Đời chỉ đẹp khi ta mở tâm mình

Google News

Nếu bạn là một người đã từng được biết đến những lời Phật dạy, đã biết nâng niu, trân trọng từng trang kinh sách, lắng nghe từng câu chữ trong các buổi thuyết giảng của các vị minh sư.

Điều đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn bạn đã trăn trở về việc áp dụng điều đó trong cuộc sống?
“An lạc chẳng đâu xa,
Thực vốn tự tâm ta,
Tìm quanh chi mỏi mệt,
Cho khổ lòng thêm ra...”
(QA thi kệ)
“Tu tập theo con đường tâm linh của Phật giáo chủ yếu là làm chủ được cảm xúc để cho tâm của mình không bị thăng trầm theo các nốt nhạc vui và buồn của cuộc đời, theo đường sin thăng trầm vinh nhục của cuộc sống, theo những biến đổi tâm lý với những hoàn cảnh thuận và nghịch. Và ai làm chủ được như thế được xem là thành công trên con đường tâm linh.” (Trích lời của TT.Thích Nhật Từ)
Nhưng trên hành trình ấy cũng nhiều khúc quanh co, lắt léo khiến ta phải đau đầu nhức óc, trăn trở nghĩ suy về việc áp dụng lời Phật dạy trong cuộc sống: đi học, đi làm…Riêng việc giữ năm giới cấm: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu đối với người phật tử tại gia cũng là cả một sự đấu tranh không ngừng nghỉ.
Doi chi dep khi ta mo tam minh
 Ảnh minh họa. 
Nhiều lúc ta rơi vào hoàn cảnh mà loay hoay không biết nên hành xử ra sao cho đúng lời Phật dạy. Lằn ranh giữa cái đúng và sai đôi khi rất khó phân định rạch ròi: trắng đen, đen trắng. Khi đi học rồi đến lúc đi làm, mỗi ngành nghề, mỗi công việc lại mang đến cho ta những tình huống riêng cần giải quyết.
Chắc hẳn các bạn đã nghe đâu đó chuyện vị bác sĩ nói dối về bệnh tình bệnh nhân để cho họ an tâm hơn, có thể lạc quan điều trị. Đó là những lời nói dối giúp ích cho người khác. Tưởng rằng nói dối là sai nhưng nó lại là đúng.
Thế nhưng cuộc sống đâu phải luôn luôn như vậy. Tưởng đúng đấy mà lại hóa sai. Cũng tâm chân thành, bác sĩ nói dối tình trạng bệnh tình bệnh nhân để họ an tâm hơn điều trị, nhưng biết đâu rằng cũng chính vì lời nói dối tưởng chừng vô hại ấy lại làm cho bệnh nhân không kiêng khem nghiêm ngặt dẫn đến những điều đáng tiếc xảy ra.
Không có điều gì hoàn toàn đúng và chẳng có điều gì hoàn toàn sai.
“Ở một vương quốc nọ, có vị vua yêu thích săn bắn. Trong một lần đi săn, ngài bất cẩn làm mất một ngón chân. Tất cả đều lo lắng, duy chỉ có quan tể tướng là vẫn cười và bình thản nói: “Chuyện gì xảy ra cũng tốt”. Thế là vị tể tướng kia, bị vua giam vào thiên lao, ghép vào tội “khi quân”.
Ít lâu sau, trong một lần săn bắn khác, vua và cận thần của mình lọt vào tay bị bọn quỷ ăn thịt người. Chúng chén no nê tất cả, nhưng kì lạ là, lại không ăn thịt nhà vua, Ngài thoát chết như một phép màu. Lý do là, sau khi cởi hết quần áo, bọn ăn thịt người nhìn thấy khuyết tật ở bàn chân của vị vua. Chúng rất kiêng những thứ không toàn vẹn như thế.
Về đến hoàng cung, vua cho gọi quan tể tướng, kể lại câu chuyện. Ngài ngạc nhiên khi thấy thần tử của mình vẫn cười rạng rỡ, và hiểu ra khi vị tể tướng tâu: “Không nhờ ngài giam thần lại, thì thần đã bị ăn thịt. Đúng là chuyện gì cũng tốt!”.
Vậy đó, đúng đúng sai sai, trắng đen xấu tốt đâu thể phân biệt được rõ ràng.
“Sắc tức thị không, không tức thị sắc.” (Sắc tức là không, không tức là sắc) (Trích Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh)
Lời dạy của đức PhậtPháp bảo vô giá cho mỗi người tu tập và áp dụng vào đời sống thường ngày. Tuy chưa thể hiểu thấu hết nhưng chúng ta cố gắng từng chút một hoàn thiện, tu sửa bản thân từ những điều nhỏ nhất, luôn lạc quan, yêu đời. Dù trong hoàn cảnh khó khăn vẫn luôn giữ vững tấm lòng vị tha và từ ái rồi mọi điều tốt đẹp sẽ đến với ta và tất cả mọi người.
“Đời chỉ đẹp khi lòng ta cởi mở
Biết khoan dung và khắc phục chính mình”
Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)