Thành tâm khấn Phật, nhưng cư sĩ lại phải chịu mất cánh tay
Ở nước Ba Tư cổ, có một vị đại thần tên là Sư Chất, cuộc sống an cư lạc nghiệp, của cải chất cao như núi. Tuy giàu có là vậy, nhưng Sư Chất lại xem nhẹ vật chất, một lòng hướng Phật. Một hôm đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni là Xá Lợi Phất đến phủ của Sư Chất hóa duyên.
|
Ảnh minh họa. |
Sư Chất lắng nghe say mê, bèn quyết định giao toàn bộ gia sản cho người em trai rồi xuất gia, nương nhờ cửa Phật. Vợ Sư Chất ở nhà nhớ nhung khôn cùng. Còn người em trai, lo sợ Sư Chất vì thương vợ mà hoàn tục, phải trả lại sản nghiệp, bèn thuê sát thủ tước đoạt đi tính mạng của anh trai.
Tên sát thủ tìm được Sư Chất, định ra tay sát hại, thì ông bèn hỏi: “Tôi chỉ có bộ y phục xấu xí, không có tài sản, tại sao ông lại đến cướp?” Sát thủ trả lời: “Là em trai ông thuê ta đến giết ông”. Sư Chất kinh sợ: “Ông có thể đợi đến khi tôi gặp được Phật Đà, rồi mới quay lại giết tôi có được không?”
Thế nhưng, tên sát thủ không chịu. Sư Chất bèn xin gã hãy chặt một cánh tay của ông. Gã chấp thuận, và mang về cho người em. Sư Chất mang theo thương tật lớn đến lễ bái Phật Đà. Ngài cho ông rằng: “Vô số kiếp trước, ông từng bị người ta chặt đầu, chân tay… máu đổ xuống còn nhiều hơn tứ hải, hài cốt chất cao như núi. Không phải chỉ mình kiếp này, ông mới chịu nghịch cảnh như vậy”.
Được Phật Đà khai thị, Sư Chất đã ngộ ra đạo lý, lòng trở nên bừng sáng, lập tức được thành La Hán. Một môn đồ hỏi Phật Đà: “Sư Chất đời trước đã làm việc ác gì mà bị chặt tay ở đời này? Trải qua trăm mối họa, đến tận đời này mới được nghe Phật Pháp?” Phật mỉm cười, kể một câu chuyện xưa.
Duyên nợ kiếp trước – nhân quả luân hồi
Xưa kia nước Ba La Nại có một quốc vương tên gọi vua Ba La Đạt. Một lần Ba La Đạt đi săn, bị lạc trong rừng, thì gặp một vị Bích Chi Phật. Quốc vương bèn hỏi đường. Nhưng vì trên tay có nhọt độc, không thể giơ cao được, nên Bích Chi Phật dùng chân chỉ đường cho quốc vương.
Quốc vương thấy vậy, bèn cho là Bích Chi Phật thất lễ, bèn vung gươm chặt đứt cánh tay của ông. Lúc đó Bích Chi Phật thầm nghĩ: “Quốc vương làm hại người tu hành, nếu không sám hối sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián”. Vậy nên, Bích Chi Phật bèn di triển thần thông, bay lên không trung. Quốc vương thấy thế thì vô cùng kinh sợ, lập tức phủ phục, khóc lớn xin tha tội: “Mong ngài tiếp nhận sự sám hối của tôi, đừng để tôi chịu thống khổ lâu dài”.
Quốc vương vừa dứt lời, Bích Chi Phật cũng lập tức niết bàn. Quốc vương đích thân xây tháp, đặt hài cốt của ông vào đó, ngày đêm sám hối thành tâm. Vị quốc vương nọ chính là Sư Chất hiện nay. Bởi vì đời trước đã chặt đứt một tay của Bích Chi Phật, thế nên trong 500 đời sau ông luôn luôn chết vì bị chặt tay. Những cũng vì thành tâm hướng thiện, cuối cùng đã tu thành chính quả.
Thế nào là cảnh giới thật sự của tha thứ?
Trên đời này, nhận được sự tha thứ thật sự vốn không dễ dàng. Ta làm hại người khác, khiến họ bị tổn thương, phản bội, bỏ rơi, bóc lột, thì nhận được sự bao dung là việc rất khó khăn. Thế nhưng, nếu cứ mãi oán trách, hay quỵ lụy để nhận được sự cảm thông của người khác, tâm ta sẽ luôn chất chứa sân hận và sợ hãi khôn cùng.
Muốn được tha thứ, trước tiên phải học được cách không sợ hãi, dám đối diện với mọi lỗi lầm. Sau đó hãy biết thứ cho bản thân, thành tâm hướng thiện, tự răn mình không phạm lần hai.
Đừng mong cầu sự độ lượng, hãy hành động vì một tương lai tươi sáng cho người và cho chính ta.