó, cổng thông tin điện tử NHNN vẫn liệt kê tờ tiền giấy 100 đồng trong danh sách các tờ tiền đang lưu hành.
|
Tiền lẻ mệnh giá 100 đồng hiện nay được rao bán với giá cao gấp hàng trăm lần giá trị. (Ảnh: Zen Nguyễn) |
Thông báo của NHNN Việt Nam nêu rõ: "Từ năm 2003 đến năm 2006, NHNN Việt Nam đã phát hành vào lưu thông bộ tiền mới nhằm bổ sung cơ cấu, mệnh giá đồng tiền trong lưu thông, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và nâng cao chất lượng, khả năng chống giả của đồng tiền, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Trong đó, tiền polymer có các mệnh giá 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng, 20.000 đồng, 10.000 đồng và tiền kim loại có các mệnh giá 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng, 200 đồng.
Việc phát hành tiền kim loại là bước đi nhằm hoàn thiện hệ thống tiền tệ, phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số mệnh giá tiền giấy (cotton) vẫn song song lưu hành với bộ tiền mới".
Những điều ít biết về tờ tiền 100 đồng
Tờ 100 đồng được phát hành ngày 2/5/1992 sau 7 năm Việt Nam đổi tiền. Tờ 100 đồng có kích thước: 120 mm x 59 mm, in bằng cotton và có mầu sắc tổng thể là nâu - đen.
|
Đây là tờ tiền duy hình một danh thắng cổ kính ở mặt sau. |
Nội dung mặt trước: Dòng chữ "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" - Quốc huy - Mệnh giá 100 đồng bằng chữ và số - Hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Nội dung mặt sau: Dòng chữ "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" và được minh họa bằng Phong cảnh tháp Phổ Minh. Ngoài ra, tờ 100 đồng còn được in hình trang trí hoa văn dân tộc và hoa văn lưới hiện đại.
Đây là tờ tiền duy nhất in hình một danh thắng cổ kính ở mặt sau. Tờ 5.000 đồng in Phong cảnh thuỷ điện Trị An ở mặt sau, tờ 2.000 đồng in hình Xưởng dệt, tờ 1.000 đồng in hình khai thác gỗ, tờ 500 đồng in hình phong cảnh Cảng Hải Phòng, tờ 200 đồng in hình sản xuất nông nghiệp.
Tháp Phổ Minh là một công trình trong khuôn viên chùa Tháp - một ngôi chùa ở thôn Tức Mạc, nằm cách thành phố Nam Định khoảng 5 km về phía bắc. Năm 2012, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Trần và chùa Phổ Minh được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Theo biên niên sử, chùa được xây dựng vào năm 1262, ở phía tây cung Trùng Quang của các vua nhà Trần. Nhưng theo các minh văn trên bia, trên chuông thì ngôi chùa này đã có từ thời nhà Lý. Có thể chùa đã được xây dựng từ thời Lý và trùng tu rồi mở rộng với quy mô lớn từ năm 1262. Về sau, chùa đã nhiều lần tu bổ nhưng chùa vẫn còn giữ được nhiều dấu tích nghệ thuật đời Trần.
Qua các lần tu sửa theo thời gian, chùa Phổ Minh đã bị thu hẹp nhiều so với trước, tuy nhiên kiến trúc thời Trần vẫn còn rất đậm nét. Có thể nói tháp Phổ Minh đã đồng hành trong lịch sử dân tộc từ thời nước ta giành quyền độc lập lâu dài. Vì lẽ đó, tháp Phổ Minh được chọn in trên mặt sau tờ tiền 100 đồng.
Đã từng mua được rất nhiều thứ
Cho tới thời điểm hiện tại, tờ 100 đồng dường như đã không còn giá trị lưu hành trên thị trường và chỉ xuất hiện mang tính sưu tầm. Tuy nhiên, vào khoảng thời gian nó xuất hiện (năm 1992), mệnh giá nhỏ nhất của đơn vị tiền tệ Việt Nam đã từng trao đổi được rất nhiều mặt hàng.
Vào năm 1992, 1 chỉ vàng ta có giá trị khoảng 180.000 - 200.000 đồng (sau 20 năm, giá trị của vàng bị chênh tới 18 lần). Theo chuyên gia kinh tế Vũ Mạnh Hoài, vàng là kênh đầu tư giữ giá nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy, khoảng 20 năm trước, người Việt Nam thường quy đổi ra vàng thay vì VNĐ như hiện nay.
|
100 đồng đã từng mua được rất nhiều kẹo bột. |
Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, 100 đồng vào năm 1992 được sử dụng chính trong nhu cầu hằng ngày. Anh Mạnh Hùng (SN 1984, Hà Nội) cho biết, vào năm 1992, tờ 100 đồng là niềm mơ ước của rất nhiều trẻ em: "100 đồng có thể mua được một mớ rau muống hoặc các mặt hàng rau xanh ở chợ".
Anh Hùng hồi ức lại: "Trẻ em thời kỳ đó làm gì có nhiều thứ để ăn vặt, mua sắm, vui chơi như bây giờ. 100 đồng tuy bé nhưng rất quý và mua được nhiều thứ. Trong đám trẻ con, 100 đồng mua được một xấp bánh quế, mua được đủ loại bỏng, từ bỏng con cá màu trắng xốp ộp ộp, bỏng que, bỏng gạo, bỏng ngô nếp ngô tẻ đến bánh quế tròn in hình con vịt con cá, ăn là cứ phải ăn theo viền để tách được hình con vật ra, rồi mới ăn thịt con vật,... " .
Đồng quan điểm của anh Hùng, chị Yến (vợ anh Mạnh Hùng) bổ sung thêm: "100 đồng thời đó mua được ô mai thái, kẹo cao su con vẹt với keo bong bóng. Rồi lên cấp 1, ở cổng trường bán đủ thứ mà trẻ con thời đó cứ mơ ước mãi như: ô mai, kẹo bông, dứa chấm muối ớt. Mãi sau này lớn lên mới biết, 100 đồng mua dứa chấm ớt chỉ là phần lõi của nhà máy chế biến dứa bỏ đi, mấy bà bán hàng lấy về cả bán 100 đồng một cái tha hồ lãi mà lũ học sinh vẫn lao đầu vào mua. Giờ thấy nhớ mà không biết mua ở đâu".
"Mùa hè, 100 đồng có thể mua 1 cái kem chuối thêm một chút dừa nạo bên trên. Vào mua đông, 200 đồng có thể mua một bát cháo sườn đầy ú ụ. Ngày đó, bát phở chỉ có 500 đồng - 1.000 đồng là đắt lắm rồi nhưng thịt thì vẫn chan đầy bát", chị Yến nói.
|
Cho tới thời điểm hiện tại, tờ 100 đồng dường như đã không còn giá trị lưu hành trên thị trường và chỉ xuất hiện mang tính sưu tầm. |
Trong khi đó, trẻ em ở các vùng nông thôn thì ít mặt hàng hơn, nhưng tờ 100 đồng vẫn là kỷ niệm của nhiều người. Anh Đức Trọng (SN 1981, Phú Thọ) chia sẻ, 100 đồng ở nông thôn chắc chắn mua được nhiều thứ hơn ở Hà Nội, nó có thể mua được 1 quả trứng, một mớ rau muống to đùng ăn cả ngày không hết.
"100 đồng có thể mua được vài quả bóng bay. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ 100 đồng mua được 4 cái kẹo bột. Trẻ em bây giờ chắc chắn không biết kẹo bột là gì, nhưng tôi nhớ mãi hương vị ngọt ngào của mật và mạch nha. Kẹo bột còn có tên gọi khác là kẹo cởi truồng, nhỏ bằng ngón tay út nhìn thon, dài", anh Trọng chia sẻ.