Uẩn khúc việc Nga bán Su-35 cho Trung Quốc

Google News

Việc Nga bán "siêu chiến đấu cơ" Su-35 cho Trung Quốc tới nay đã rõ như ban ngày, nhưng xung quanh vụ mua bán này vẫn tồn tại khá nhiều uẩn khúc.

 

"Siêu chiến đấu cơ" Su-35.

Vào trung tuần tháng 6/2013, trang tin của Đài Truyền thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn phát biểu của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xuất khẩu Vũ khí Nga (Rosoboronexport), ông Alexander Mikheyev, tiết lộ Nga và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán kỹ thuật về việc Nga bán Su-35 cho Trung Quốc. Thông tin này sau đó đã được tạp chí “Kanwa Defense Review” số tháng 7 xác nhận và cho biết thêm, Trung Quốc và Nga đang chuẩn bị hợp đồng chính thức cho việc mua bán Su-35 và tàu ngầm lớp Lada.

Tuy nhiên, một số nguồn tin là quan chức cấp cao của Nga cho biết việc đàm phán ký kết các hợp đồng nêu trên sẽ được chia ra nhiều hạng mục và sẽ không dễ dàng. Bởi bên dưới mỗi một hợp đồng mua bán vũ khí lớn còn có một số hợp đồng con mà việc ký kết nó thậm chí còn phải chia thành nhiều giai đoạn.

Qua tìm hiểu, tạp chí “Kanwa Defense Review” xác nhận việc cấp giấy phép xuất khẩu Su-35 đã vượt ra khỏi tầm của Tập đoàn chế tạo máy bay Sukhoi cũng như các cơ quan công nghiệp quân sự khác, là quyết định chính trị đến từ giới lãnh đạo tối cao của Nga. Hiện nay, dù Bắc Kinh và Moscow đã kí kết thỏa thuận cho phép xuất khẩu Su-35 sang Trung Quốc, nhưng trong giới công nghiệp quân sự và quân đội Nga vẫn tồn tại khá nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ. Không ít người thuộc giới truyền thông quân sự của Nga cũng nói với tạp chí “Kanwa Defense Review” rằng họ cảm thấy việc này rất kỳ lạ.

Đối với các nước xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ và Nhật Bản, tin Nga quyết định xuất khẩu Su-35 sang thị trường Trung Quốc đã khiến họ vô cùng kinh ngạc. Từ lâu Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm tới loại máy bay này của Nga. Tuy nhiên, trước đây, ở Nga xuất hiện quan ngại về việc Trung Quốc sẽ lại sao chép bất hợp pháp các công nghệ tân tiến của Su-35 như từng làm với các máy bay khác, cho nên, đàm phán liên quan không thu được kết quả.

Vậy tại sao Moscow lại thay đổi thái độ? Câu trả lời là ngoài yếu tố chính trị, quyết định của Moscow còn xuất phát từ khả năng Nga tiếp tục duy trì ưu thế về công nghệ quân sự dẫu Trung Quốc nhận được Su-35.

 

Máy bay chiến đầu tàng hình thế hệ 5 Su T-50 PAK-FA.

Nguồn tin độc quyền thuộc giới công nghiệp quân sự Nga tiết lộ với tạp chí “Kanwa Defense Review” rằng máy bay Su-35 xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ được lắp đặt động cơ 117S, vốn là phiên bản cải tiến của thế hệ động cơ AL31F. Trong khi đó, Nga đã sở hữu loại động cơ tốt hơn, thuộc thế hệ mới, hoàn toàn không giống với động cơ 117S.

Loại động cơ này sẽ được lắp đặt cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất, giúp chúng có thể bay với tốc độ siêu âm nhanh hơn và thời gian dài hơn. Đây là vấn đề hết sức quan trọng vì trong tác chiến, việc máy bay chiến đấu chỉ bay với tốc độ siêu âm trong khoảng thời gian ngắn sẽ không có ý nghĩa lớn. Ngoài ra, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Nga và Ấn Độ còn được trang bị hệ thống rađa hàng không mảng định pha chủ động (AESA) có tính năng vượt trội so với loại lắp đặt trên Su-35.

 

So với máy bay chiến đấu Su-30 MKI của Ấn Độ, hiệu năng tác chiến của Su-35 chỉ hơn khoảng 10%. 

Bên cạnh đó, so với máy bay chiến đấu Su-30 MKI, hiệu năng tác chiến của Su-35 chỉ hơn khoảng 10%. Hiện nay, Nga và Ấn Độ đang tiến hành hợp tác cải tạo công nghệ cho Su-30 MKI mà Moscow xuất khẩu sang New Delhi. Một khi công việc hoàn thành, khả năng tác chiến của Su-30 MKI sẽ không hề kém cạnh so với Su-35.

Đó là chưa nói tới việc Nga chỉ bán cho Trung Quốc 24 chiếc Su-35, nhưng quân đội Ấn Độ cuối cùng có thể được trang bị tới 270 chiếc Su-30 MKI. Rốt cuộc, việc bán Su-35 cho Trung Quốc với số lượng hạn chế khó trở thành lý do khiến một khách hàng đầy tiềm năng của ngành công nghiệp vũ khí Nga là Ấn Độ cảm thấy quan ngại.

 



Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)