Thế nào là Hòa thượng?

Google News

Tại Đông và Nam Á, danh hiệu Hòa thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cả vị A xà lê.

Hòa thượng có gốc từ Phạn ngữ: upadhyaya, Pàli: upajjhaya, tiếng Nhật là: osho; dịch âm Hán Việt là Ưu ba đà la; nguyên là cách gọi đối với các bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa di hoặc Tỳ kheo. Vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh. Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Độ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng già, đó là Hòa thượng và A xà lê. Hòa thượng là người dạy các đệ tử biết trì giới, thực hành nghi lễ và vị Giáo thọ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách. Vì thế mà danh từ Hòa thượng cũng đồng nghĩa với từ Luật sư hoặc Giới sư trong thời này.
  HT.Thích Bảo Nghiêm và giáo chỉ tấn phong Hòa thượng do Đức Pháp chủ trao. Ảnh: chuabang.com.
Theo quan niệm của người Trung Quốc thì Hòa thượng là người xuất gia và với thân phận là người xuất gia thì "trên ngồi cùng chiếu với vua, dưới cùng đi với kẻ ăn mày" nghĩa là cao sang thì rất cao sang, hèn nghèo thì rất hèn nghèo. Nếu là đứng đầu một chùa trong đại tùng lâm thì gọi là Phương trượng hòa thượng.
Tại Đông và Nam Á, danh hiệu Hòa thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cả vị A xà lê. Muốn mang danh hiệu này, một vị Tăng phải đạt được những tiêu chuẩn đạo đức, thời gian tu tập (tuổi Hạ - PV)... và danh hiệu này được tấn phong trong một buổi lễ long trọng của Tăng già.
Còn tại Việt Nam ngày nay theo quy định trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, "Được tấn phong Hòa thượng những Thượng tọa từ 60 tuổi đời, 40 tuổi đạo trở lên, có đạo hạnh, có công đức với Đạo pháp và dân tộc, do Ban Trị sự Tỉnh hội, Thành hội đề nghị lên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để xét duyệt, đệ trình Thường trực Hội đồng Chứng minh phê chuẩn, được Hội nghị TW thông qua hay Đại hội Phật giáo toàn quốc tấn phong với một Nghị quyết và một giáo chỉ do Đức pháp chủ ban hành".
Bên cạnh đó, danh hiệu Đại lão Hòa thượng được dùng để gọi những vị Hòa thượng có tuổi đạo từ 60 năm trở lên tính theo Hạ lạp, thông thường là 80 tuổi đời trở lên.
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)