Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Thấy dễ nhưng lại khó

Google News

Mỹ bắt đầu công việc chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong bối cảnh hai nước không có kênh liên lạc chính thức.

New York Times cho biết một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhận lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un về một cuộc gặp, Nhà Trắng đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ, một lần gặp gỡ đầy rủi ro và xa vời đến nỗi một số cộng sự của tổng thống tin rằng không thể xảy ra.
Chính quyền Trump đã bắt đầu phải suy nghĩ về công tác hậu trường và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói rằng địa điểm rõ ràng nhất có thể là Nhà Hòa bình, nhà hội nghị được xây tại Khu Phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.
Trong khi đó, một số quan chức Mỹ nói rằng Washington cần thiết lập được liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng để làm rõ thông điệp mà ông Kim đã chuyển đến thông qua đặc phái viên của Hàn Quốc. Họ lo ngại ông Kim có thể đổi ý, thất hứa và trở mặt về chuyện đã hứa sẽ từ bỏ hạt nhân.
 Tổng thống Donald Trump vừa có quyết định được cho là bất ngờ khi nhận lời gặp lãnh đạo Kim Jong Un. Ảnh: AFP.
Trump: Một phút bốc đồng?
"Mỹ chưa hề nhượng bộ, nhưng Triều Tiên đã hứa", Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders nói. "Cuộc gặp sẽ không diễn ra mà không có những hành động chắc chắn phù hợp với những điều Triều Tiên đã hứa".
Nhà Trắng sau đó làm rõ rằng câu nói của thư ký báo chí không có nghĩa là Mỹ đưa ra thêm điều kiện cho cuộc gặp, chỉ là nhấn mạnh các hậu quả nếu ông Kim thử tên lửa hoặc can thiệp vào cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn, được lên kế hoạch vào cuối tháng 3.
Tối 9/3, Tổng thống Trump nói trên Twitter rằng "thỏa thuận với Triều Tiên đang thành hình" và "nếu hoàn chỉnh, đó sẽ là một thỏa thuận rất tốt cho thế giới".
"Thời gian và nơi chốn đang được quyết định", ông nói.
Thông điệp hơi khó hiểu của Nhà Trắng cho thấy sự hoang mang của chính quyền trước quyết định chớp nhoáng của tổng thống. Washington, sau một thời gian xây dựng chính sách dựa trên các biện pháp trừng phạt và quân sự, giờ phải học cách tương tác với Bình Nhưỡng.
Một mặt, Nhà Trắng nói rằng tâm trạng ông Trump đang rất tốt sau khi vừa nhận lời mời gặp của ông Kim, vừa ký thông qua mức thuế nhập khẩu cho nhôm thép; mặt khác, một người thân cận với các cuộc gọi của tổng thống vào tối 8/3 nói rằng ông đã gọi nhiều người để hỏi ý kiến về quyết định bất ngờ trên và tỏ ra lặng lẽ nhiều hơn là sôi nổi.
Tổng thống nói với mọi người rằng ông thích chuyện đây là bước đột phá "trăm năm có một", nhưng ông lại tỏ ra ít ồn ào hơn ngày thường, nhất là mỗi khi ông vừa đặt cược vào chính mình.
Trong 24 giờ qua, tổng thống cuối cùng đã tự bào chữa được cho chính mình. Ông nói với những người thân tín là quyết định của ông đã mở ra một con đường mới khả dĩ.
 Ngoại trưởng Tillerson được cho đã không được báo trước về quyết định gặp ông Kim của tổng thống và đã nhận tin này khi ở châu Phi. Ảnh: AFP.
Quyết định của tổng thống đã gây choáng váng cho nhiều cộng sự và cố vấn, ít ra phải kể đến Ngoại trưởng Rex Tillerson. Tillerson đang ở châu Phi và bị bắt gặp đã không hay biết gì trước về quyết định của Trump. Sự thiếu liên quan của người đứng đầu Bộ Ngoại giao trong việc này đã phô bày sự xa cách giữa bộ và chính sách Triều Tiên của tổng thống. Không những vậy, quan chức chính trong việc đàm phán với Triều Tiên, Joseph Yun đã từ chức hồi tuần trước.
Các quan chức khác của Bộ Ngoại giao nói rằng Tillerson không phải là người duy nhất bị bỏ ra rìa. Đúng hơn thì tổng thống đã "qua mặt" tất cả cố vấn của ông. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng quyết định của Trump không hoàn toàn tự dưng mà đến như mọi người nghĩ.
"Đó là điều ông ấy vốn luôn nghĩ tới, nó không phải bất ngờ", Tillerson nói với các phóng viên từ Djibouti. "Trước đây, ông ấy từng công khai nói muốn gặp Kim Jong Un".
Một quan chức cấp cao nói rằng một số cố vấn có mặt trong căn phòng với ông Trump và đặc phái viên của Hàn Quốc, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, đã quan ngại về cuộc gặp. Dù vậy, không ai trong số này công khai bày tỏ phản đối.
 Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis (phải) và cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster là 2 người cũng có mặt khi đặc phái viên Hàn Quốc chuyển lời mời của ông Kim đến ông Trump. Ảnh: AFP.
Chạy đua với thời gian
Tại Bộ Ngoại giao, nơi nhiều nhà ngoại giao đang lặng lẽ ăn mừng quyết định của tổng thống, nhiều người lo ngại rằng một số cộng sự hiếu chiến của tổng thống có thể ngăn trở cuộc gặp. Họ cho rằng Nhà Trắng đã đầu tư nhiều vào các biện pháp trừng phạt và giải pháp quân sự hơn là cho ngoại giao. Trước đây, nhiều quan chức Nhà Trắng từng tỏ ra tức tối khi Lầu Năm Góc chần chừ khi đưa ra các lựa chọn quân sự.
Với tất cả những rủi ro tiềm tàng, một số quan chức nói rằng họ ước lượng khả năng để cuộc gặp thật sự xảy ra chỉ không đến 50%.
Địa điểm gặp mặt, quy mô và thành phần phái đoàn, chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ, tất cả vẫn chưa được quyết định. Một số quan chức nói rằng ông Trump và Kim và sẽ phải thiết lập một bộ khung cho các cuộc trò chuyện và để việc đàm phán thật sự cho các quan chức thấp hơn. Nội chuyện chuẩn bị hậu trường có thể sẽ cần một vài cuộc gặp tiền trạm.
"Những lời đề nghị của Triều Tiên thường đến kèm những hạn chế và những điều che giấu mà chúng ta cần xem xét", New York Times dẫn lời Daniel R. Russel, cựu cố vấn các vấn đề châu Á của cựu tổng thống Barack Obama. "Chúng ta đều mong rằng chiến dịch gây áp lực nhiều năm qua có tác dụng, nhưng chúng ta không nên ăn mừng quá sớm".
Một số chuyên gia cảnh báo về việc thiếu kênh liên lạc trực tiếp giữa Bình Nhưỡng và Washington. Hai nước liên hệ nhau qua các kênh độc lập, một trong những kênh đó là "Kênh New York", thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Hàn Quốc đã mang đến cả thông tin tốt lành lẫn nhiều việc phải chuẩn bị cho chính quyền Mỹ. Ảnh: AFP.
Trong số những thông tin mà đặc phái viên Hàn Quốc mang đến cho Tổng thống Trump là các lệnh trừng phạt thật sự làm kiệt quệ Triều Tiên. Ngay cả lãnh đạo Kim, theo lời các quan chức trên, cũng nói về nước ông như một nước nghèo.
"Đó là báo cáo có tính thúc đẩy nhất mà chúng tôi từng có từ Kim Jong Un, không chỉ sự sẵn lòng mà còn là nhu cầu được đối thoại", Ngoại trưởng Tillerson nói. "Thứ thay đổi là thái độ của ông ấy, thay đổi theo một cách rất kịch tính. Nói thật, việc đó khiến chúng tôi khá bất ngờ".
Theo Phương Thảo/Zing.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)