Hiểu đạo là hiếu đạo - Hiếu đạo là hiểu đạo

Google News

Nói về đạo Phật, chữ “đạo” là con đường dẫn lối cho những giá trị chân - thiện - mỹ của Phật giáo đến gần hơn với con người.

Có rất nhiều giá trị như thế đã và đang hòa hợp cùng những truyền thống văn hóa - tinh thần của người Việt. Trong đó, truyền thống hiếu đạo đã đi sâu vào trong tâm khảm của phật tử.
Rằm tháng 7 đối với người phật tử là lễ Vu Lan báo hiếu. Theo tín ngưỡng dân gian, ngày Rằm tháng 7 cũng là ngày xá tội vong nhân, mọi nhà bày mâm cơm chay cúng chúng sinh, để tạo phúc duyên cho chúng sinh giải trừ nghiệp chướng. Vu Lan, tên gọi tắt của Vu Lan bồn, được phiên âm từ tiếng Phạn là “Ulambana” nghĩa là giải đảo huyền, tức cứu người bị tội treo ngược. Lễ Vu Lan có duyên khởi từ Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát đã cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ. Cho nên, hàng năm, ngày lễ Vu Lan nhắc nhở mỗi người con tri ân cha mẹ ở kiếp này và các kiếp trước.
Đại lễ Vu Lan trở thành sự kiện trọng đại bên cạnh Đại lễ Phật đản Vesak của cộng đồng Phật giáo trên thế giới. Vì tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Sự hiếu thảo là hành trang vô giá cho mỗi con người để tiến đến quả vị chính đẳng chính giác theo chân đức Thế Tôn - vị Giáo chủ Bản Sư được trời người quy kính: “Ta trải qua nhiều kiếp tinh tấn đến nay mới thành Phật toàn là công ơn của cha mẹ. Vậy nên người học đạo không thể không tinh tấn hiếu thảo cha mẹ” [Kinh Đại Phương Tiện Phật báo Ân]
Hành trang tu đạo là hiểu và thương. Mỗi người con Phật cần học cách vun trồng tâm thức, để tình thương yêu tỏa bóng mát che chở những mảnh đời bất hạnh. Như một cái cây lớn lên cần có gốc rễ vững chãi, tình thương dành cho tha nhân chỉ có thể phát triển từ tình yêu dành cho cha mẹ, tình yêu đó được xem như là tình cảm thiêng liêng và cao đẹp nhất trong các thứ tình cảm của con người.
Vì tình cảm của con cái dành cho cha mẹ chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tình yêu của cha mẹ dành cho con, vậy nên mỗi lần con bày tỏ tình yêu với cha mẹ, con luôn được đáp lại tình cảm nhiều hơn thế. Bởi tình cảm giữa cha mẹ và con cái bền vững hơn cả tình bạn ngoài xã hội, nên mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Tình cảm gia đình song hành cùng sự hiếu thuận góp phần giáo dục, xây dựng một xã hội bình ổn và hạnh phúc. Người phật tử tại gia nếu chưa đủ duyên xuất gia tu đạo, thì họ vẫn có thể đóng góp tâm sức cho đạo Pháp trên đường làm lợi lạc cho xã hội:
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ cũng là chân tu”
Phật pháp cảm hóa những người con lầm lạc trong dòng đời được trở về bên cha mẹ để giữ trọn đạo làm người. Từ thời đức Phật tại thế, có một thanh niên trẻ sống cùng người mẹ đã cao tuổi trong mái nhà nhỏ. Cậu nghe mọi người kể về đức Phật trí tuệ và từ bi, cậu khởi lòng mến mộ và bỏ nhà trèo đèo lội suối để tầm sư học đạo.
Đức Phật bằng pháp tha tâm thông, đã nhận thấy tấm lòng kính ngưỡng của cậu, không những vậy ngài còn thấu cả nỗi lòng áy náy lo lắng từ sâu thẳm tâm trí của cậu; nên ngài quyết định hóa thân thành một ông cụ xuất hiện trên đường cậu thanh niên đang đi. ngài bảo cậu hãy quay trở lại, đi đến một nơi, cậu nhìn thấy một người đang đi đôi dép trái, thì đó chính là Phật hiện thân.
Cậu đi theo chỉ dẫn và cảm thấy vô cùng lạ lẫm khi mình lại đứng trước ngôi nhà quen thuộc, người mẹ già nằm trong nhà nghe tiếng biết con mình trở về, bà mừng quá vội vàng xỏ dép đi ra ngoài đón con. Anh thanh niên nhìn thấy mẹ mình đi dép trái đón mình giống hệt như lời mô tả về vị Phật hiện thân, anh chợt hiểu ra tất cả...
Chư Phật hoan hỷ vì biết con người sống trên đời nhiều chướng duyên mà họ vẫn muốn bỏ bến mê để quay về bờ Giác với Tam Bảo, cũng tương tự như mẹ hiền vì quá nhớ mong con nên vui mừng đến nỗi vội vàng xỏ dép trái để đón con. Điều đó cho ta thấy mẹ yêu con cái cũng nhiều như Phật thương chúng sinh vậy:
“Thương yêu người khác như con ruột
Người trở mặt oán hận lại ta
Lòng không đổi coi như con ốm bệnh
Thương nhiều hơn, ấy hạnh Bồ đề”
Bạn có nhớ chăng, khi bạn còn đang được bế ẵm đến khi lớn lên, nhiều khi bạn ốm bệnh tật quấy khóc, mẹ vẫn ôm bạn dịu dàng trong vòng tay vỗ về, bao dung, chở che qua nhiều đêm thức trắng. Bạn còn nhớ không, trong cuộc đời có những lúc bạn gặp thất bại, sa sút, tâm lý bất ổn, bạn không còn là đứa con dễ thương, cha mẹ vẫn cảm thông, vẫn ôm lấy bạn an ủi vỗ về; bên cạnh đó cha mẹ động viên bạn phụng dưỡng từ những việc làm chăm sóc nho nhỏ hàng ngày.
Đức Phật thời còn tại thế cũng từng kiên nhẫn, bao dung để mở lòng thương yêu tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, oán thân như một, lòng đầy từ bi. Là người đệ tử Phật tại gia còn đang được sống cùng bố mẹ, mỗi người cần gắn bó gần gũi cha mẹ nhiều hơn để cảm nhận và học hỏi theo tình thương yêu bao la từ cha mẹ.
Điều ấy cũng quan trọng tương tự như việc Quy y Tam bảo, để nhận được tờ giấy khai sinh của người con Phật. Mỗi phật tử đặc biệt là những thanh thiếu niên còn trẻ trung đã biết rủ nhau sớm biết đi chùa, đó là cả một niềm an ủi và hạnh phúc cho mỗi bậc phụ huynh, vì biết con em mình “sống trong môi trường tốt/được tạo tác nhân lành/được đi trên đường chính/là phúc đức lớn nhất”
Ở những khóa tu tại chùa dù không vào dịp Vu Lan, những thanh thiếu niên phật tử thường được thể hiện tình cảm tôn kính hiếu thảo của mình đối với cha mẹ của mình. các em đã khóc vì niềm nhớ nhung đối với các đấng sinh thành, khóc vì sự ăn năn, hối lỗi, khóc vì sự tiếc nuối bởi những hành động bồng bột đã làm cho cha mẹ buồn.v.v.. nhưng tất cả đều phát xuất từ lòng hiếu thảo của mình đối với ông bà, cha mẹ. Lòng hiếu thảo đó đã rất lâu các em không thể thốt ra thành lời nhưng đến với khóa tu, các em đã có cơ hội thể hiện hạnh hiếu của mình qua nghĩa cử cao đẹp: rửa chân tay cho cha mẹ, ông bà và những người xung quanh.
Thời đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, Tôn giả Ananda và Tăng đoàn vẫn thường tiến hành nghi lễ rửa chân thị giả đức Phật. Đối với tu sĩ xuất gia, đức Phật và các bậc Bản Sư chính là đấng Từ phụ để Tăng đoàn kính tôn và phụng dưỡng, bên cạnh việc tu hành để hồi hướng phúc đức về cho cha mẹ ruột ở nhà.
Đến nay, hồng ân Tam bảo vẫn dẫn dắt cho thế hệ phật tử trẻ tiếp nỗi nghi lễ rửa tay chân dành cho cha mẹ mình, đó đã là truyền thống phụng dưỡng không những từ ảnh hưởng của Phật giáo du nhập từ Ấn Độ, mà còn từ thời phong kiến Việt Nam dưới tư tưởng nho giáo. Sự kế thừa truyền thống này mang đến một phúc duyên thù thắng.
Thế hệ phật tử ngày nay không có phúc duyên được thị giả đức Phật để gieo nhân lành, vậy nên phật tử giờ đây hành trì giới luật, hiếu dưỡng cha mẹ theo lời Phật dạy, điều đó cũng tương tự như họ đang được ở gần bên đức Phật. Vì tu theo Phật, mỗi người sẽ nhận ra cha mẹ hiện tiền như Phật tại thế. Chữ Hiếu trong đạo Phật phân định nhân cách và tri thức của con người.
Để cho mỗi người cảm nhận được hơi ấm tình thương của bàn tay cha mẹ đang ở trong tay mình, khi những bàn tay lớn nhỏ tiếp xúc trong chậu rửa.
Trong cuộc sống gấp gáp, thật đáng quý nếu mỗi người có thể ngồi lại với cha mẹ để nắm tay cha mẹ thật chặt, lắng nghe cha mẹ mình nhiều hơn. Bởi hơi ấm trong gia đình luôn sẵn sàng tiếp thêm nghị lực sống cho họ trong cuộc sống. Để những người con được nâng niu đôi chân đôi tay tần tảo của cha mẹ vì nuôi con lớn khôn, và cảm nhận được rằng tình thương yêu mà cha mẹ dành cho con thầm lặng mà lớn lao chừng nào, hy vọng mỗi ngày, đôi tay nhỏ nhắn mềm mại của con trai được xoa dịu những vết chai ráp trên tay chân cha mẹ sau mỗi ngày mưu sinh nhọc nhằn.
Phật tử kế thửa truyền thống của Tăng đoàn từ thời đức Phật, sống hòa hiếu theo lời Phật dạy, để tăng trưởng lòng từ thương người trong tâm, chỉ có như vậy, trong lòng mỗi người luôn được ấm áp và an lạc. Tâm từ chỉ có thể phát triển từ tình yêu thương gia đình. Các vị tu sĩ xuất gia bởi phúc duyên lớn, để tu hành tích lũy phúc đức hồi hướng cho cha mẹ hiện đời và cha mẹ nhiều kiếp quá khứ.
Noi theo tâm và hạnh của chư Phật và Tăng đoàn, cư sĩ tại gia hiếu đạo trong gia đình từ những điều giản dị hàng ngày là hiểu đạo để hiếu đạo và hiếu đạo để hiểu đạo.
Theo Diệu Hòa/Tạp chí Nghiên cứu Phật giáo số 4 năm 2014

Bình luận(0)