Sư Thích Thanh Toàn hoàn tục: Hiểu gì giới điều trọng cấm của người xuất gia?

Google News

(Kiến Thức) - Những sai phạm khuyết điểm của Đại đức Thích Thanh Toàn đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tu hành của các nhà sư chân chính và tới tôn nghiêm của nhà Phật. Sai phạm ấy đã phạm vào giới điều trọng cấm của người xuất gia. 

Những sai phạm nghiêm trọng của Đại đức Thích Thanh Toàn thực sự gây bức xúc dư luận. Đó là những việc làm vi phạm nghiêm trọng Luật Phật chế và Hiến chương Giáo hội, cũng là những việc làm sai trái phạm vào một trong bốn giới điều trọng cấm của người xuất gia. Vậy, giới điều trọng cấm của người xuất gia gồm những gì?
Su Thich Thanh Toan hoan tuc: Hieu gi gioi dieu trong cam cua nguoi xuat gia?
 Đại đức Thích Thanh Toàn. 
Bốn giới điều trọng cấm của người xuất gia
Trang Phật giáo Việt Nam khi bàn về bốn giới điều trọng cấm của người xuất gia, có đăng tải bài viết lý giải cặn kẽ rằng, trong phần giải thích thuật ngữ Ba-la-di, tiếng Hoa là “po luo yi fa” (ba-la-di pháp) Tứ Phần Luật giải thích: "Nếu một vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni phạm tội Ba-la-di thì vị Tăng hoặc Ni ấy được xem như là “đã bị cắt đầu.” Người phạm giới hoàn toàn đánh mất đời sống tu sĩ, không còn được sống chung với các vị Tỳ kheo hay Tỳ kheo ni thanh tịnh nữa, vị ấy bị trục xuất ra khỏi Tăng đoàn".
Các giới Ba-la-di bao gồm:
1. Dâm dục, gọi là Đại dâm giới
2. Giết người (sát nhân) hoặc xúi dục sát nhân, gọi là Đại sát giới
3. Trộm cắp. Lấy trộm đồ vật mà trị giại đồ vật bị pháp luật xử tội tử hình, gọi là Đại đạo giới
4. Nói dối là mình đã chứng đạo quả, gọi là Đại vọng ngữ giới
Ba - la - di còn được gọi là Bốn cộng trụ pháp (tức là không được cùng ở chung). Bốn tội nói trên cả Tỳ kheo và Tỳ kheo ni đều có nội dung như nhau. Đây là bốn tội rất nặng, nếu phạm thì không được sống với chúng Tỳ kheo.
Ngoài ra, còn bốn giới cấm nữa dành cho Tỳ kheo ni. Bao gồm:
- Cấm đụng chạm đến người nam có tâm nhiễm ô
- Cấm làm tám việc chung cùng với người nam có tâm nhiễm ô. Theo Ðại Chánh Tạng, Tập XXII, p. 715, tám việc chung là: 1. Cầm tay người nam; 2. Ðụng chạm y phục người nam; 3. Cùng vào chỗ kín với người nam; 4. Ðứng với người nam; 5. Nói chuyện với người nam; 6. Cầm nắm tay chân của người nam; 7. Hẹn hò cùng đi; 8. Hẹn hò đến chỗ gặp.
- Cấm bỏ qua hoặc che dấu tội trọng của một Tỳ kheo ni khác.
- Cấm a tùng theo một Tỳ kheo phạm tội bị giáng cấp sau khi khuyên răn 3 lần.
Vì sao dâm dục với người xuất gia là “chướng ngại lớn nhất”?
Như vậy, theo lý giải ở trên, sai phạm của Đại đức Thích Thanh Toàn đã phạm phải một trong bốn giới điều trọng cấm theo giới luật nhà Phật. Bàn về vấn đề này, Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, Phó Trưởng Ban Pháp chế Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ trên báo Pháp luật Việt Nam rằng: “Nếu tu hành mà có hành vi dâm dục thì nó sẽ ảnh hưởng đối với chính bản thân họ, với sự tu hành đối với Phật giáo đều đặt trên nghiệp và Phật giáo. Đối với người tu hành đó là chướng ngại lớn nhất. Nghiêm trọng hơn, nó còn làm xấu đi hình ảnh cao quý của những người xuất gia. Đối với người xuất gia đạt mục tiêu giải thoát thì dâm dục hay tà dâm là chướng ngại lớn nhất. Người ta phải khống chế được nó, làm chủ được nó và không để nó ảnh hưởng tới hành động, suy nghĩ, nói năng của mình. Với những người có chuyện đó, họ sẽ không khống chế được và không cách gì tu được. Đây là nhận thức của những người xuất gia và bản thân họ không có mục tiêu xuất gia chân chính. Đối với Phật giáo thì những người mà có căn tính như vậy thì phật giáo không cho họ xuất gia, nhưng nếu họ xuất gia rồi mà không chịu tu tập, tu thiền định giới luật để chuyển hóa được. Cái này liên quan đến tâm sinh lý, trong Phật giáo gọi là nghiệp chướng của họ. Họ không chiến thắng được, để nó phát triển thì căn cứ vào giới luật để xử lý. Với những người tại gia, Đức phật chỉ nghiêm cấm người tà dâm. Với các nước, có nước cấm, nước không cấm, nhưng trong giới luật nghiêm cấm”.
Su Thich Thanh Toan hoan tuc: Hieu gi gioi dieu trong cam cua nguoi xuat gia?-Hinh-2
Người xuất gia cần tôn trọng, gìn giữ giới luật.   
Cũng theo Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, quan điểm của Phật giáo thì trong các diễn đàn hoặc quan điểm của Đức phật người có những căn tính như vậy thì chỉ nên tu tại gia không nên xuất gia, nếu không tự chiến thắng được mình. Còn họ đã khép mình trong những người xuất gia rồi thì họ nên tôn trọng lý tưởng mình đã chọn, làm thế nào để sống với đời sống xuất gia cao quý ấy. Nếu khả năng mình không giữ được điều đó thì Phật khuyên họ nên hoàn tục. Vì làm như vậy để nghiệp quả sau này họ gánh chịu và nó ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của Phật pháp và chính bản thân họ. Người như vậy trước sau sẽ bị pháp hiện, không gì che giấu được.
Vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn phạm giới dẫn tới phải xả giới, hoàn tục một lần nữa khiến chúng ta suy ngẫm về giới luật cho người tu hành và thế nào là một người xuất gia chân chính.
Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: “Giới là cội gốc của Bồ đề, là cửa ngõ của Niết bàn, là chiếc thuyền đưa chúng sanh qua biển sinh tử”. Dù cho ở bất cứ thời điểm nào, dù cuộc sống có những biến thiên, xã hội ngày một thay đổi, nhưng giới luật muôn đời vẫn chứa đựng những giá trị vĩnh hằng trong xây dựng và giữ gìn phẩm hạnh của người tu hành. Người xuất gia muốn gìn giữ phẩm hạnh, luôn phải tâm niệm xây dựng cho mình một cuộc sống kỷ cương, phép tắc, giới luật. Nếu không tu dưỡng phẩm hạnh, không tuân theo những kỷ luật trong đời sống tu hành, người xuất gia ấy khó bề vượt qua những dục vọng sân si, để rồi lạc lối vào con đường sai trái. Xin khép lại bài viết bằng câu trích dẫn trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nếu không giữ gìn giới luật, dù đạt được thiền định, cũng rơi vào lưới ma”...
Theo thông tin mới nhất liên quan tới vụ việc Đại đức Thích Thanh Toàn dính nghi án gạ tình phóng viên, Đại đức Thích Tâm Vượng - phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, vào chiều 7/10/2019, hòa thượng Thích Thanh Duệ, trưởng Ban trị sự, trưởng Ban Tăng sự tỉnh Vĩnh Phúc, đã ký quyết định về việc bãi nhiệm chức danh trụ trì và thu hồi quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Nga Hoàng đối với đại đức Thích Thanh Toàn. Đồng thời, quyết định cho đại đức Thích Thanh Toàn (thế danh Lê Hữu Long, sinh năm 1976, quê Quảng Trị) xả giới hoàn tục và giao cho Ban Tăng sự thuộc Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành các thủ tục xả giới hoàn tục theo Luật Phật; thu hồi các giấy tờ do giáo hội cấp. Ông Lê Hữu Long phải có trách nhiệm bàn giao chùa, tài sản và con dấu chùa Nga Hoàng cho Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Phúc.
 
Thùy Liên (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)