Những căng thẳng thương mại giữa các nước trên thế giới đã và đang làm “nóng” bầu không khí của hầu hết các chương trình nghị sự, từ bên trong ra đến bên ngoài kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đang diễn ra tại New York, Mỹ. Với chính sách “nước Mỹ là trên hết”, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới đang gặp phải chỉ trích mạnh mẽ của nhiều nước, trong đó có cả những đồng minh thân cận nhất.
|
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại sự kiện. Ảnh: AP. |
Đỉnh điểm của những căng thẳng thương mại trên thế giới hiện nay thể hiện rõ qua cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, với việc Washington liên tiếp đưa ra các gói áp thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và những đòn đáp trả ngay lập tức từ phía Bắc Kinh. Đây cũng là một trong những nội dung chính mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2018. Nhà lãnh đạo Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc “không ngừng bán phá giá sản phẩm” và áp dụng “những chiêu trò thiếu công bằng khác” trong quan hệ thương mại với Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho biết: “Mỹ đã tổn thất hơn 3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, gần 1/4 tổng số công việc liên quan đến thép sau khi Trung Quốc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới. Nước Mỹ cũng đã mất 13.000 tỉ USD vì thâm hụt thương mại trong hai thập kỷ qua. Chúng tôi sẽ không tiếp tục chịu đựng hành vi bóc lột thương mại này và nước Mỹ sẽ hành động vì lợi ích quốc gia của mình”.
Không chỉ nhằm vào riêng Trung Quốc, Mỹ hiện nay cũng có những tranh chấp thương mại với cả đồng minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và nhiều quốc gia khác. Với việc công bố áp mức thuế mới cao với hàng hóa nhập khẩu vào các nước này cũng như công bố thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế liên tiếp nhằm vào nhiều nước trong thời gian qua, Mỹ đã khiến cho cả chính những đồng minh thân cận nhất cũng phải bất bình. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo, “chủ nghĩa dân tộc hung hăng” có thể thay thế trật tự quốc tế nếu như các nhà lãnh đạo thế giới không nỗ lực làm sống lại niềm tin của công chúng vào hệ thống đa phương:
"Chúng ta phải có ý chí và sự tự tin để hành động khi các quy tắc cơ bản mà chúng ta đang sống dựa vào bị phá vỡ. Đây không phải là lặp lại những sai lầm của quá khứ bằng cách cố gắng áp đặt tính dân chủ lên các nước khác thông qua sự thay đổi chế độ. Chúng ta không nên cho phép những sai lầm đó làm tê liệt cộng đồng quốc tế khi các tiêu chuẩn vốn đã được thiết lập từ lâu bị vi phạm”.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hối thúc các nhà lãnh đạo đối thoại và hợp tác đa phương để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Ông Macron nhấn mạnh nếu không có hợp tác đa phương, các cuộc chiến tranh trên toàn cầu sẽ lại xảy ra và “chủ nghĩa dân tộc chỉ dẫn đến thất bại”. Tổng thống Pháp hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới phản đối “luật của kẻ mạnh”. Ông Macron cũng phản đối việc Tổng thống Mỹ muốn bao vây kinh tế, đặc biệt là trong việc xuất khẩu dầu lửa của quốc gia này.
Trong khi đó, bên lề cuộc họp Đại hội đồng, trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Rouhani, Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố, Mỹ không có quyền áp đặt các doanh nghiệp châu Âu được phép hay không được phép giao dịch, làm ăn với đối tác cụ thể nào, trong đó có Iran. Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh nước này và Liên minh châu Âu (EU) không hề “ngây thơ” khi đề cập tới vấn đề Iran và tầm ảnh hưởng trong khu vực của đất nước Hồi giáo này.
Ngoài những căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, giới chức Mỹ, Mexico và Canada cũng đã xúc tiến các cuộc gặp nhằm tìm cách vượt qua những rào cản và nhất trí về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi. Bên cạnh đó, những cuộc đàm phán thương mại song phương giữa các nước như Mỹ- Nhật, hay Mexico-Hàn Quốc cũng đã được thảo luận bên lề kỳ họp Đại hội đồng lần này. Nhiều cuộc gặp giữa quan chức các nước bên lề Đại hội đồng cũng đã bàn về việc cải tổ Tổ chức thương mại Thế giới WTO, nhằm đưa Tổ chức này trở thành cơ quan giải quyết các tranh chấp thương mại toàn cầu hoạt động một cách hiệu quả và công bằng hơn.
Đối với khu vực vùng Vịnh, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani cũng đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp tẩy chay về mặt ngoại giao và thương mại của các nước láng giềng Arab do Arab Saudia dẫn đầu, gọi đây là sự vi phạm trắng trợn các quy định quốc tế.
Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Quốc vương Qatar cho biết lệnh phong tỏa đã “làm tê liệt” các nước Arab và chỉ “khiến khu vực bị kiểm soát bởi những khác biệt nhỏ nhặt”. Từ ngay bên trong các cuộc họp của Đại hội đồng cho đến bên lề kỳ họp này, những căng thẳng, tranh chấp thương mại vẫn đang được thảo luận giữa các nước một cách thẳng thắn./.