Gia tộc họ Bạc – Phận đâu phận bạc như vôi!

Google News

(Kiến Thức) - Lật lại lịch sử gia tộc Bạc Hy Lai, mới thấy: “Gia tộc họ Bạc – phận bạc như vôi”, vì có tới ba người từng bị đưa ra tòa xét xử.

Vụ án xét xử Bạc Hy Lai - nguyên Ủy viên Bộ chính trị Khóa 17, Bí thư thành ủy Trùng Khánh - về tội tham nhũng đang là sự kiện nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài nước Trung Quốc. Ngược dòng lịch sử, lật giở tư liệu về các thành viên trong gia tộc họ Bạc, có thể thấy, gia tộc này thực xấu số, vì có tới ba người bị đưa ra tòa xét xử.
Theo bài viết trên Thế giới thương báo Trung Quốc ngày 23/8/2013, Bạc Nhất Ba (mất năm 2007) là cha của Bạc Hy Lai, một nguyên lão “lập quốc công thần”, từng tham gia cách mạng cùng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Ngay sau ngày thành lập nước năm 1949, ông trở thành Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Trung Quốc, là Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế nhà nước, kiêm Phó Thủ tướng. Nhưng trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa thập kỷ 60 của thế kỷ 20, ông bị liệt vào danh sách “ Tập đoàn 61 tên phản đảng” và bị kêu án 12 năm tù giam.
Gia đình Bạc Nhất Ba năm 1960.
Sau khi “Tứ nhân bang” (tức “Bè lũ bốn tên”, gồm: Giang Thanh - vợ Mao Trạch Đông, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn) bị lật đổ, ông được sửa sai và làm tới chức Phó Chủ tịch Ủy ban cố vấn trung ương, cánh tay phải của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.
Bà Hồ Minh – vợ ông Bạc Nhất Ba và là mẹ của Bạc Hy Lai cũng từng bị đấu tố và giam cầm đầy ải tới chết trong nhà giam trong thời kỳ Cách mạng văn hóa.
Bạc Hy Vĩnh và Bạc Hy Thành – hai người anh em của Bạc Hy Lai cũng từng bị tống giam trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, khiến gia đình tan nát, mỗi người một nơi.
Cũng theo báo này, trong số ba anh em trai, Bạc Hy Lai là người ít năng động nhất, tính tình trầm tư, sống nặng nội tâm. Nhưng cuộc đời của ông cũng lắm phen “lên thác xuống ghềnh”. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, khi mới 17 tuổi, Bạc Hy Lai đã bị Giang Thanh và “Lũ bốn tên” bắt giam và kêu án 5 năm tù về tội “tàng trữ văn kiện bí mật”. Tờ báo cho biết, “văn kiện bí mật” ở đây chủ yếu là về thân thế và quá trình hoạt động cách mạng của cha ông. Mãi tới năm 1981, khi Giang Thanh bị kết án tử hình, hoãn thi hành hai năm, thì Bạc Hy Lai mới được minh oan.
Đường tình duyên của Bạc Hy Lai cũng “ba chìm bảy nổi” và lắm nỗi oan nghiệt. Ông kết hôn với người vợ đầu tiên là Lý Đan Vũ. Bà này là con gái ông Lý Tuyết Phong, nguyên Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Là con em của cán bộ cấp cao, nên Lý Đan Vũ cũng từng phải đi cải tạo lao động ở nông thôn. Cùng cảnh ngộ buổi hàn vi, hai người quen nhau và nên vợ nên chồng.
Tuy nhiên, tính cách của Lý Đan Vũ khá sắc sảo, đanh đá chua ngoa và có nhiều điểm khác biệt so với tính tình của Bạc Hy Lai. Dù có với nhau một người con trai (tên là Lý Vọng Tri), nhưng Bạc Hy Lai vẫn cảm thấy không thể tiếp tục chung sống với Lý Đan Vũ nên đã làm đơn xin ly hôn. Bà Lý không chấp nhận và đã kiện Bạc Hy Lai tới tận trung ương Đảng và Hội liên hiệp phụ nữ, khiến ông ta nhiều phen “mất mặt”. Cũng vì việc ấy, Lý Đan Vũ bị công chúng và cán bộ lên án gay gắt. Sau 4 năm nhùng nhằng, Bạc Hy Lai mới được tòa án xử cho ly hôn và cho phép Lý Đan Vũ nuôi con.
Hôn nhân thất bại với Lý Đan Vũ đã ảnh hưởng ít nhiều tới sự nghiệp của Bạc Hy Lai. Nhạc phụ của ông là Lý Tuyết Phong khi đó “rất thù con rể” và thề “nếu còn sống sẽ quyết không cho về Bắc Kinh công tác”. Trên thực tế, ông Lý thọ tới 97 tuổi và từng gây khó dễ cho Bạc Hy Lai. Kể từ năm 1984 khi công tác ở Liêu Ninh, Bạc Hy Lai rất có uy tín. Trung ương muốn điều ông ta về Bắc Kinh để giao trọng trách, nhưng lại bị Lý Tuyết Phong ngăn cản. Mãi tới năm 2004, khi bố vợ qua đời, Bạc Hy Lai mới được điều về Bắc Kinh giữ chức Bộ trưởng thương mại và trở thành Ủy viên Bộ chính trị Khóa 17 ĐCS Trung Quốc và năm 2007 giữ chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Trong thời gian học tại Đại học Bắc Kinh, Bạc Hy Lai đã tiếp xúc, gần gũi với Cốc Khai Lai, là con gái của ông Cốc Cảnh Sinh, vị cán bộ thuộc hàng “công thần dựng nước” trong quân đội Trung Quốc. Khi Trung Quốc thực hiện chế độ quân hàm, ông được phong hàm Thiếu tướng, giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị. Hai gia đình lại có mối quan hệ quen biết từ lâu, nên Bạc Hy Lai cho rằng, bà Cốc thực sự là người tâm đầu ý hợp với mình. Vậy là sau cuộc hôn nhân đầu tiên thất bại, Bạc Hy Lai đã quyết định xây dựng tổ ấm mới với Cốc Khai Lai.
Nhưng trớ trêu thay, người vợ này của Bạc Hy Lai lại vướng vòng lao lý. Theo mạng tin Pháp chế Trung Quốc ngày 10/1/2013, Ban kiểm tra kỉ luật trung ương Đảng cùng Viện kiểm sát tối cao Trung Quốc ra thông báo: “Vụ án nghiêm trọng Bạc Hy Lai và đồng bọn là Lưu Chí Quân, Hoàng Thắng, Điền Học Nhân đã đưa sang cơ quan tư pháp tiến hành xét xử thời gian tới.” Sau thời gian 6 tháng, ngày 22/8/2013, Bạc Hy Lai đã bị Tòa án thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông xét xử.
Trước đó, ngày 20/8/2012, Tòa án thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy đã mở phiên tòa xét xử, tuyên án tử hình hoãn thi hành án hai năm đối với Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai về tội tham nhũng, lộng quyền, cố ý bức hại doanh nhân nước ngoài.
Như vậy, trong gia tộc họ Bạc, có tới 3 người bị đưa ra xét xử trong các thời kỳ khác nhau, trong đó chưa kể đến mẹ và anh em của Bạc Hy Lai cũng từng bị giam cầm trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa. Riêng Bạc Hy Lai có tới hai lần bị đưa ra tòa xét xử.
Bạc Hy Lai chính là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy xấu số thứ ba bị đưa ra xét xử trong 20 năm qua sau khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa.
Người thứ nhất “ngã ngựa” là Trần Hy Đồng, nguyên Bí thư thành ủy Bắc Kinh. Từ năm 1982 liên tục là Ủy viên trung ương Đảng khóa 12, Khóa 13, tiếp đó là Ủy viên Bộ chính trị Khóa 14. Năm 1983, ông kiêm nhiệm chức Thị trưởng Thủ đô Bắc Kinh. Tháng 9/1995 bị Tòa án thành phố Bắc Kinh kết án 16 năm tù giam về tội tham nhũng và ăn chơi xa đọa, trụy lạc.
Tiếp đó là Trần Lương Vũ, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Khóa 16 kiêm Bí thư thành ủy Thượng Hải - một thành phố lớn nhất Trung Quốc với dân số 23 triệu người, GDP năm 2007 tới gần trên 220 tỉ USD, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị ở Trung Quốc. Ngày 11/4/2008, Trần Lương Vũ bị Tòa án thành phố Thiên Tân kết án 18 năm tù giam về tội tham nhũng và tội hoạt động bè phái, chia rẽ nội bộ Đảng, chiếm cứ một vùng chống lại trung ương, làm uy tín và khối đoàn kết của Đảng bị giảm sút.
Theo nhận định của báo chí Trung Quốc, so với hai Bí thư thành ủy trên, với những tội danh “Nhận hối lộ, Tham ô và Lạm dụng chức quyền”, chính trị gia thất thế Bạc Hy Lai có thể phải lãnh mức án từ 10 – 15 năm tù giam, thậm chí là 15 – 20 năm tù giam.
Kiều Tỉnh

Bình luận(0)