Theo đó, sau 75 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, sáng 16/7, giàn khoan Hải Dương 981 cùng toàn bộ tàu hộ tống đã di chuyển về phía đảo Hải Nam, sớm hơn 1 tháng so với tuyên bố trước đây (dự kiến Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 vào ngày 15/8).
|
Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép ở vùng biển Việt Nam.
|
Với động thái mới này, trong buổi họp báo ngày 16/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki cho hay, Mỹ mong muốn các bên liên quan giải quyết cuộc tranh chấp thông qua con đường ngoại giao.
“Sự cố về giàn khoan dầu đã nêu bật sự cần thiết đối với các bên liên quan cần làm rõ các tuyên bố chủ quyền của họ theo luật pháp quốc tế nhằm đạt được sự thấu hiểu chung về các ứng xử và hành vi phù hợp ở các khu vực tranh chấp”, bà Psaki nói.
Bà cũng nói thêm rằng, Washington ủng hộ các bên liên quan tự nguyện dừng các hành động khiêu khích đơn phương trong nỗ lực thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử (COC) trên Biển Đông năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.
Liên quan tới câu hỏi liệu có nguyên nhân gì đằng sau động thái di dời giàn khoan đó của Bắc Kinh, Phát ngôn viên Psaki từ chối đưa ra lời bình luận nào cả. Tuy nhiên, bà cũng tiết lộ rằng, Ngoại trưởng John Kerry cũng thảo luận về các vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Hoa Đông và Biển Đông cũng như khẳng định mối quan ngại của mình trong thời gian lưu lại Trung Quốc tham dự đối thoại thường niên Mỹ-Trung hồi tuần trước.
“Tôi sẽ không suy đoán về lý do di chuyển giàn khoan của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi bày tỏ sự quan ngại tương tự của mình một cách công khai”, bà Psaki nói.