Trong thông cáo đưa ra vào tối 24/4, Tổng cục hàng không dân dụng Pháp cho biết phần lớn các chuyến bay tại Pháp vẫn sẽ bị hủy bỏ trong ngày hôm nay (25/4) bất chấp những nỗ lực đàm phán và đạt được thoả thuận vào phút chót với Nghiệp đoàn nhân viên kiểm soát không lưu (SNCTA).
Theo đó, tại thủ đô Paris, 55% số chuyến bay tại sân bay lớn nhất của Pháp là Charles de Gaulle sẽ bị hủy bỏ và con số này lên đến 75% tại sân bay Orly. Tỷ lệ hủy chuyến bay tại thành phố lớn thứ 2 của Pháp là Marseille là 65% trong khi tại nhiều thành phố lớn khác như Toulouse, Bordeaux, Nice hay Lyon cũng lên đến gần 50%.
Tổ chức hàng không châu Âu ước tính tổng cộng sẽ có khoảng 2.000 chuyến bay tại Pháp sẽ bị hủy bỏ trong ngày hôm nay (25/4). Nguyên nhân của sự việc này xuất phát từ phong trào đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc của nhân viên kiểm soát không lưu tại Pháp.
Theo Liên đoàn Hàng không quốc gia và Nghề nghiệp Pháp (Fnam), Pháp là quốc gia châu Âu có tỷ lệ đình công trong lĩnh vực hàng không cao nhất, gây thiệt hại cho các hãng hàng không 800 triệu euro trong giai đoạn 2018-2022, trong đó riêng các hãng hàng không của Pháp mất đi 624 triệu euro và vượt xa các quốc gia đứng 2 là Italia với chỉ 147 triệu euro hay Hy Lạp đứng thứ 3 với 22 triệu euro.
Cơ quan này cũng cảnh báo các cuộc đình công sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng không Pháp cũng như làm gia tăng chi phí đối với các hãng hàng không khai thác các chuyến bay tại Pháp, khiến Pháp mất dần thị phần cho các đối thủ đến từ Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhằm tránh nguy cơ hủy chuyến tại Thế vận hội Olympic mùa hè Paris 2024 và Paralympic diễn ra ngay sau đó, từ tháng 9/2023, Tổng cục hàng không dân sự Pháp đã đàm phán và ký với các Nghiệp đoàn nhân viên kiểm soát không lưu Pháp (SNCTA và Unsa ICNA) thoả thuận không tiến hành đình công trong thời gian diễn ra các sự kiện quan trọng này.
Kể từ đầu năm 2024, ngành hàng không của Pháp đã hồi phục hoạt động ở mức 96% so với giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19.