Tào Tháo, một nhân vật lịch sử với nhiều huyền thoại thời kỳ Tam Quốc. Mặc dù đây là nhân vật lịch sử của Trung Quốc, nhưng hầu như người Việt Nam ai ai cũng biết tới cái tên “Tào Tháo”, nhất là qua tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung. Hơn 1790 năm sau khi Tào Tháo qua đời, tới nay mộ Tào Tháo ở đâu vẫn là bí ẩn.
Tào Tháo sinh năm 155 (không rõ ngày tháng) ở huyện Tiêu, nay là Hào Châu thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Tên chữ là Mạnh Đức. Ông là nhà quân sự, nhà chính trị, nhà thơ và là người lập ra nước Ngụy trong thời Tam Quốc. Ông đã đánh thắng được hai nước là Ngô của Tôn Quyền và Thục của Lưu Bị, ông là Thừa tướng của Đông Hán, sau đó lên làm vua của nước Ngụy.
|
Chân dung Tào Tháo.
|
Theo sử sách mô tả cũng như tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung thì Tào Tháo là người nham hiểm, xảo quyệt, thủ đoạn, hiếu sát, nên bị thiên hạ oán giận. Vì vậy, khi chết việc an táng là tuyệt mật để phòng ngừa hậu thế quật mồ mả lên trả thù. Bởi vậy, con cháu ông đã không tuân theo di chúc chôn ở Cao Lăng mà chôn ở rất nhiều nơi. Nhiều câu chuyện huyền thoại về cấu trúc mộ Tào Tháo cũng rất bí hiểm với sự bảo vệ cực kỳ tinh vi.
Kể từ khi Tào Tháo qua đời năm 220 tới nay đã 1793 năm, các nhà khảo cổ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố đã tìm được mộ Tào Tháo, nhưng chỉ là mộ giả. Câu hỏi “Mộ Tào Tháo” ở đâu vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải.
Tương truyền trước khi chết, Tào Tháo ra lệnh xây dựng tới 72 khu mộ của mình để đánh lừa hậu thế và được yên nghỉ ngàn thu. Khi đưa linh cữu ra ngoài cung thì cùng một lúc các cửa thành đều mở và đều có nhiều linh cữu đưa ra ngoài để đánh lừa thiên hạ. Bởi vậy, từ lâu nay trong dân gian Trung Quốc có nhiều tin đồn đại khác nhau về mộ Tào Tháo, như có tin “Mộ Tào Tháo” ở dưới đáy sông Chương, mộ ở Hào Châu tỉnh An Huy, mộ ở Hứa Xương tỉnh Hà Nam... Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tiến hành khai quật nhiều nơi, nhưng chỉ là mộ giả. Còn mộ thực ở đâu vẫn còn là bí ẩn.
|
Hình ảnh bên trong một lăng mộ được cho là của Tào Tháo.
|
Gần đây nhất vào năm 2009, có tin Sở khảo cổ tỉnh Hà Nam đã tìm thấy mộ thực của Tào Tháo, làm dư luận trong và ngoài nước rất xôn xao, hứng thú. Rất nhiều nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu lịch sử và các phóng viên trong và ngoài nước đều tề tựu tới Bắc Kinh ngày 27/12/2009 để nghe Sở khảo cổ tỉnh Hà Nam công bố về thông tin này.
Ngày 28/12/2009, tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở khảo cổ của tỉnh Hà Nam, Tôn Anh Dân cho biết từ thập kỷ 70 của thế kỷ 20 tới năm 2004 của thế kỷ 21, có một khu mộ ở phía nam Thôn Tây Cao Huyệt xã An Phong huyện An Dương, tỉnh Hà Nam được các nhà khảo cổ lưu ý.
Mốc đáng lưu ý nhất là năm 1998 khi ông Từ Ngọc Siêu, cư dân của thôn đào được tấm bia khắc “Ngụy Võ Đế Lăng” và bia khắc chữ “Đông Hán Mộ” thì các nhà khảo cổ hoài nghi đây chính là khu lăng mộ thực của Tào Tháo. Kể từ khi đó, có nhiều kẻ tới đào trộm để tìm kiếm vật báu chôn dưới khu mộ này, nhất là giữa năm 2008 khi công an bắt giữ và thu hồi những báu vật mà kẻ đào trộm lấy từ trong khu mộ. Qua những hiện vật này, các nhà khảo cổ phát hiện thấy nhiều bằng chứng có liên quan tới Tào Tháo. Bởi vậy, ngày 12/12/2008, Cục bảo tồn bảo tàng nhà nước phê chuẩn cho tiến hành khai quật khu mộ này. Đội khai quật gồm hơn 20 nhà khảo cổ do chuyên gia khảo cổ của tỉnh là Phan Vĩ Bân dẫn đầu. Chính quyền tỉnh cũng rất quan tâm lưu ý, nên đã đầu tư trên 6 triệu NDT cho công tác khai quật.
Ông Tôn Anh Dân cho biết: Sau một năm khai quật, đội khảo cổ đã phát hiện thấy một phần hài cốt của một nam hai nữ. Qua giám định, nam khoảng 60 tuổi và một người nữ khoảng từ 20-25 tuổi, người khác khoảng 50 tuổi. Ngoài ra, trong khu mộ phát hiện được trên 250 hiện vật chôn theo như mũ sắt, kiếm, kích, ngọc, ấn bằng đá. Đáng lưu ý là một số vũ khí mà khi sinh thời Tào Tháo hay dùng như “Hổ đại kích”, “Hổ Đại đao”, 58 phiến đá trong đó có 8 phiến khắc chữ “Ngụy Võ Vương” cũng được phát hiện.
Tôn Anh Dân đưa ra “6 bằng chứng” để khẳng định đây thực sự là “Mộ Tào Tháo”: Một là, quy mô khu lăng mộ to lớn với chiều dài tới 60 mét. Hai là, những vật chôn theo trong mộ liên quan tới Tào Tháo. Ba là, những tài liệu khai quật đều hoàn toàn trùng khớp với vị trí và ghi chép trong văn hiến. Bốn là, đồ vật mai táng phù hợp với di chúc của Tào Tháo. Năm là, nhiều phiến đá nhỏ khắc chữ “Ngụy Võ Vương”. Sáu là, hài cốt trong mộ xác định tuổi tương đương với Tào Tháo khi chết.
Cuối cùng, ông Tôn Anh Dân kết luận “Đây là mộ thực của Tào Tháo mà bao nhiêu năm qua Trung Quốc đang tìm kiếm.”
Nhưng ngay sau cuộc họp báo chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, các học giả và người dân Trung Quốc đều phản ứng dữ dội khi cho rằng “6 bằng chứng” do Sở khảo cổ tỉnh Hà Nam đưa ra đều không đủ sức thuyết phục và đây chưa phải là mộ thực của Tào Tháo.
Tờ Văn hóa cuối tuần ngày 31/12/2009 đăng phát biểu của một số học giả tỉnh An Huy cho rằng, những bằng chứng của Sở khảo cổ Hà Nam “đều không có sức thuyết phục”. Giáo sư Trần Lập Trụ, Phó giám đốc Viện nghiên cứu lịch sử thuộc Viện khoa học xã hội tỉnh An Huy nói: “Những ngọc ngà châu báu lấy từ mộ lên là một dấu hỏi lớn. Khi lâm chung, Tào Tháo có để lại “Di lệnh” là tang lễ đơn giản, không được đưa ngọc ngà châu báu chôn cất theo người. Khi khai quật có rất nhiều châu báu, đó là chưa kể một số đã bị đánh cắp trước đây.
Giáo sư Vương Hâm Nghĩa, Khoa lịch sử thuộc Đại học An Huy cho rằng, những vũ khí mà Ngụy Võ Vương thường dùng như “Hổ Đại Kích”, “Hổ Đại Đao” hay “Chùy đá” không phù hợp vì khi sinh thời Tào Tháo chủ yếu sử dụng kiếm chứ không phải thứ vũ khí như Sở khảo cổ Hà Nam nói.
Tiếp đó, ngày 5/1/2010, trong cuộc Hội thảo học thuật về “Mộ Tào Tháo” tổ chức ở thành phố Hợp Phì tỉnh An Huy với sự tham dự của các nhà khoa học và khảo cổ hàng đầu Trung Quốc, nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, công bố của Sở khảo cổ Hà Nam là “hấp tấp và chưa có bằng chứng xác thực. Vì vậy chưa thể kết luận đây là mộ thực của Tào Tháo.”
Ngày 6/1/2010, khi trả lời tờ Hàng Châu nhật báo, ông Mã Vị Đô, danh nhân văn hóa và là nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng Trung Quốc, đã tỏ ra hoài nghi về khu mộ trên và cho rằng những chứng cứ của Sở khảo cổ Hà Nam đưa ra còn khá sơ sài và mâu thuẫn nhau, như 8 trong số 58 phiến đá khắc chữ “Ngụy Võ Vương” không phải đào từ mộ ra mà thu hồi từ những kẻ ăn trộm đưa về. Hơn nữa 6 bằng chứng trên chưa hoàn toàn khách quan vì còn có hiện vật tập hợp từ nơi khác về.
Giáo sư Trương Tử Hiệp, Chủ nhiệm khoa lịch sử Đại học An Huy đưa ra “4 dấu hỏi lớn” đối với “Mộ Tào Tháo” của Sở khảo cổ Hà Nam:
Một là vị trí lăng mộ. Mặc dù trong dân gian lưu truyền nhiều tin về mộ Tào Tháo, nhưng đều có chung một điểm là khu mộ được xây dựng ở khu vực đồi núi. Bởi vì, khi cử hành lễ tang thì Tào Phi, con Tào Tháo có ghi rõ: “Linh cữu rời cung đình, đi tới Sơn Nga. Nga nghĩa là vùng núi”. Nhưng khu mộ này lại ở vùng đồng bằng.
Hai là, khu mộ này đơn độc chỉ có Tào Tháo. Sinh thời, Tào Tháo chủ trương sau khi mất đi thì các đại thần, tướng lĩnh trong triều có công đều được mai táng xung quanh mộ mình. Nhưng khu mộ này tuy quy mô lớn nhưng không có lăng mộ của đại thần hoặc tướng lĩnh nào khác xung quanh.
Ba là, những phiến đá có khắc chữ “Ngụy Võ Vương” rất đáng hoài nghi. Bởi vì, “Ngụy Võ Vương” được tên truy phong sau khi Tào Tháo mất và thi hài đã được chôn cất dưới mồ. Những phiến đá có khắc chữ này trong mộ là không đúng, hơn nữa những phiến đá này không phải lấy từ mộ ra mà thu hồi từ những kẻ trộm cắp, nên càng đáng hoài nghi.
Bốn là, trong mộ không có ấn tín, tức con dấu. Bởi vì đây là bằng chứng chỉ rõ thân phận của người trong mộ. Tất cả mộ vua chúa đều có, nhưng mộ này không có.
Dư luận đều đặt câu hỏi: “Vì sao Sở văn hóa Hà Nam lại tới Bắc Kinh đưa thông tin mộ thực Tào Tháo với những bằng chứng không chắc chắn như vậy?”. Nhiều người cho rằng, có thể đây là mục đích kinh doanh, thương mại hóa khảo cổ. Thời gian qua ngành du lịch ở Trung Quốc rất phát triển, nhất là ở những điểm có di tích lịch sử và có mộ phần của các danh nhân. Vì vậy, có thể đây là kiểu “câu khách” của tỉnh Hà Nam.
Ngày 6/1/2010, ông Lý Kính Trạch, nhà bình luận văn học nổi tiếng kiêm chủ bút tạp chí Văn học nhân dân chia sẻ trên tờ Dương Tử vãn báo: “Tôi cho rằng đây là mộ giả và không loại trừ họ muốn lợi dụng Tào Tháo để làm kinh tế cho địa phương”. Phóng viên tờ Tân Hoa tiêu điểm ngày 6/1/2010 thậm chí tiết lộ “tin mật hậu trường”: nếu được thừa nhận là mộ Tào Tháo thì Sở khảo cổ Hà Nam sẽ được đầu tư trên 400 triệu NDT để xây dựng khu du tích mộ Tào Tháo, một nơi rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Những thông tin này càng khiến dư luận hoài nghi việc tỉnh Hà Nam công bố đã tìm thấy mộ Tào Tháo là nhằm mục đích thương mại.
Cơn sóng gió về “mộ giả - mộ thật” của Tào Tháo dấy lên một thời rồi lắng xuống, duy chỉ có điều mộ thật của gian hùng thời Tam Quốc ở đâu, vẫn còn là bí ẩn.