Truyền thông Myanmar đưa tin, cảnh sát nổ súng vào đám đông tụ tập bên ngoài một đồn cảnh sát, yêu cầu thả những người bị bắt giữ.
Trên mạng xã hội, các nhà hoạt động kêu gọi người dân Myanmar tiếp tục xuống đường biểu tình phản đối chính biến để kỷ niệm ngày giỗ của một sinh viên bị cảnh sát bắn chết năm 1988 (13/3).
Cái chết của sinh viên này thời điểm đó làm dấy lên cuộc biểu tình rộng rãi chống chính quyền quân sự. Khoảng 3.000 người Myanmar thiệt mạng khi quân đội đàn áp người biểu tình tham gia chiến dịch này.
|
Biểu tình tiếp tục diễn ra ở nhiều khu vực tại Myanmar. (Ảnh: AA) |
Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nổi lên như một biểu tượng dân chủ suốt phong trào này và bị quản thúc tại gia trong hai thập kỷ. Bà được trả tự do năm 2008 sau khi quân đội cải cách dân chủ.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi quân đội nước này bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và một quan chức cấp cao khác hôm 1/2.
Sau cuộc đảo chính, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính nổ ra trên khắp Myanmar. Người biểu tình yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo được bầu cũng như những người khác bị chính quyền giam giữ. Chính quyền quân sự sử dụng các biện pháp mạnh tay, trấn áp người biểu tình. Đến nay, hơn 70 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị bắt giữ.
Chính quyền quân sự Myanmar cho biết đang hành động hết sức kiềm chế trong việc xử lý trước làn sóng biểu tình ở nước này. Họ gọi những người biểu tình là "những người biểu tình bạo động", cáo buộc tấn công cảnh sát và gây tổn hại đến an ninh và ổn định quốc gia.
Hôm 11/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án bạo lực chống lại người biểu tình và kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa các hành động bạo lực nhắm vào dân thường.