Cướp biển Somalia hết đường “làm ăn”?

Google News

(Kiến Thức) - Cướp biển Somalia đã giảm hẳn hoạt động, ít khi tấn công các tàu thương mại và du lịch đi qua Vịnh Aden.

 
Cướp biển Somalia buông súng đầu hàng.

Các chuyên gia của Cơ quan Hàng hải quốc tế đã rút ra kết luận này và giải thích thêm rằng đó là do hành động chung của các lực lượng quốc tế kiểm soát tình hình trong khu vực.
 
Cướp biển từng lộng hành gần bờ biển Somalia đang dần dần rút khỏi khu vực. Trong năm nay chỉ có 8 trường hợp tấn công vào tàu biển và 2 trường hợp cướp tàu. Đây là chỉ số thấp nhất kể từ năm 2006.
 
Trưởng nhóm nghiên cứu của Trung tâm Luật Biển (Nga) Vasily Gutsulyak cho biết: “Có lẽ, vai trò quyết định trong quá trình này thuộc về các lực lượng liên quan với các tàu chiến của nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga. Các tàu này thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình ở vùng biển tiếp giáp với Somalia, và những tên cướp biển không dám tấn công vào các tàu thuyền đi qua. Ngoài ra, lực lượng hải quân đang tuần tra khu vực, kiểm tra tất cả các tàu đáng ngờ. Ở đây cần phải nhắc tới những nỗ lực quan trọng khác, bao gồm cả các biện pháp pháp lý. Liên Hợp Quốc đã thông qua một số nghị quyết làm thay đổi cơ sở pháp lý để ngăn chặn các vụ tấn công của hải tặc. Bây giờ, cộng đồng thế giới có quyền bắt giữ tàu cướp biển ở vùng lãnh hải, cũng như truy đuổi cướp biển trên đất liền Somalia. Điều này cho phép tiêu diệt tận gốc các sào huyệt của cướp biển”.
 
Ngoài các tàu chiến tuần tra trong khu vực, các công ty vận chuyển lớn bắt đầu thuê nhân viên bảo vệ làm việc trên tàu trong thời gian đi qua các khu vực nguy hiểm. Các chuyên gia đó có tất cả các thiết bị cần thiết - bao gồm cả vòi rồng, dây thép gai - khiến cướp biển chùn tay không dám tấn công tàu buôn.
 
Vai trò quyết định trong quá trình này thuộc về các lực lượng liên quan với các tàu chiến của nhiều quốc gia.

Trong khi đó, số vụ cướp tàu đã giảm không chỉ gần bờ biển Somalia. Theo số liệu của Cơ quan Hàng hải quốc tế, trong 6 tháng đầu năm 2013, trên toàn thế giới đã ghi nhận 138 vụ tấn công, trong khi vào năm 2012 đã có 177 vụ. Nhưng, đồng thời trên bản đồ đã xuất hiện khu vực mới, nơi các tàu buôn bắt đầu gặp khó khăn. Đó là Vịnh Guinea ở phía Tây châu Phi.
 
Do không thể bố trí tàu chiến trên toàn bộ các đại dương, vì thế cộng đồng thế giới cần phải thực hiện những biện pháp mới chống lại nạn cướp biển. Chuyên gia Nga về Luật Biển Anatoly Kuznetsov nói: “Khi chúng ta bắt giữ những tên cướp biển, thì nhất định phải đưa chúng đứng trước vành móng ngựa. Và ở đây có một vấn đề lớn. Nhiều lần các thủy thủ Nga đã bắt giữ những tên cướp biển và buộc phải để lại chúng trong thuyền vì không có quyền đưa chúng lên tàu. Tại sao như vậy? Vì vẫn không rõ phải xét xử chúng theo luật pháp quốc tế nào. Cộng đồng quốc tế cần có quy định rõ ràng về những gì sẽ xảy ra với hải tặc bị bắt quả tang: xét xử ở đâu và theo luật nào, ai sẽ giam giữ và dẫn độ những đối tượng này?”
 
Theo ý kiến của chuyên gia Kuznetsov, trong khi cộng đồng quốc tế chưa tìm được câu trả lời cho những câu hỏi này, có nguy cơ bọn cướp biển chỉ di chuyển từ địa bàn “béo bở” này sang địa bàn khác.
 


Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)