Trung Quốc trọng vọng tổ tiên Lý Quang Diệu, lạnh nhạt với nhà Thaksin

Google News

Trong khi sự đón tiếp của Trung Quốc với cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck không còn nồng nhiệt, di sản của tổ tiên nhà lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu lại được tôn vinh.
 

Bên trong đền thờ ở một ngôi làng miền Nam Trung Quốc, nơi người dân địa phương thờ phụng tổ tiên của họ, bức ảnh của hai nhân vật đặc biệt là cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatras được treo trang trọng.
“Chắc chắn mọi người ở đây đều biết về mối quan hệ của họ với nơi này”, Xie Yimin, chủ cửa hàng đồ gia dụng ở thôn Tháp Hạ, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, nói với South China Morning Post.
Anh em Thaksin và Yingluck là những người nhập cư Trung Quốc thế hệ thứ tư ở Thái Lan và xuất thân từ tộc người Khách Gia. Giống như nhiều người từ thành phố Mị Châu và Triều Châu của Quảng Đông, cụ của họ, ông Khâu Xuân Thành, rời Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19 để đến Xiêm, nơi ông làm giàu nhờ buôn bán.
Trước khi sống lưu vong vì bị chính phủ quân sự lật đổ vào năm 2006 và 2014, Thaksin và Yingluck là những nhân vật quen thuộc ở thôn Tháp Hạ. Với sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian đương nhiệm, ông Thaksin đã tìm ra nguồn gốc tổ tiên của mình ở ngôi làng này. Ông đến thăm nơi đây lần đầu vào năm 2005 và trở lại với em gái vào năm 2014.
Giữ khoảng cách với nhà Shinawatras
Bức chân dung của hai anh em được đặt ở trung tâm một loạt bức ảnh các hậu duệ nổi bật của họ Khâu trong làng. Trở thành họ hàng xa của nhà Shinawatras từng là niềm vinh dự nhưng giờ không còn nữa.
Trung Quoc trong vong to tien Ly Quang Dieu, lanh nhat voi nha Thaksin
 Thaksin và Yingluck nằm trong số những người có chân dung treo bên trong nhà thờ tổ họ Khâu ở Tháp Hạ. Ảnh: SCMP.
Năm 2006, Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Ông đã trốn ra nước ngoài để tránh cáo buộc tham nhũng. Năm 2008, ông bị kết án vắng mặt với mức án 2 năm tù.
Năm 2017, Yingluck bị kết án vắng mặt với mức án 5 năm tù vì sai lầm trong trợ cấp gạo dẫn đến thiệt hại lớn cho kho bạc Nhà nước. Bà đã trốn khỏi đất nước trước phán quyết và nói rằng vụ việc có động cơ chính trị.
Năm 2018, hai anh em đã thu hút sự chú ý khi xuất hiện tại nhiều nơi bao gồm Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. Tuy nhiên, khi họ đến thôn Tháp Hạ để thăm tổ tiên hôm 5/1, không khí ở đây vẫn yên tĩnh như thường.
“Từ vụ bê bối của Yingluck, chúng tôi được yêu cầu giữ khoảng cách với họ. Dân làng chỉ biết trước nửa tiếng về chuyến thăm của họ khi thấy cảnh sát chặn đường. Lần trước, chúng tôi được thông báo trước một tuần”, Xie nói.
Cô cho biết dân làng được yêu cầu tránh xa, chỉ có các quan chức chính phủ và một số họ hàng xa được phép đến gần trong chuyến thăm kéo dài nửa tiếng của anh em Thaksin tại đền thờ.
Trong lần trở về thôn Tháp Hạ trước đây, chính quyền địa phương đã tổ chức một bữa tiệc cho họ và người dân địa phương trước một màn hình khổng lồ với dòng chữ “Chào mừng Thaksin và Yingluck trở về”.
Lần này, Yingluck đã đăng một đoạn video ngắn lên Instagram về chuyến thăm của hai anh em tới Tháp Hạ với hình ảnh họ ra khỏi xe và được người dân địa phương tươi cười chào đón. Tuy nhiên, tất cả hình ảnh và bài báo của Trung Quốc liên quan đến chuyến thăm của họ đã bị xóa trong vòng một ngày.
Trung Quoc trong vong to tien Ly Quang Dieu, lanh nhat voi nha Thaksin-Hinh-2
 Hai cựu thủ tướng Thái Lan đã đến thăm đền thờ tổ tiên của họ ở Mai Giáo, quê hương của tộc người Hán Khách Gia. Ảnh: SCMP.
Trong chuyến thăm ngắn ngủi lần này, họ cũng không thể đến thăm ngôi nhà tổ tiên của họ ngoại, cách Tháp Hạ một giờ lái xe.
Ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở thôn Mai Giáo, nơi mẹ của Thaksin và Yingluck từng sống. Năm năm trước, hai anh em đã tới thăm và chụp ảnh chung với người thân già nhất còn sống của họ. Cụ bà 90 tuổi này vẫn sống một mình trong ngôi nhà tồi tàn ở đây.
Ngôi nhà với những cánh cửa vỡ nát, sàn nhà phủ đầy lá và phân gà khác xa cuộc sống giàu sang của anh em Thaksin. Người dân địa phương cho biết chính quyền đã sửa sang lại ngôi nhà trong chuyến thăm lần trước nhưng giờ họ không còn ngó ngàng gì tới tình trạng xập xệ của ngôi nhà và bà cụ sống trong đó nữa.
Qiu Mingqian, thành viên Đảng ủy thôn Tháp Hạ thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết, kế hoạch bảo tồn lịch sử gia đình Shinawatras đã bị hoãn lại vô thời hạn.
“Chính phủ muốn bảo tồn một số di sản và phục hồi ngôi đền tổ tiên của họ. Tuy nhiên, kế hoạch không bao giờ được tiến hành vì lý do chính trị”, Qiu nói.
Thu hút du lịch nhờ tên tuổi Lý Quang Diệu
Trong khi sự đón tiếp của Trung Quốc với nhà Shinawatras không còn nồng nhiệt, di sản gia đình của một nhà lãnh đạo Đông Nam Á khác đang được quan tâm.
Ở ngã ba dẫn đến làng Đường Tây, huyện Đại Bộ, cách thôn Mai Giáo 80 km, có đặt tấm biển “Khu vực Tham quan Quê nhà của Lý Quang Diệu”, thủ tướng đầu tiên của Singapore và là một người Trung Quốc thuộc thế hệ thứ tư.
Trong ngôi làng, những con đường mới trải nhựa, hồ nhân tạo, camera an ninh và hệ thống chiếu sáng tự động có thể được tìm thấy bên cạnh những ngôi nhà bậc thang truyền thống hàng trăm năm tuổi của Trung Quốc với mái nghiêng màu xám.
Một nhà tưởng niệm Lý Quang Diệu cao hai tầng và một trung tâm du lịch được đặt giữa làng, trong khi ngôi nhà được mô tả là nhà tổ của ông Lý được đánh dấu bằng hai tấm bảng.
Trung Quoc trong vong to tien Ly Quang Dieu, lanh nhat voi nha Thaksin-Hinh-3
Chính quyền địa phương đã chi 30 triệu nhân dân tệ (4,5 triệu USD) để biến ngôi nhà tổ tiên của Lý Quang Diệu trở thành điểm thu hút khách du lịch. Ảnh: SCMP. 
Đây là một phần của dự án trị giá 30 triệu nhân dân tệ (4,5 triệu USD) do chính quyền địa phương khởi xướng vào năm 2014 để biến ngôi làng nhỏ với khoảng 300 cư dân thành điểm du lịch nông thôn vinh danh người đã lãnh đạo Singapore trong ba thập kỷ và theo dõi sự chia tách Singapore khỏi Malaysia vào năm 1965.
Cụ của Lý Quang Diệu là Lý Mộc Văn đến từ làng Đường Tây và chuyển đến Singapore để làm kinh doanh. Năm 1884, ông rời bỏ gia đình ở Singapore để trở về Trung Quốc xây nhà và bắt đầu một gia đình mới.
Bất chấp nỗ lực gắn tên tuổi Lý Quang Diệu với làng Đường Tây, bản thân ông và các con cháu, bao gồm Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, chưa từng đặt chân tới nơi này.
“Toàn bộ dự án là sáng kiến của Trung Quốc. Chính phủ Singapore không bao giờ thừa nhận điều đó. Gia đình ông Lý là những người đứng đầu một quốc gia khác và họ không bao giờ muốn được gọi là người Trung Quốc”, He Yaohong, nhân viên bảo tàng và là một cán bộ trong làng, cho biết.
Cô cho biết hàng trăm du khách đến Đường Tây mỗi tháng chủ yếu là người Trung Quốc hoặc người Singapore gốc Hoa.
Có tin đồn rằng em trai Lý Quang Diệu đã đến thăm nơi này vào năm 2005 nhưng các thành viên nổi tiếng hơn trong gia đình họ Lý có thể sẽ không bao giờ tới đây.
He cho biết Chính phủ Trung Quốc đã thông báo cho Singapore về việc xây dựng điểm du lịch này vì tên và hình ảnh của ông Lý được sử dụng.
“Chúng tôi đang sử dụng tên của ông ấy cho mục đích riêng của mình. Miễn là cả hai bên đều không có vấn đề gì thì mọi thứ đều ổn”, He nói.
Theo Tuyết Mai/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)