Tận mắt “kỹ nghệ chữa bệnh bắt ma” ở Campuchia

Google News

Gặp bệnh tật và đời sống khó khăn, có khá đông người dân Campuchia chuyển sang thế giới tâm linh, coi bói, thế giới của các “ông đồng, bà cốt”. 

Coi bói có giúp cho người dân tìm thấy được may mắn và đổi đời không?.
Một buổi chiều thứ bảy nóng nực và bụi bặm, có hai cha con người Campuchia là Nget Bun Thoeurn và Nget Sy tìm đến một ngôi nhà bê tông 1 phòng ở thủ phủ Kampong Cham - nhằm kiếm chút thuốc trị dứt căn bệnh đau đầu đang gây đau đớn, hành hạ Nget Sy, 20 tuổi.
Tan mat “ky nghe chua benh bat ma” o Campuchia
Một bó nhang giá 10.000 Riel (2,5 USD) để khấn cầu xin khỏi bệnh. 
Đi khám bệnh... ở nhà thầy bói
Với 10.000 Riel (tiền Campuchia, khoảng 2,50 USD) mua một bó nhang lớn, cha con họ đã tìm được “vị cứu tinh” là một thầy bói địa phương – tiếng Campuchia là “kru teay” – tên là Touch Sros. Đây là lần đầu của Nget Sy nhưng cha cậu Nget Bun Thoeurn cỡ tuổi tứ tuần đã tới đây vài lần để khám chữa bệnh hoặc hỏi về các vấn đề làm ăn khác.
Người cha phân trần: “Thỉnh thoảng, tôi đau tay chân và đến bác sĩ để chích thuốc. Nhưng khi tới đây, tôi biết “ma thuật” mà bác sĩ Tây y sẽ không thể nhìn thấy hay hiểu rõ về nó, mà chỉ có các thầy bói mới biết mà thôi”.
Sau khi cầu khấn ở điện thờ và cầm theo quyển sách coi bói, Nghet Sy mua một lá bùa bạc với chút ít tiền. “Thầy” Touch Sros sẽ cột cái chuỗi màu xanh lá cây giữ lá bùa quanh eo của khách trong lúc vẫn lâm râm niệm thần chú.
Sau đó, Nget Bun Thoeurn thì thào bật mí: “Ông thầy nói với tôi rằng, thằng con trai tôi bị phân biệt đối xử và có nhiều vong đang theo nó. Khi về nhà, tôi sẽ làm một nghi lễ theo những gì mà thầy đã mách. Sau đó, có thể chúng tôi sẽ khỏe hơn”. Thầy bói Sros, cỡ 46 tuổi, tự nhận mình là “thầy bói” song còn mở rộng sang nhiều “sân” khác như dự đoán hôn nhân hoặc coi công danh nghề nghiệp.
Sros kiêm đủ thứ, nào bào chế thuốc, bán bùa ngải, cho lời khuyên và cả thời điểm nào mà khách hàng bị tổ tiên “quở”. Thầy bói Touch Sros là một trong những “đấng” tâm linh quyền lực nhất ở Campuchia, thường được biết dưới tên gọi là “kru khmer”...
Nặng phần tâm linh
Người Campuchia xem tâm linh như là một phương thức để xoa dịu các trục trặc trong cuộc sống, có niềm tin “thâm căn cố đế” rằng trong mỗi con người luôn có một sức mạnh tà thần, “ma quỷ” trú ngụ. Ở Campuchia, các thế lực siêu nhiên được cho là người cai quản một loạt các vấn đề tâm linh và sức khỏe, từ bệnh tâm thần cho đến đau kinh niên. “Kru khmer” như là một dạng kết hợp bác sĩ và dược sĩ, giúp liên lạc với linh hồn và ma quỷ.
Người Campuchia thường tin là có hàng ngàn con đường liên đới với hồn ma, chẳng hạn như mảnh đất có cây hoặc núi (neak ta) trú ngụ, hoặc những dạng “vong dữ” (boramey)...
“Thế giới người sống sẽ gắn chặt với thế giới người chết… nhưng vong hồn lang thang, nếu họ không được kính trọng thì sẽ quay sang quấy rối người sống” - theo bài viết của ông Didier Bertrand, một nhà nghiên cứu kiêm nhà tâm lý dân tộc học, trong một bài báo xuất bản hồi năm 1998 về giới “đồng cốt” Campuchia.
Theo tác giả Didier Bertrand, “Kru khmer” chữa cho bệnh nhân thông qua một phương thuốc, bùa chú hay một nghi thức tẩy uế cơ thể.
Đôi khi, linh hồn lại còn có thể ngụ trong thân xác người sống. Cậu bé 6 tuổi Chhorn Kimleng sống ở làng Thbong Ang thuộc tỉnh thuần nông Kampong Speu (Campuchia), bỗng dưng đổ bệnh trên ruộng lúa cách đây đúng 4 năm. Khi em bé bắt đầu run rẩy không ngừng thì bà nội đã bế cháu đến nhà một “thầy bói” kru khmer - một bà thầy già tên là Khai Chem.
Khai Chem nói có con “ma cây” trú ngụ ở ngọn núi cạnh đó đã “ám” đứa bé. Khai Chem đã thực hiện một nghi lễ gọi là “leuk riesey” để tẩy uế đứa bé với nước. Kỳ lạ là bé Chhorn Kimleng đã tỉnh giấc cùng ngày hôm đó.
Trong suốt thời gian diễn ra nghi lễ huyền bí, bà thầy Khai Chem nói rằng có một “ma cây” tên là Bothum Resor đã nhập vào thân xác bà: “Tôi nhớ là mình đã lắc lư, không kiểm soát được. Nếu họ không vào mình tôi, tôi không thể nhìn thấy gì. Nhưng khi họ nhập vào, thường sẽ chỉ rõ ai đang mắc bệnh và tại sao lại bệnh. Nếu ai đó bị “ám” thì tôi sẽ thấy rõ triệu chứng”.
Lỗi do y tế còn nghèo
Các “Kru Khmer” thường cho lời phán về căn nguyên khiến người ta ốm nặng. Năm 2005, tác giả Didier Bertrand đã cho xuất bản một nghiên cứu dầy 105 trang về xứ Campuchia, trong đó thấy rằng lời nguyền bệnh tật chiếm từ 30% đến 50% các chẩn đoán của “thầy bói”; “ma quỷ nhập” thuộc 22% các trường hợp. Các triệu chứng như đau, sưng thường bị gán ghép là do ma quỷ trú ngụ hoặc tà thuật ám hại, theo tác giả Bertrand. Trong các trường hợp khác, “đồng cốt” thường cho là có liên quan đến tổ tiên hoặc “ma” địa phương.
Trong khi nhiều người dân Campuchia tin vào sức mạnh của lời nguyền và sự hiện diện của các tà thuật, thì các nhà nghiên cứu lại phân vân khi không biết tà thuật được gây ra ra sao, và ai “bỏ bùa” hại người khác.
Tác giả Davis viết: “Mặc dù không ai thừa nhận có ma thuật, song niềm tin phổ biến là nó có mặt ở khắp nơi. Nhiều người có các câu chuyện ly kỳ để kể về nó, một trong số đó là cách người ta “thư ếm” nhau bằng cách đặt con dao hay da trâu vào trong dạ dày của nạn nhân. Có thể hiểu lý do mà vì sao sau đó nạn nhân lại nhận lấy những cái chết bi thảm”.
Tháng giêng năm 2014, một người đàn ông 55 tuổi tên là Khieu Porn ở tỉnh Kampong Speu đã bị những người hàng xóm sát hại bằng rìu bởi nghi ông sử dụng ma thuật. Vài tháng sau đó, một thầy lang khác tên là Pov Sovann khoảng 36 tuổi cũng bị 600 người cuồng nộ ném đá tới chết.
“Với hệ thống y tế nghèo nàn, người dân Campuchia đi khám bác sĩ, bác sĩ lại cho thuốc sai, hoặc chẩn bệnh không đúng. Thế là như một tất yếu, người dân Campuchia lại tìm tới các thầy tâm linh với niềm tin rằng một số căn bệnh mà y học hiện đại cũng bó tay thì thầy lang có thể chữa khỏi” - ông Ian Baird, một chuyên gia địa lý tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về các mối lợi ích trong các cộng đồng dân tộc ít người ở Campuchia và Lào, cho biết.
Hệ thống chăm sóc y tế ở Campuchia thực sự bết bát, với tỷ lệ bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân thấp nhất thế giới. Theo dữ liệu gần đây nhất của Ngân hàng thế giới (WB), chỉ có 2 bác sĩ/10.000 dân cư ở Campuchia (số liệu năm 2012).
Theo ông Ian Baird, ngành công nghiệp y dược thiếu và kém, chuẩn đoán bệnh sai và nạn thuốc giả tràn lan đã khiến cho một số người quay về y học dân tộc. Ian Baird nhấn mạnh: “Nếu quý vị tin rằng có bác sĩ tâm linh đến nhà và làm một số thứ để giúp bạn, thì đó là một tín hiệu đáng kể để giúp bệnh nhân phục hồi bệnh tật bằng sức mạnh ý chí. Đôi khi phép nhiệm màu diễn ra, song cũng có lúc lại thất bại”.
Mời quý độc giả xem video về Thiền sư Thích Nhất Hạnh (nguồn BBC):
Theo Báo Pháp Luật

Bình luận(0)