Sự phục hồi sản lượng nhanh hơn dự tính của sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở lọc dầu của nước này hôm 14/9, những lo ngại về triển vọng nhu cầu suy yếu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và số liệu kinh tế kém khả quan ở nhiều nước là những yếu tố khiến giá dầu thế giới giảm mạnh trong tuần giao dịch vừa qua.
Giá dầu Brent Biển Bắc khép lại tuần giao dịch này với mức giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng Tám là 3,7%, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ cũng ghi nhận mức giảm trong tuần 3,6%, mức lớn nhất kể từ giữa tháng Bảy.
Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu thế giới tăng khoảng 1%, giữa bối cảnh các nhà giao dịch theo dõi sát sao khả năng và thời điểm Saudi Arabia có thể khôi phục hoàn toàn sản lượng.
|
Cơ sở hạ tầng của nhà máy lọc dầu Khurais của Saudi Arabia bị phá hủy sau vụ tấn công, ngày 20/9/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Giá dầu Brent đã mở cửa phiên giao dịch ở mức cao 65,50 USD/thùng sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Saudi Arabia có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn để khắc phục những thiệt hại từ vụ tấn công nói trên. Tuy nhiên, giá mặt hàng này sau đó đã giảm xuống 63,53 USD/thùng khi Reuters cho hay Saudi Arabia có thể khôi phục sản lượng vào đầu tuần tới.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 24/9, giá dầu thế giới đã giảm hơn 2% xuống mức thấp nhất kể từ thời điểm xảy ra vụ tấn công các cơ sở lọc dầu chủ chốt của Saudi Arabia, do giới giao dịch tiếp tục quan ngại về xung đột thương mại Mỹ-Trung, vốn đã kìm hãm nhu cầu năng lượng toàn cầu thời gian qua.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thực hiện các biện pháp thương mại không công bằng, bao gồm các rào cản thị trường, thao túng tiền tệ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Phát biểu của ông Trump được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc kết thúc cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng mà không có kết quả tại New York.
Chuyên gia John Kilduff, một đối tác của Again Capital LLC ở New YoK (Mỹ), cho rằng ông Trump tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này cho thấy nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiêu thụ nhiên liệu nhiều nhất thế giới vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào.
Trong khi đó, theo một báo cáo, niềm tin tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 9/2019 đã giảm mạnh nhất trong chín tháng qua. Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng dữ liệu kinh tế ảm đạm của các nền kinh tế hàng đầu châu Âu và Nhật Bản cũng tác động bất lợi đến giá dầu.
Trong phiên giao dịch 25/9, giá dầu thế giới đi xuống sau khi các số liệu chính thức cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tiếp tục gia tăng và Saudi Arabia đã khôi phục hoạt động sản xuất dầu nhanh hơn dự kiến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 20/9, lượng dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 2,4 triệu thùng so với tuần trước, lên 419,5 triệu thùng. Bên cạnh đó, Saudi Arabia đã khôi phục năng lực sản xuất dầu lên 11,3 triệu thùng/ngày, sau khi vụ tấn công nói trên khiến sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm một nửa. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman và Giám đốc điều hành công ty dầu khí nhà nước Aramco, Amin Nasser, cho biết sản lượng dầu của đất nước sẽ hoàn toàn khôi phục đầy đủ vào cuối tháng 9/2019.
Thông tin này khiến giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trong phiên ngày 26/9, trong khi các tin tức liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ cũng có tác động đến tâm lý các nhà giao dịch. Ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm hồi tháng Bảy giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, vụ việc đang làm dậy sóng chính trường Mỹ và khiến ông Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội.
Theo bản ghi chép nội dung dài năm trang này, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Trump đã hối thúc tân Tổng thống Ukraine khi đó Zelenskiy mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào ông Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden.
Giới phân tích cho rằng giá dầu còn chịu áp lực từ số liệu ảm đạm từ các nền kinh tế hàng đầu châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên, những kỳ vọng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể dịu xuống đã hạn chế phần nào đà giảm của giá “vàng đen”, từ đó thúc đẩy nhu cầu dầu.
Tổng thống Trump ngày 25/9 cho biết hai bên có thể đạt được một thỏa thuận sớm hơn dự đoán. Tổng thống Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã ký kết một thỏa thuận thương mại giới hạn, qua đó mở cửa thị trường Nhật Bản cho khoảng 7 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm.
Dầu thế giới ghi nhận phiên thứ tư giảm giá liên tiếp trong ngày 27/9, trước sự phục hồi sản lượng nhanh chóng của Saudi Arabia và những lo ngại của giới đầu tư về nhu cầu dầu thô toàn cầu giữa lúc kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent giảm 83 xu Mỹ, hay 1,3%, xuống còn 61,91 USD/thùng, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong phiên là 60,76 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô nhọt nhẹ Mỹ giảm 50 xu Mỹ, hay 0,9%, và đóng phiên ở mức 55,91 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong phiên là 54,75 USD/thùng.
Phiên này, giá dầu cùng nhiều tài sản rủi ro khác đi xuống sau khi có thông tin cho hay Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng loại các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của nước này, đồng thái sẽ làm gia tăng mạnh căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó trong phiên này, giá dầu cũng giảm sau khi Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Mỹ đã đề nghị dỡ bỏ tất cả các lệnh cấm vận đối với nước này để đổi lại các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó lại cho biết ông đã từ chối yêu cầu này của Tehran.
Bên cạnh đó, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết có thể sẽ hạ dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2019 và 2020 nếu kinh tế thế giới tiếp tục suy yếu. Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cũng là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất, nhiều công ty công nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong tháng Tám.
Ngoài ra, một thông tin đang chú ý trong phiên này là cước phí vận chuyển dầu từ Trung Đông sang châu Á đã tăng mạnh 28% trong ngày 27/9, do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty COSCO của Trung Quốc do cáo buộc vận chuyển dầu thô từ Iran. COSCO chiếm khoảng 7% đội tàu lớn của thế giới, theo số liệu của Refinitiv.