Sự thật về tên gọi của anh hùng Nguyễn Trung Trực

Google News

(Kiến Thức) - Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, một người xuất thân từ giới dân chài, áo vải...

Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, một người xuất thân từ giới dân chài, áo vải vậy mà đã trở thành một vị anh hùng đúng với nghĩa: "Sống làm tướng và chết làm thần và anh khí như hồng, nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bẩy sắc".
Có tên Trung Trực vì tính tình ngay thật
Nguyễn Trung Trực (1837 - 1868), thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Bộ (1861 - 1868); ông quê ở Phủ Tân An, tỉnh Gia Định; sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi 1859 đổi là Lịch, nên còn được gọi là Năm Lịch và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, ông được thầy dạy học đặt tên hiệu là Trung Trực.
Nguyên quán gốc, Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định, nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát. 
Do hải quân của thực dân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung Bộ, gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cựu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới tại vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ. Không rõ năm nào lại, gia đình ông dời lần nữa xuống làng Tân Thuận, tổng An Xuyên (nay là xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau).
Ông là con trưởng trong một gia đình có 8 người con. Lúc nhỏ rất hiếu động, thích học võ nên khi lớn, ông là người có thể lực khoẻ mạnh, giỏi võ nghệ và là người can đảm, mưu lược.
Su that ve ten goi cua anh hung Nguyen Trung Truc
Nguyễn Trung Trực.  
Chủ động đánh địch
Ngày 17/2/1859, quân Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định. Vốn xuất thân là dân làng chài, nằm trong hệ thống lính đồn điền của kinh lược Nguyễn Tri Phương, nên ông đã sốt sắng đi theo và còn chiêu mộ được một số nông dân vào lính, chiến đấu giữ Đại đồn Chí Hoà dưới quyền chỉ huy của Trương Định (1821 - 1864).
Sau khi Đại đồn Chí Hoà thất thủ ngày 25/2/1861, Nguyễn Trung Trực về Tân An, chỉ huy nghĩa quân chống thực dân Pháp ở vùng này. Đến ngày 12/4/1861, thành Định Tường thất thủ, quân Pháp kiểm soát Mỹ Tho, dựa vào ưu thế về lực lượng thủy quân, Pháp đưa nhiều tàu chiến án ngữ các dòng sông, ban ngày xuôi ngược tuần tra, ban đêm thả neo giữa dòng canh giữ; trong đó có tiểu hạm Expêrăngxơ (Espérance) - (Hy vọng) do viên trung uý Pacphe (Parfait) chỉ huy thường neo đậu ở vàm Nhật Tảo trên sông Vàm Cỏ Đông. 
Được sự giúp đỡ của nhân dân và các thân sĩ yêu nước Hồ Quang Minh, Hồ Quang Chiêu, sau khi điều tra nắm chắc tình hình, trưa ngày 10/12/1861, sau khi dùng kế nghi binh kéo một số lính địch rời tàu lên bờ, Nguyễn Trung Trực cùng hai sung phó quản binh đạo là Võ Văn Quang và Hoàng Khắc Nhượng chỉ huy 59 nghĩa quân đi trên 5 chiếc thuyền, giả làm thuyền buôn (cũng có ý kiến giả là đám cưới), áp sát tàu Expêrăngxơ để xin giấy thông thành rồi bất thần nhảy lên chiếm tàu, dùng vũ khí thô sơ diệt 37 tên địch, trong đó có 17 lính Pháp, sau đó nổi lửa đốt cháy tàu; bên ta 4 nghĩa quân hy sinh.
Viên trung uý chỉ huy tầu là Parfait không có mặt trên tàu nên thoát chết, nhưng sau đó, hay tin dữ đã dẫn quân tiếp viện đến đốt cháy nhiều nhà cửa trong làng Nhật Tảo để trả thù, đồng thời liên tiếp cho quân trên sông, trên bộ tiến công ta.
Lần đầu tiên kể từ khi thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, nghĩa quân ta đã chủ động đánh địch bằng vũ khí thô sơ, đốt cháy và diệt được tàu chiến Pháp. Kinh nghiệm đánh địch mưu trí, dũng cảm trong trận Nhật Tảo được truyền bá cho nghĩa quân chống thực dân Pháp nhiều nơi áp dụng. Với chiến thắng này, Nguyễn Trung Trực được triều đình Huế phong chức Quyền sung Quản đạo nên còn được gọi là quản Chơn hay quản Lịch. 
(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu

Bình luận(0)