Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/12 khẳng định Washington sẽ không chịu sự ràng buộc của Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) nếu Moscow vẫn tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa mới, theo AFP.
"Mỹ khẳng định Nga đã đơn phương vi phạm hiệp ước và chúng tôi sẽ chấm dứt nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận sau 60 ngày, trừ trường hợp Nga trở lại tuân thủ thỏa thuận một cách toàn diện và có thể kiểm chứng", ông Pompeo phát biểu sau cuộc họp với các ngoại trưởng NATO.
|
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: Getty. |
"Những hành động của Nga đã làm suy yếu nghiêm trọng an ninh quốc gia của Mỹ cùng các đồng minh và đối tác. Thật vô lý nếu Mỹ tiếp tục tuân thủ một thỏa thuận hạn chế năng lực đáp trả những vi phạm của Nga", Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc.
Ông khẳng định Mỹ sẽ không tiếp tục nhượng bộ lợi thế quân sự then chốt này cho các cường quốc đối thủ. Nếu Nga không trở lại tuân thủ INF trước hạn chót 60 ngày, Mỹ sẽ khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng.
Mỹ cam kết sẽ không thử nghiệm, sản xuất hay triển khai bất kỳ loại vũ khí nào vi phạm INF trước thời điểm chính thức rời khỏi hiệp ước này.
NATO và Mỹ cáo buộc hệ thống tên lửa 9M729 của Nga vi phạm INF, thỏa thuận Mỹ và Liên Xô ký kết năm 1978, châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân. Ông Pompeo nhấn mạnh phía Mỹ đã bày tỏ quan ngại về hệ thống tên lửa này hơn 30 lần trong 5 năm qua với phía Nga.
Phân tích của NATO cho thấy loại tên lửa hành trình mới của Nga có tính cơ động cao và khó bị phát hiện, đủ khả tấn công những thành phố tại châu Âu một cách bất ngờ. NATO lo ngại 9M729 sẽ làm thay đổi nghiêm trọng cân bằng an ninh của khu vực và ủng hộ cách phản ứng cứng rắn của Washington.
|
Một buổi phóng thử tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: AP. |
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho rằng đây là cơ hội cuối cùng để Nga trở lại tuân thủ INF. "Chúng ta cần chuẩn bị cho một thế giới không còn hiệp ước này", ông cho biết.
"Tôi rất tiếc khi có khả năng cao chúng ta sẽ nhìn thấy INF chấm dứt. Tuy nhiên, chúng ta không nhìn thấy bất cứ phương án nào khác ngoài cách phản ứng như hiện nay", ông Stoltenberg nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF và xây dựng kho vũ khí hạt nhân cho đến khi "những nước khác tỉnh ngộ" về hệ quả của chạy đua vũ trang. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ ngày 3/12 lại bày tỏ mong muốn đối thoại với lãnh đạo Nga và Trung Quốc nhằm tránh viễn cảnh chạy đua vũ trang vượt tầm kiểm soát.