Nếu bạn giữ yên được đôi mắt bạn nhìn thẳng vào một ngôi sao xa thẳm nào đó, có thể bạn sẽ lọt vào được thiên đàng rực rỡ tình yêu của chư Phật, của các bậc Thánh. Và một khi bạn có thể thực hiện được như vậy thì nội tâm bạn đã sung mãn tràn đầy, cuộc đời bạn chỉ tràn đầy, luôn luôn sung mãn hỉ lạc, - ngay cả cái chết cũng không tiêu hủy được.
Tình yêu thực khó có thể hiện hữu trong một trạng thái bình thường của tâm thức con người.
Tình yêu chỉ hiện hữu khi người ta đạt tới nhân vị, nhân bản thực sự, là một con Người (viết hoa) thực sự, không thể nào trước đó được. Trước cái thời điểm đó là một cái gì khác chứ không phải là tình yêu. Chúng ta cứ tiếp tục kêu gọi nó, đặt tên cho nó là tình yêu nhưng có đôi lúc thật lố bịch và vô duyên khi ta mãi gọi cái thứ tình cảm dễ dàng đó là “tình yêu".
|
Ảnh minh họa.
|
Một người đàn ông nói yêu người đàn bà bởi vì anh ta thích cái dáng đi, giọng nói của cô ta hay cái lối nàng chào hỏi hay đôi mắt của cô ta. Trước đây tôi đọc báo thấy có một phụ nữ nói về người cô ta thích là, “Anh ấy có hàng lông mi đẹp nhất thế giới.” Thật ra thì cũng không có cái gì sai trong câu nói đó cả - lông mi có thể đẹp lắm chứ - nhưng nếu bạn yêu người nào đó vì hàng lông mi đẹp của họ thì chẳng sớm thì muộn, bạn sẽ thất vọng, bởi vì lông mi là phần thể vô cảm nhất, không thiết yếu của một người.
Người đời thường hay yêu thích những phần thể vô cảm ấy! Hình dáng của một người, đôi mắt… những thứ ấy đều vô cảm. Bởi vì khi bạn sống chung với một người nào, bạn không sống với một phần thể của hình hài thân xác con người đó; bạn không sống với hàng lông mi hay mầu sắc của mái tóc. Khi bạn sống với một ai, người đó là một vật thể sống động, mông mênh, kỳ bí… có thể nói gần như không thể định nghĩa được và những phần thể nhỏ nhít kia của người mà bạn sống chung như: hình dáng đẹp hay xấu, lông mày, lông mi, đôi mắt, miệng mũi, v.v.. đều vô nghĩa, tầm thường. Tuy nhiên những con người tầm thường sẽ thảng thốt hỏi rằng, “Vậy thì phải làm sao? Làm gì?”
Tất cả những mối tình đều bắt đầu thật thơ mộng lãng mạn cả, nhưng ngay khi tuần trăng mật chấm dứt thì tất cả sự thơ mộng lãng mạn đó đều sụp đổ. Những lãng mạn thơ mộng cũng chấm dứt luôn vì người ta không thể sống với lãng mạn mãi được. Người ta phải quay về đối diện với thực tế - và thực tế thì hoàn toàn khác hẳn.
Khi bạn trông thấy một người, bạn không thấy cái tổng thể con người đó, bạn chỉ nhìn cái bề mặt của con người đó mà thôi, cũng giống như bạn thích cái xe hơi này vì màu sắc bên ngoài của nó. Bạn không quan tâm đến bộ máy, cái ốc vít, bù loong, v.v. có thể một bộ phận nào đó đã bị hư rồi chăng hay có một cái gì đó không ổn, bị thay thế, bào mòn… Không, bạn không hề quan tâm đến. Thực ra cái màu sắc bên ngoài của cái xe chẳng giúp ích được cái gì cho cái xe cả. Nó không làm cho chiếc xe chạy, nó chỉ là sự tô điểm bề ngoài bóng loáng để lòe mắt thiên hạ. Cái bóng sắc bên ngoài con người ta cũng vậy, cái bóng sắc đó chỉ là sự tô điểm hoa hòe vờ vịt lòe bịp nhưng người ta luôn luôn đam mê những bóng sắc và bỏ quên không màng đến thưcï chất bên trong.
Khi hai người gặp nhau, thực chất bên trong hai con người họ va chạm vào nhau, giao thoa với nhau và những thứ khác đều vô nghĩa. Hàng lông mi đẹp, mái tóc hay kiểu tóc có ý nghĩa quái gì đâu so với cái đẹp của nội tâm? Bạn cần nên quên hẳn những thứ trang trí bên ngoài con người đó. Những thứ đó không còn hấp dẫn bạn nữa vì chúng nó cứ vẫn luôn chường ra trước mặt. Vì thế nếu bạn chỉ đam mê những sắc đẹp bóng dáng bên ngoài và không quan tâm đến chiều sâu nội tại thì bạn càng gần đối tượng của bạn thì bạn càng đâm ra hoảng sợ vì bạn càng thấy rõ cái điên khùng ngớ ngẩn của chính bạn qua người và chính đối tượng yêu đương của bạn cũng sợ hãi vì họ cũng dần khám phá cái cuồng si lọc lừa của chính họ qua bạn. Thế rồi cả hai dối gạt nhau và cả hai tức giận oán ghét nhau. Cả hai sẽ tìm cách trả đũa nhau vì cho rằng kẻ kia dối gạt mình. Nhưng thật ra không có ai lừa dối ai hết mà tự mỗi người lừa dối chính mình.
Sự kiện cơ bản nhất là phải nhận thức rằng khi bạn yêu một người, bạn không yêu cái thể xác hiện hữu của con người đó - tình yêu thực sự không bao giờ thể hiện trên thể xác bên ngoài mà chỉ sanh trưởng trong nội tâm và nếu bạn chỉ thích cái vật thể bên ngoài thì thứ tình cảm đó không thể nào là chân tình được. Cũng vậy, bạn mơ mộng được giàu có vì bạn đang nghèo đói; nhưng nếu bạn có tiền của nhiều rồi, bạn mơ giàu để làm gì nữa? Bạn nghĩ đến thức ăn vì bạn đang đói bụng, nhưng nếu bụng no rồi thì bạn đâu có nghĩ đến ăn uống nữa?
Cái mà bạn mệnh danh là tình yêu cũng đại loại như vậy. Bạn đeo đuổi theo một người đàn bà và người đàn bà đó thu mình lại, tự co rút vào trong chính cô ta và chạy trốn khỏi bạn. Bạn lại càng hăm hở lao theo cố đuổi bắt cô ta cho bằng được. Đó là mặt trái của trò chơi đuổi bắt tình ái. Người phụ nữ nào cũng biết cái mánh khóe chạy trốn đó - và cái trò chơi đuổi bắt đó tiếp tục. Lẽ dĩ nhiên cô ta sẽ không chạy trốn xa bạn đến nỗi bạn không còn nhìn thấy cô ta nữa đâu - mà cô ta sẽ biến mất rồi lại xuất hiện, biến mất rồi lại xuất hiện, mờ mờ ảo ảo như người đi trong sương đêm, khêu gợi bạn, mời mọc bạn, kêu gọi bạn và rồi lại chạy trốn. Cũng như người đàn bà, tên đàn ông nào cũng có một lối trò chơi ú tim như vậy. Nếu bạn là người đàn bà thì tên đàn ông sẽ ve vãn đuổi theo tán tỉnh bạn, sau đó hắn lại ruồng rẫy xa lánh bạn, rồi khi bạn sắp quên hắn thì hắn lại lù lù xuất hiện.... cứ như thế, bạn chạy trốn hắn ta, rồi ngược lại hắn chạy trốn bạn, bạn đuổi theo hắn ta rồi hắn ta lại đuổi theo bạn … cứ thế mà cái trò chơi đuổi bắt tình ái vớ vẩn đó liên tục tiếp diễn. Anh (em) đi đâu? Nói chuyện với ai? Tại sao anh (em) về trễ? Anh (em) đã ở với ai?
Nếu không ai biết rõ về ai thì cả hai mới còn hấp dẫn lôi cuốn nhau; nhưng nếu một khi đã quá nhẵn mặt nhau rồi thì có còn gì để tìm hiểu nhau nữa? Họ đã ăn ở với nhau quá nhiều lần đến nỗi bây giờ sự việc đó như là một cái máy lập đi lập lại, bấm nút là chạy - cũng có thể có chút thư giãn hoan lạc đó, nhưng nét thơ mộng lãng mạn đã mất tiêu rồi. Và rồi họ cảm thấy chán chường. Người đàn ông trở thành một thói quen; người phụ nữ trở thành một thói quen. Họ không thể sống xa nhau vì họ đã trở thành thói quen của nhau nhưng họ cũng không thể sống vui vẻ mặn nồng với nhau vì không còn sự thương yêu sâu xa chân thực trong họ nữa.
Đó là điểm chính mà chúng ta cần phải suy nghĩ tìm hiểu kỹ xem có phải là tình yêu thực sự đến với nhau hay không? Và chúng ta không nên, không bao giờ nên tự đánh lừa mình, chúng ta cần phải rõ ràng quán xét chính tâm tư mình.
Nếu thực sự đó là tình yêu hay chỉ là một mảng nhỏ của chân tình thôi, những hình dáng bên ngoài đều không quan trọng (xấu đẹp, mập ốm, cao lùn, học thức hay không trí thức, v.v.), tất cả đều không quan trọng với chân tình. Và người ta cần nên thấu đáo rằng tất cả những gì đối tượng của họ có đều tự nhiên cả. Không có gì phải so sánh, phải phê bình, phải buồn bực, phải xấu hổ cả. Và bạn vẫn luôn luôn trân trọng yêu qúi con người thật đó của đối tượng, ngay cả khi bạn hiểu rõ con người đó rồi, người đó trở thành quen thuộc rồi, bạn vẫn yêu qúi tôn trọng anh ta hay cô ta, không thay đổi. Thực ra nếu đó là chân tình, bạn càng trân quí con người mà bạn đã hiểu rõ họ. Nếu có chân tình, tất cả đều tồn tại. Nếu không có, tất cả đều biến mất.
Với một trạng thái tâm thức bình thường, cái mà tôi mệnh danh là tình yêu không thể hiện hữu được. Tình yêu chỉ hiện hữu khi bạn có thể hợp nhất hòa điệu được với chính bạn, với người yêu bạn. Tình yêu là chức năng của sự hợp nhất đồng thể. Đó không phải là sự lãng mạn, tình yêu không có liên quan gì với những thứ vớ vẩn đó. Tình yêu đi thẳng vào lòng người và nhìn xuyên suốt vào tận linh hồn người ta. Nếu ai ai cũng sống cởi mở được như vậy, ai ai cũng yêu thương nhau rộng lượng bao dung như vậy thì có còn gì để nói nữa? Đáng lẽ tình yêu phải được nuôi dưỡng như vậy, phải phát triển trong tâm hồn người một cách linh động như vậy, nhưng tiếc thay 99 trong một trăm mối tình đều không bao giờ phát triển theo chiều hướng đó. Vì thế những lợi dụng lừa dối nhau, những rắc rối phức tạp đã xảy ra giữa những kẻ yêu nhau đến nỗi chúng phá hủy hết những gì người ta đã cố công dựng xây cho nhau. Nhưng tôi cũng không nói là người ta phải bám víu vào thứ tình yêu đó.
Chúng ta cần phải tỉnh táo nhậm lẹ. Nếu tình cảm của bạn có mặt những thứ rơm rác vớ vẩn đó thì tình yêu sẽ tự nó biến mất, không còn. Cái thứ tình cảm giả dối bên ngoài đó không đáng bận tâm, không có giá trị; nhưng nếu đó là chân tình thì dù có xảy ra bất cứ tình huống nào, tình yêu chân thực đó vẫn tồn tại. Hãy nhìn thẳng vào chính lòng mình! Hãy chân thật với chính tâm hồn, tình cảm mình để đừng lừa dối người, đừng lừa dối mình! Bạn cần nên nhìn kỹ chính bạn. Bạn cần nên quán chiếu.
Tình yêu không phải là vấn đề. Chính sự thức tỉnh của bạn mới là vấn đề. Bạn cần phải tỉnh thức để nhìn rõ vạn sự vạn vật. Có thể tình cảm trước kia của bạn sẽ biến mất nhưng một khi bạn tỉnh thức, bạn có thể chọn một mối tình khác với một tâm trí tươi mát tốt đẹp hơn. Hay cũng vẫn là cuộc tình này, với sự tỉnh thức nhiệm mầu, sẽ thay đổi phẩm chất của mối tình bạn. Do đó, bất cứ chuyện gì xảy ra, bạn cần nên giữ phong cách cởi mở, tỉnh táo.
Tình yêu có ba khía cạnh: khía cạnh thứ nhất là loại nặng về tình dục như bản năng động vật, cái loại tình cảm này thực chỉ là tham ái, dục vọng, khát khao sinh lý trần tục. Khía cạnh thứ hai thì có tính chất “người” hơn một tí: loại tình cảm này cao hơn dục vọng, cao hơn tình dục, cao hơn sự rung động lãng mạn tình cảm bình thường của nam nữ.
Khía cạnh thứ nhất chỉ là sự khuynh loát tình dục; người đàn ông thèm khát chiếm hữu thân xác người đàn bà và người đàn bà cũng lợi dụng cơ thể người đàn ông; cả hai đều lợi dụng giả dối nhau để thỏa mãn bản năng sinh lý động vật cấp thấp của mình. Cả hai phái đều là công cụ của nhau, cho nhau.
Khía cạnh thứ hai thì bình đẳng, không ai lợi dụng ai, không ai là phương tiện, là công cụ cho ai cả mà cả hai hổ tương cho nhau; tình yêu đó không phải là sự khuynh loát chiếm hữu mà đồng chia sẻ sự hiện hữu của mình, thể xác mình, hạnh phúc mình, sự hồn nhiên trong trắng của vần thơ nét nhạc cuộc đời mình cho đối tượng mình yêu. Đó là sự đồng cảm, đồng chia sẻ hiểu biết thương yêu nhau của hai người.
Khía cạnh thứ nhất là chiếm hữu lợi dụng; khía cạnh thứ hai thì không sở hữu chiếm đọat. Khía cạnh thứ nhất là trói buộc, thứ hai là tự do. Nhưng khía cạnh thứ ba thì vượt ngoài chiếm hữu và vô sở hữu. Đó là tình yêu của Phật, tình yêu của các bậc thánh: tình yêu này không có chủ thể, không có đối tượng, không có người yêu, không có cái để yêu, không có đối tượng được yêu… khi tình yêu không còn là tương giao, không còn là sự hổ tương bổ sung nữa, khi tình yêu trở thành chính con người bạn.
Bạn chính là tình yêu, tình yêu chính là bạn. Cả hai là một, tuy một mà hai. Bạn đơn thuần yêu thương và yêu thương - không cần phải có một đối tượng để yêu, không phải yêu riêng đặc biệt một người nào - đơn giản là một trạng thái yêu thương; tình yêu tự trái tim bạn nẩy nở, chan hòa ra vạn hữu, vô sở cầu, vô sở hữu, vô đối tượng. Vì thế bất cứ những gì bạn hành xử, bạn hành xử trong tình yêu trọn vẹn, một cách chân thực yêu mến; khi gặp gỡ bất cứ một người nào, bạn đều vui vẻ thương quí chào hỏi họ. Ngay cả khi bạn xúc chạm một hòn đá vô tri, bạn cũng xoa nhẹ nó như bạn đang trìu mến vuốt ve người thương của bạn hay khi bạn ngước mắt nhìn cây lá xanh tươi kia, mắt bạn cũng ngời sáng tình yêu.
Trong khía cạnh thứ nhất, đối tượng bị sử dụng, bị lợi dụng như một công cụ thỏa mãn khát ái; trong loại thứ hai, đối tượng không còn là công cụ lợi dụng nữa, có chút nhân bản, tình người; trong khía cạnh thứ ba, đối tượng đã hoàn toàn biến mất. Loại thứ nhất tạo ra sự trói buộc giam hãm; loại thứ hai cho bạn và người tự do; nhưng loại thứ ba thì vượt thoát hẳn ngoài tự do hay giam cầm; đó là sự Chuyển Hóa tất cả đối đãi nhị nguyên Có Không. Không còn người yêu và người được yêu, không còn đối tượng, chủ thể khách thể gì cả… duy nhất chỉ là Tình Yêu.
Đó là trạng thái tối linh của tình yêu, đó là mục đích đời sống mà chúng ta cần phải đạt tới. Phần đông con người bị giam hãm trong khía cạnh thứ nhất là dục vọng khát ái, thích chiếm hữu, thích thõa mãn bản năng sinh lý động vật cấp thấp. Chỉ có ít người lọt vào được vòng thứ hai, và thật hiếm, hiếm lắm con người mới rờ mó được cánh cửa thứ ba. Chỉ có Phật, chỉ có các bậc Thánh ... có thể nói rất hiếm, đếm chưa hết được hàng số chục những người có thể lọt vào được cánh cửa thứ ba của tình yêu.
Nhưng nếu bạn giữ yên được đôi mắt bạn nhìn thẳng vào một ngôi sao xa thẳm nào đó, có thể bạn sẽ lọt vào được thiên đàng rực rỡ tình yêu của chư Phật, của các bậc Thánh. Và một khi bạn có thể thực hiện được như vậy thì nội tâm bạn đã sung mãn tràn đầy, cuộc đời bạn không thiếu gì nữa cả, chỉ tràn đầy, luôn luôn sung mãn hỉ lạc, hỉ lạc trường tồn bất tử - ngay cả cái chết cũng không tiêu hủy được.