Trong nhà Phật, chữ tín quan trọng nhất. Kinh Hoa nghiêm nói: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức, có thể sanh ra hết thảy các thiện căn”.
Luận Đại trí độ cũng viết: “Đại tín là đại trí”; “Phật pháp như kho báu, người không có tín cũng như không có tay, sẽ chẳng lấy được gì”. Kinh điển là từ tự tánh thanh tịnh viên minh lưu xuất. Những vị chứng quả xưa nay rất nhiều, chưa ai dám sửa một chữ trong kinh Đại thừa; hạng “phàm phu lè tè sát đất” (theo cách gọi của Đại sư Ấn Quang) lại đòi hoài nghi? Nếu tu, không tin Phật thì tin bất cứ ai trên đời cũng thừa, dễ lầm đường lạc lối. Nghi ngờ các kinh: Địa Tạng, Vô lượng thọ, A Di Đà, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Đại bảo tích v.v…, là nghi ngay chính mình không có Phật tánh, bởi kinh Đại thừa cơ bản nói về điều này (Hết thảy chúng sanh đều có đức tướng và trí huệ Như Lai). Đây là điều trọng yếu của bất cứ ai, tu bất cứ pháp môn nào.
|
Lúc thiền, ta cứ ngồi trong phòng, ai ngang qua cũng biết
song tâm không động, không gọi tên, không níu kéo. Ảnh minh họa. |
Tịnh độ là do Phật Thích Ca truyền giảng. Bộ Vô lượng thọ, đương cơ thọ nhận là Tôn giả A-nan và Bồ-tát Di-lặc; Quán Vô lượng thọ giảng cho hoàng hậu Vi-đề-hy; kinh A Di Đà, đương cơ là Đệ nhất trí huệ Xá-lợi-phất. Ngay trong kinh Tăng nhất A-hàm thuộc Nguyên thủy, Đức Phật đã có bài giảng về pháp niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam-lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật”.
Nhìn xa hơn về thời mạt pháp lắm nhiễu nhương loạn động, Phật giới thiệu đến chúng sanh cõi nước Cực lạc trên cơ sở phải chuyên nhất niệm danh hiệu một vị Phật, chuyên nhất về một hướng Tây phương. Chính Ngài đã khuyên cha mẹ mình cầu sanh Cực lạc. Nếu nghi ngờ tức tự cho mình tỉnh táo vượt lên hết thảy đại đức, cao tăng, các bậc tôn túc và hàng vạn triệu người đang ngày đêm tinh tấn và thành tựu nhờ niệm Phật.
Trong Quán kinh huyền nghĩa, Đại sư Thiện Đạo từng khuyên: “Tuy tín tâm có gián đoạn, nhưng không được hoài nghi, báng bổ đối với tất cả kinh, luận của Đại thừa. Nếu khởi tâm nghi ngờ, phỉ báng thì dẫu có 1.000 Đức Phật đi quanh thân mình cũng không cách gì cứu vãn được”.
Kinh Phật uyên áo bao hàm vũ trụ nhân sinh. Sự nghi ngờ Tịnh tông nằm phần lớn ở những bậc trí thức và người tu ở một số pháp môn khác; khăng khăng Niệm Phật là pháp dành cho những ông bà ít học, kẻ độn căn chờ vận may… Không hay sáu chữ hồng danh nếu dành trọn đời bạc tóc cũng chỉ mới nhìn thấy tảng băng nổi lập lờ trên biển. Có điểm đáng lưu ý: người thông Tịnh ắt sẽ thấu hiểu Thiền, còn thông Thiền chưa chắc đã thấu hiểu Tịnh; những người học Mật sẽ dễ thấu suốt nguyện lực A Di Đà hơn. Phần nhiều do sở học duy lý ngăn ngại.
Ngoài đời, nhà triết học nào dương dương tự đắc thông tuệ, nhưng nếu họ chịu khó đọc vài cuốn do các “triết gia” Phật giáo trước tác như Thành duy thức luận, Đại trí độ luận (của Bồ-tát Long Thọ), Triết học Thế Thân, hay cuốn Chú giải Phật thuyết Ðại thừa Vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh bình đẳng giác kinh của cụ Hoàng Niệm Tổ sẽ thấy nó vượt xa thứ “triết luận xã hội”. Bởi thế, với người luôn tự cho mình giỏi, các cao nhân luôn đề cao học vấn (có vị hòa thượng nhận đến 4 bằng tiến sĩ) để giới trí thức thấy cần học hỏi; khi quen nhau rồi các Ngài mới đem Phật pháp ra diễn hóa. Còn như độ những người đã có căn duyên tiền kiếp thì dễ hơn; dẫu không biết nhiều chữ song khuyên tin nhân quả luân hồi, họ tuyệt không hoài nghi, chuyên tâm niệm “A Di Đà Phật”. Nhưng không có cái lý càng học cao càng dễ chứng. Ngay Lão Tử cũng nói: “Vi Đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn, dĩ chí ư vô vi” (Theo Đạo thì ngày một giảm, lại càng giảm, giảm cho đến vô vi).
Đắc đạo là trạng thái đưa tâm trở về Không, trong lặng, không nhiễm ô loạn tạp. Lúc đó cái họ sở đắc là trí tuệ (có thể câu thông với vũ trụ vạn vật), chứ không phải trí thông minh thế gian (dạng kiến thức cóp nhặt). Không ngẫu nhiên mà bậc thượng nhân khuyên hãy học Phật chứ đừng Phật học.
Đạo Phật trọng thực chất, xem nhẹ hình thức. Nhiều người rất tinh thông giáo pháp lại hành đạo rất kém, khiến con đường giải thoát gập ghềnh. Phật học dẫu sao chỉ là sự thu lượm khối kiến thức khổng lồ dường như không có bờ bến, còn học Phật “đơn giản” là quyết chí sống theo Thập thiện, cộng với sự hành trì niệm Phật để tâm an định, từ đó phát huệ chiếu rọi con đường trở về bờ giác. Ai Phật học bất quá cũng là người thợ chữ trần ai. Còn học Phật là đang hướng về cõi Thánh. Hiểu sâu sắc và thuyết giảng trôi chảy giáo lý mới chỉ là thế gian pháp. Hành theo giáo lý Đức Phật đó là pháp xuất thế. Giá trị của con người là thực hành chân lý tối thượng chứ không phải ở việc thấu hiểu chân lý tối thượng.
Pháp môn vốn không cao thấp. Cái chính là hợp căn, hợp thời. Ngày xưa con người căn tánh trội hơn. Bây giờ tập khí đầy dẫy hư không, ùa ạt vào tâm sở. Hàng ngày các trò giải trí tăng thêm tính ảo và thực dụng, nội trong ti-vi thôi người tu đã quá vất vả chế ngự vọng niệm. Một khi internet toàn cầu hóa, thế giới trở thành ao hồ trong mỗi người, càng khiến vọng tưởng mặc sức sinh sôi. Vọng tưởng ở trong Tịnh tông có thể định nghĩa: Ngoài câu “Nam-mô A Di Đà Phật” ra, hết thảy những ý niệm khởi lên đều là chính nó. Vọng tưởng xét đến cùng là giả; chống vọng tưởng cũng bằng biến mình thành vọng tưởng.
Lúc thiền, ta cứ ngồi trong phòng, ai ngang qua cũng biết song tâm không động, không gọi tên, không níu kéo. Giống như một ông già ngồi xem đám trẻ nô đùa trong khu vườn. Xem mà như không xem. Thực hành việc này cực khó, bởi lũ trẻ tinh quái thường lôi tâm cùng rong chơi, rồi nó dẫn vào mê cung lúc nào không hay… Tu Tịnh chỉ cần chú tâm vào Phật hiệu, vọng tưởng “kệ nó”, tức không khởi tâm bám chấp, xua đuổi, chỉ biết mình đang niệm từng chữ danh hiệu là ổn. Hễ ai còn giương khẩu hiệu chống cái này cái kia, kể cả chống cái ác, người đó chưa thể gọi chánh tri, chánh kiến. Thay vào đó họ chú ý mỗi nguồn thiện từ đối tượng. Do vậy để xét một giáo phái có phải chơn chánh hay không, soi vào vấn đề này cũng rõ.
Có những thuyết giáo lập ra rất gần với giáo lý Đức Phật, người chưa tiếp cận kinh điển rất dễ nhầm, chấp chặt, xem giáo chủ đó trên cả Phật, hoặc là Phật tái lai. Chủ trương “diệt trừ tà ác”, theo đó phủ nhận luôn chân tâm tạm bị lấp vùi trong cái ác, đó không phải là Phật pháp. Thật dễ hiểu, bởi rốt cùng tà ma ngoại đạo đều được Phật rủ lòng thả thuyền từ cứu độ.
Đời nay tu Thiền, không ít người chỉ tạm đối phó với căng thẳng trước sức ép xã hội, gọi là phàm phu Thiền, còn theo Thiền tông như cổ đức, mấy ai tu nổi? Ở ta thấy người vào định là chuyện lạ, còn bên xứ Ấn hay Tây Tạng, thậm chí ở các nước Phật giáo Nguyên thủy, người nhập định sâu khá phổ biến. Vào được tứ thiền, bát định thì vẫn mới chạm đến cõi trời Phi tưởng, nào dễ gì ra khỏi tam giới.
Có thể lấy một ly cà-phê đá làm tỷ dụ cho tâm. Nếu để ly cà-phê đó một lúc, phía trên cùng sẽ có lớp nước trắng trong, (tạm gọi chút thanh tịnh nhờ niệm Phật); còn phần lớn cà-phê phía dưới vẫn đen kịt, ví như hoặc nghiệp. Người tu Thiền đòi hỏi phải đoạn kiến tư hoặc khiến toàn ly cà-phê trở nên trong suốt. Người tu Tịnh nhờ vào lớp nước trắng phía trên (nhất là trong thời khắc lâm chung trì niệm từ một đến mười câu Phật hiệu), liền được rước về Cực lạc theo bổn nguyện của Phật A Di Đà. Dẫu sao, đó vẫn là công phu thuộc hàng thấp. Công phu cao là những người biết trước ngày giờ, tự tại vãng sanh; vãng sanh cả khi còn sống. Điều này xưa nay rất nhiều.
Tu về Cực lạc chẳng những hợp với bậc độn căn mà đến hàng Bồ-tát cũng cầu dự vào hàng bất thối ấy. Phàm phu bất cứ lúc nào rỗi trí đều có thể niệm Phật, sự động thân va chạm ngoài đời không hề trở ngại việc niệm Phật. Ai chuyên tu, sau một vài năm đã thấy rõ lợi ích. Tịnh độ được mười phương chư Phật gia trì; niệm một danh hiệu Phật cũng bằng niệm mười phương chư Phật. Nhiều pháp môn trong Phật giáo chủ trương tự lực, Tịnh độ ngoài tự lực còn nương vào Phật lực. Người không tin vào Phật lực (Niệm Phật) cũng bằng vỗ ngực: Không dám phiền Phật, tự con đủ sức tìm đường tới Niết-bàn!