Theo Sina, trong lúc lái xe về nhà, anh Trần (sống ở thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) thấy điện thoại di dộng có thông báo. Vì tò mò trên điện thoại có thông báo gì nên anh Trần đã tranh thủ với tay sang lấy điện thoại.
Trong lúc không chú ý nhìn đường, anh Trần tông phải người phụ nữ đi xe đạp điện phía trước. Thấy nạn nhân ngã xuống đất không dậy nổi, anh Trần vội vã xuống xe kiểm tra và đỡ người phụ nữ đứng lên. Khi nhìn mặt bà, anh bàng hoàng nhận ra đó chính là mẹ mình.
Lo mẹ bị thương tích nguy hiểm, anh Trần khóc lóc hoảng loạn, lập tức gọi cảnh sát và xe cứu thương nhờ giúp đỡ.
Cảnh sát đã hỗ trợ đưa mẹ anh Trần đến bệnh viện để kiểm tra. Rất may là người phụ nữ này đội mũ bảo hiểm đúng quy định nên chỉ bị trầy xước nhẹ ở chân tay, không bị tổn thương nào lớn.
Chàng trai hoảng sợ khi biết người mình đâm trúng lại chính là mẹ của mình. Ảnh: Sina.
Ngoài việc chịu phạt hành chính, anh Trần còn phải tiếp nhận một bài "giáo huấn" từ cơ quan cảnh sát. Người đàn ông này cho biết hậu quả xảy ra khiến anh vô cùng hối hận, từ giờ về sau sẽ không bao giờ dám dùng điện thoại trong lúc lái xe nữa.
Anh Trần nói, nếu như hôm đó có chuyện đáng tiếc xảy ra với mẹ, anh sẽ đau khổ và ôm hận suốt đời, mong mọi người nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, không vi phạm giống như anh.
Không chỉ Trung Quốc, tại Việt Nam việc vừa đi đường vừa sử dụng điện thoại không hiếm.
Thời gian gần đây trên các trang mạng xã hội truyền tay nhau những hình ảnh về người điều khiển ô tô, xe máy ngang nhiên sử dụng điện thoại khi lái xe. Mặc cho các phương tiện giao thông có đông đúc hay vắng vẻ thì các chủ xe vẫn vừa nhìn vào màn hình điện thoại vừa chạy xe. Đây là hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông mà luật giao thông không cho phép.
Những hình ảnh này cũng nhận nhiều lời góp ý của các cư dân mạng. Một số ý kiến cho rằng hành vi này không những có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển xe mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.
Một ý kiến nhận xét: “Việc đi xe vừa xem điện thoại sẽ làm giảm tốc độ và ảnh hưởng đến tốc độ của những người khác, khiến cho họ cảm thấy khó chịu và mất thời gian khi bị cản trở”.
Theo quy định hiện hành, lỗi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2022).
Cụ thể, mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô, theo điểm a khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021) như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại là hành vi nguy hiểm, gây cản trở giao thông cho người khác mà pháp luật nghiêm cấm. Ảnh minh họa.
- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 tháng đến 3 tháng; Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, theo điểm h khoản 4 và điểm b, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại điểm g khoản 34 và điểm c khoản 35 Điều 2 Nghị định 123/2021) quy định mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe như sau:
- Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
- Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng; Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông.
Riêng mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động. (Theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019).