Nhà vua Nhật Bản hiện nay là vị vua đầu tiên kết hôn với người ngoài hoàng tộc, đã đem một làn gió mới vào đời sống Hoàng gia, đặc biệt về cách nuôi dạy con.
Biệt điện xây cho Đông cung Thái tử (sau này là Nhật Hoàng Akihito) sau khi kết hôn lần đầu tiên có bếp riêng để nữ chủ nhân có thể tự tay nấu các món ăn cho gia đình.
Khi các hoàng tử, công chúa đến tuổi đi học, cũng chính bà Michiko (hoàng hậu hiện nay) làm cơm cho con mang đi ăn trưa ở trường. Một số thông lệ đã có từ cả nghìn năm trước trong hoàng tộc cũng được bãi bỏ như việc tuyển chọn nhũ mẫu để phụ nuôi hoàng tử bé bằng sữa mẹ, sữa bột được dùng thay thế. Chính Đông cung Thái tử và bà Michiko tự nuôi dạy con chứ không giao cho người khác.
Từ "Nhật ký nuôi con" của mẹ đến "Hiến pháp bé Naru"
Song thân của Hoàng hậu Nhật Bản Michiko từng sống ở Đức và áp dụng phương pháp mới trong cách nuôi trẻ ở Tây phương, nên bà Michiko cũng tham khảo cách nuôi con từ mẹ.
Bà được mẹ trao lại cho cuốn “Nhật ký nuôi con” ghi chép trong lúc nuôi chính mình, với những nguyên tắc khá mới mẻ thời ấy như tập cho trẻ bỏ sữa từ 3 tháng tuổi, không bế ẵm để dỗ dành trẻ, mỗi ngày nên cho trẻ ra ngoài tiếp xúc với không khí ngoài trời…
Hoàng hậu Michiko cũng theo thói quen ghi chép nhật ký này. Một yếu tố quan trọng nữa là tuy đang nuôi con nhỏ, bà vẫn phải bận rộn đi cùng chồng trong những chuyến thăm viếng, tham dự các nghi lễ trong và ngoài nước.
|
Thái tử Akihito và Công nương Michiko (sau này là nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản) cùng con trai, hoàng tử Naruhito cùng nhau đi tản bộ vào năm 1964. Ảnh: CNN. |
Khi hoàng tử Naruhito được 7 tháng tuổi, thái tử và bà Michiko thăm chính thức nước Mỹ nhân dịp kỷ niệm 100 năm quan hệ Nhật - Mỹ. Chuyến đi kéo dài đến hơn nửa tháng, do đó bà Michiko đã ghi lại tỉ mỉ cách nuôi con để hoàng tử được chăm sóc theo đúng phương pháp của bà khi bà đi vắng.
Những ghi chép dặn dò ấy đã được tập hợp lại thành quyển sổ mà bà Michiko đặt tên một cách dí dỏm là “Naruchan Kenpou” hay “Hiến Pháp bé Naru”.
Theo quá trình trưởng thành của hoàng tử bé, bản “Hiến pháp” ngày một nhiều “điều khoản” hơn. Khi hoàng tử còn nhỏ thì: “Mỗi ngày hãy ôm bé thật chặt một lần để biểu lộ tình thương, cho bé cảm thấy mình được nhiều người yêu thương”.
Hoàng tử bé không thích uống sữa bột, cho nên “Hãy rót sữa ra cốc từng chút một, bảo bé uống hết, bé sẽ ra sức uống cho thấy là bé đã uống hết. Bấy giờ hãy rót tiếp cho bé một chút nữa”.
Khi bé Naru có thể tự mình rót sữa ra cốc, bà lại dặn dò tỉ mỉ cách để bé tự rót sữa ra cốc. Mỗi lần cậu bé uống thêm được một cốc, cần đếm lần lượt 1, 2, 3, thỉnh thoảng gõ vào chai để cậu bé vui thích và có cảm giác mãn nguyện như đã làm được “kỳ tích”.
|
Bà Michiko và con trai, hoàng tử Naruhito. Ảnh: The Royal Rorum |
Khi Naru đã lớn hơn, bà dặn: Cho phép được bày đồ chơi khắp phòng, nhưng sau khi chơi xong phải tự cất dọn, bằng cách vỗ nhẹ vào lưng bé và bảo bé hãy nhặt lại những gì bé đã bày ra.
Phòng đọc sách là nơi trẻ con rất thích vào chơi, hãy cho vào phòng sách của bà, cho tha hồ được mở các ngăn rút bàn ra tìm tòi khám phá. Đặc biệt khoảng thời gian được chơi một mình vào buổi sáng ngay sau khi thức giấc rất quan trọng, tránh đừng quấy rầy, để bé tập được đắm mình vào thế giới tưởng tượng của trẻ thơ.
Khi trẻ đang mải mê với một trò chơi gì thì hãy để yên, đừng làm bé phân tâm bởi một trò chơi khác. Khi trẻ làm điều gì sai trái thì kiên nhẫn giải thích cho đến khi đứa bé hiểu được mình đã sai như thế nào. Đã làm gì thì phải làm cho đến nơi đến chốn…
Những nguyên tắc trong “Hiến pháp” thể hiện tình thương lẫn sự nghiêm khắc khi nuôi dạy trẻ, tập cho trẻ tính tự lập, lòng tự tin vào bản thân, cũng như tạo điều kiện cho trẻ tập trung vào việc học hay bất cứ điều gì đang theo đuổi.
Truyện kể trước khi ngủ
“Hiến pháp bé Naru” có ghi cách cho trẻ đi ngủ. Để hoàng tử tự lập, bà tập cho con thói quen ngủ một mình trong phòng riêng từ nhỏ. Có những lúc hoàng tử bé khóc mãi không ngủ, bà Michiko kiên nhẫn đứng sau cánh cửa nhìn vào phòng, chờ đến khi con yên giấc rồi mới rời đi.
Nhưng những lúc có thì giờ, bà thường hát và đọc sách, kể truyện cho hoàng tử nghe trước giờ đi ngủ. Khi con khó ngủ, bà kiên nhẫn kể hết chuyện này đến chuyện khác.
Có lần trò chuyện về sách và trẻ em, bà Michiko kể lại thời thơ ấu của mình, cả lúc đi sơ tán trong thời chiến, nhờ đọc sách mà như đã được “chắp cho đôi cánh”.
Bà Michiko nói rằng có lúc sách như “rễ cây”, là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, “sách dạy cho trẻ sức chịu đựng mọi gian khổ trên đường đời”. Có lẽ cũng vì vậy mà bà chú trọng việc đọc truyện cho con.
|
Bìa cuốn truyện "Lần đầu leo núi" do Hoàng hậu Michiko viết. Ảnh: amazon.com. |
Thông thạo ngoại ngữ, bà Michiko còn là dịch giả một số sách, trong đó có bản dịch sang tiếng Anh một vài tuyển tập thơ của Mado Michio, thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng viết thơ cho trẻ em.
Đặc biệt, chính bà Michiko cũng từng viết một truyện thiếu nhi. Rất lâu sau, truyện được một họa sĩ minh họa và được xuất bản với tựa đề “Lần đầu leo núi”.
Lần đầu tiên leo núi
Hai anh em đi với nhau
Em nhất định sẽ leo được mà
“Trên núi này có nhiều động vật
Sóc này nai này
Có cả đấy”
“Thật hả”
Em muốn trông thấy nai quá
Thế rồi cô bé theo anh đi qua hồ nước rộng trong vắt, qua những lối đi có hạt cây đủ màu rải khắp, leo lên triền núi gồ ghề, cuối cùng tới được đỉnh núi. Đi tới đâu cô bé cũng tưởng tượng ra cảnh nai tới hồ uống nước, ăn những hạt rơi trên đường hay lướt đi nhẹ nhàng trên sườn núi gồ ghề.
Trong lời giới thiệu sách, bà Michiko viết: “Đôi khi, người ta được khích lệ bởi những điều không hiển hiện bên ngoài. Chỉ nhờ một ý nghĩ trong đầu mà cô bé 6 tuổi đã thực hiện được chuyến leo núi đầu tiên trong đời. Khi biết về câu chuyện đó, tôi rất ngạc nhiên và vui mừng, từ đó viết nên truyện này”.
Hai nhân vật chính trong truyện tranh này khiến nhiều người liên tưởng đến công chúa út và người anh cả là thái tử, cũng có sở thích leo núi.
Dạy con từ những việc nhỏ nhất
Trong Hoàng gia Nhật Bản, theo thông lệ, nếu công chúa kết hôn với người ngoài hoàng tộc thì sẽ trở thành dân thường. Vì vậy mà bà Michiko cũng đặc biệt chú trọng tới việc dạy dỗ con gái để chuẩn bị cho công chúa sau này có thể rời hoàng tộc.
Con gái út của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko tên là Norinomiya Sayako (Kỷ cung Thanh Tử), thường được gọi là Norinomiya. Sau khi lập gia đình, cô mang họ chồng và chỉ còn giữ tên Sayako.
|
Công nương Michiko cùng hoàng tử thứ hai Fumihito và công chúa Norinomiya. Ảnh: Elle.com. |
Công chúa này từ nhỏ này được giao việc mỗi sáng ra cổng lấy báo vào cho bố, lên 9 tuổi đã bắt đầu giúp mẹ chuẩn bị cơm sáng cho cả nhà. Bà Michiko dạy cho Norinomiya mọi việc nữ công gia chánh, từ cách vo gạo gọt khoai đến làm bánh trái. Phòng riêng của cô còn có cả máy giặt và chỗ phơi quần áo để cô tự làm lấy những việc này.
Sau khi trưởng thành và tốt nghiệp đại học, là một thành viên hoàng gia, Norinomiya cũng tham gia những “công vụ” như thăm viếng hay dự các buổi lễ lạc sinh hoạt với giới trẻ.
Cô là công chúa đầu tiên đi làm khi công tác ở một viện nghiên cứu về chim chóc và chuyên tìm hiểu về chim bói cá. Công chúa Norinomiya hiện kết hôn với một người ngoài hoàng tộc.