Mới đây, quân đội Mỹ đã gửi 290 binh sĩ thuộc Lữ đoàn dù từ 173 (vốn đóng quân ở Vicenza, Italy) đến Ukraine để huấn luyện cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia.
|
Một lính Mỹ thuộc Lữ đoàn dù 173 đứng sau Vệ binh Quốc gia Ukraine trước lễ khai mạc cuộc tập trận chung "Fearless The Guardian 2015" ở Ukraine ngày 20/4/2015. |
Theo hãng tin Reuters, hành động đưa
lính dù Mỹ vào Ukraine nói trên của chính quyền Obama chắc chắn dẫn đến sự trả đũa của Tổng thống Putin theo nhiều cách khác nhau.
Để hiểu rõ ngọn nguồn, người ta cần xem xét bối cảnh lịch sử. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Moscow luôn quan tâm theo dõi việc NATO bành trướng khắp Trung Âu và Đông Âu, đến sát biên giới Nga. Một trong những kết quả của việc mở rộng NATO này là cuộc nổi dậy trên Quảng trường Maidan ở Thủ đô Kiev, lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych, người có quan hệ gần gũi với Nga.
Đối với Liên bang Nga, việc ngăn chặn Ukraine ngả về phía phương Tây là một vấn đề sống còn. Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Xô Jack Matlock từng nói rằng đối với Tổng thống Putin, việc Ukraine gia nhập NATO cũng nghiêm trọng tương đương việc Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba đối với cố Tổng thống Mỹ Kennedy.
Việc Mỹ đưa lính dù vào Ukraine - mặc dù chỉ làm công việc huấn luyện - khiến cho Điện Kremlin tiến hành nhiều biện pháp trả đũa.
Thứ nhất, Nga sẽ hỗ trợ hơn nữa cho phe ly khai ở khu vực Donbass miền đông Ukraine. Sự hỗ trợ này có thể liên quan đến binh lính và vũ khí hoặc thậm chí là một cuộc tấn công đánh chiếm thành phố Mariupol ở miền nam Ukraine để làm cầu nối trên đất liên giữa Nga và Bán đảo Crimea. Đây sẽ là một sự kết liễu đối với Thỏa thuận Minsk II nhằm chấm dứt xung đột ở miền đông Ukraine.
Thứ hai, Nga có thể tiến xa hơn trong việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Học thuyết hạt nhân của Nga gần đây đã thay đổi để xem xét việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân để "giảm leo thang" một cuộc xung đột. Tổng thống Putin đã đặt lực lượng hạt nhân vào trong tình trạng báo động cao, khi Bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga cách đây một năm. Trong năm qua, nhiều máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân như Tu-95 đã bay tuần tra gần đảo Guam, bờ biển Alaska, Baltic và Vương quốc Anh.
|
Nga cũng đã triển khai 10 tên lửa Iskander - có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 400 km - ở Kaliningrad, sát Ba Lan và Lithuania. |
Nga cũng đã thực hiện một động thái đầy khiêu khích đối với thành viên NATO Na Uy. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, người bị cấm nhập cảnh Na Uy do lệnh trừng phạt quốc tế, đã dừng chân trên đảo Svalbard của Na Uy trên một chuyến đi đến Bắc Cực.
Những động thái trên có thể là thông điệp cứng rắn mà Nga gửi tới NATO, Mỹ và các nước đồng minh.
Thứ ba, Nga có thể tác động hơn nữa vào tình hình Trung Đông, theo chiều hướng gây bất lợi cho Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran, một động thái Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ nói sẽ làm "thay đổi cán cân quân sự ở Trung Đông”.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300 cho Iran. |
Không có gì đáng ngạc nhiên, khi vụ mua bán S-300 sắp xảy ra này gây quan ngại cho Washington cũng như các đồng minh của Mỹ như Israel và Ả-rập Xê-út.
Tổng thống Putin coi việc Mỹ gửi gần 300 lính dù Mỹ đến Ukraine là một hành động khiêu khích, đe dọa đến an ninh của Liên bang Nga. Hành động này của Mỹ dẫn đến những phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga, không chỉ trong khu vực mà còn cả trên thế giới.