Chuyện Phật dạy môn đồ về ngày lành tháng tốt
Trong kinh Tạng Nikaya có ghi: Thời Đức Phật còn thuyết pháp ở Rajagaha, Ngài bèn cho gọi các môn đồ đến và giảng: Người nào vào buổi sáng, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, thì sẽ có một buổi sáng tốt đẹp. Người nào vào buổi trưa, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, sẽ có một buổi trưa tốt đẹp. Người nào vào buổi chiều, thân làm việc thiện, nói lời nói thiện, ý nghĩ điều thiện, sẽ có một buổi chiều tốt đẹp.
Vốn dĩ ngày lành tháng tốt là: “Vầng sao lành, gặp điều lành. Ánh nắng lành, ngày mới lành. Tâm nguyện lành, thế cuộc lành. Thân tu đức, nhận được thiện báo. An lạc, không tạp niệm, sẽ không chuốc lấy phiền não, bạo bệnh”.
Ngày lành tháng tốt không bằng 2 chữ thiện tâm
|
Ảnh minh họa. |
Phật dạy: Người trong tâm không thiện, mưu cầu điều xấu, làm chuyện bất lương, dù ngày lành tháng tốt đến đâu cũng không thể vạn sự như ý, cuối cùng chuốc lấy thất bại cay đắng, thanh bại danh liệt.
Xưa nay, ngày lành tháng tốt vốn là một quan niệm hết sức mong manh. Chúng ta thường đặt nặng yếu tố tâm linh mà quên mất một điều quan trọng dẫn đến thành công. Đó là tu dưỡng đạo đức, tiếp thu kiến thức, học hỏi quy nhân. Tâm – trí – dũng tài mới có thể làm nên nghiệp lớn.
Con người, nếu nghĩ điều thiện, không nói lời oán giận trách móc, mỉm cười xua tan mọi oán thù, có nghĩa đã tạo cho bản thân một ngày lành. Ngày lành tháng tốt thật hư ra sao, vẫn chưa có ai kiểm chứng? Chỉ biết nhiều người khai trương vào giờ đẹp, vẫn tán gia bại sản. Đôi lứa kết duyên vào ngày cát, vẫn hai ngả hai đường.
Theo quan điểm Đạo Phật: Không có ngày nào tốt cho tất cả mọi người, hôm nay là ngày tốt đối với một người, nhưng có thể là ngày xấu đối với người khác. Chẳng hạn với người bán áo mưa, dù hôm đó thời tiết dầm dề, khiến ai nấy đều ngán ngẩm, nhưng với họ là ngày lành tháng tốt vì buôn bán bội thu.