AFP dẫn lời các quan chức an ninh cho biết, tính đến hôm 12/3, 264 người đã chạy trốn từ Myanmar sang Ấn Độ kể từ khi cuộc binh biến diễn ra vào ngày 1/2, trong đó có 198 sĩ quan cảnh sát. Điểm đến cuộc di tản của những cảnh sát và người thân là bang Mizoram ở miền Đông Bắc Ấn Độ.
"Lý do để tôi chạy trốn từ Myanmar đến Ấn Độ là vì không muốn phục vụ trong quân đội. Hơn nữa, nếu tôi từ bỏ quân đội và tham gia cùng với mọi người, tôi tin rằng chúng ta có thể thắng trong cuộc chiến chống lại chính quyền quân sự", AFP dẫn lời một cảnh sát chạy trốn sang Ấn Độ cho hay.
|
Cảnh sát Myanmar và người thân đang chạy trốn sang Ấn Độ trước sự truy quét của chính quyền quân sự. (Ảnh: Reuters) |
Cũng theo viên cảnh sát này, các nhà chức trách trong chính quyền quân sự Myanmar đang tiến hành "đánh đập hoặc tra tấn người biểu tình theo ý muốn của họ”, cảnh sát bắt giữ rất nhiều người, thậm chí cả những người không tham gia biểu tình, chỉ đứng xem.
Theo nguồn tin của AFP, Ấn Độ đã chặn ít nhất 8 người Myanmar vượt biên sang nước này. Một trưởng làng ở Mizoram cho hay, hàng chục người khác đang chờ đợi để nhập cảnh vào Ấn Độ.
Sau cuộc đảo chính hôm 1/2, các cuộc biểu tình phản đối đảo chính nổ ra trên khắp Myanmar. Người biểu tình yêu cầu trả tự do cho các nhà lãnh đạo được bầu cũng như những người khác bị chính quyền giam giữ. Chính quyền quân sự đã sử dụng các biện pháp mạnh tay, trấn áp người biểu tình.
Liên hợp quốc cho biết, ít nhất 70 người đã thiệt mạng tại Myanmar trong các cuộc biểu tình phản đối quân đội tiến hành chính biến. Trong hôm 11/3, ít nhất 9 người biểu tình thiệt mạng ở quốc gia Đông Nam Á này.
Hôm 11/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án bạo lực chống lại người biểu tình và kêu gọi quân đội kiềm chế tối đa các hành động bạo lực nhắm vào dân thường.