Một người khác tự giới thiệu là hậu duệ của Nguyễn Công Trứ lại có văn bản gửi tỉnh Kiên Giang đưa ra giả thiết Nguyễn Trung Trực là con của Nguyễn Công Trứ.
Về thân thế Nguyễn Trung Trực, trước đây chỉ ghi nhận là sinh ra dưới thời Minh Mạng, thuở nhỏ ông có tên là Chơn. Từ năm Kỷ Mùi (1859) đổi là Lịch (Nguyễn Văn Lịch), và cũng từ tên Chơn ấy cộng với tính tình ngay thật, nên ông được thầy dạy học đặt thêm tên hiệu là Trung Trực
Chi tộc ở Long An đã xác định được mồ mả
Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định (ngày nay là thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát). Gia đình ông phải phiêu bạt vào Nam, định cư ở xóm Nghề (một xóm trước đây chuyên nghề chài lưới), làng Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) và sinh sống bằng nghề chài lưới.
|
Mộ Nguyễn Trung Trực.
|
Chị gái là bà Nguyễn Thị Đạt, có chồng họ Đào định cư tại vùng này, có hai người con là Đào Thị Xuân và Đào Văn Tế. Các thế hệ con cháu bà Đạt giờ vẫn còn ở Bình Đức, Long An và rải rác một số nơi. Có thể nói đây là chi tộc khả dĩ xác định được qua gia phả và mồ mả phù hợp với các dữ liệu lịch sử khác.
Chi tộc thứ hai được xem là hậu duệ Nguyễn Trung Trực là chi tộc ở Cái Bè mà ông Nguyễn Khương Ninh là đại diện. Theo truyền ngôn của đời trước và gia phả thì đây là chi tộc của ông Nguyễn Trung Trụ, em của Nguyễn Trung Trực. Cũng theo lời truyền ngôn thì Nguyễn Trung Trực có ba anh em, một người tên Nguyễn Trung Can ở lại Bình Định, còn hai anh em Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Trung Trụ cùng mẹ vào Nam lập nghiệp.
Sau trận đốt tàu Esperance, bị khủng bố, ông Trụ đã tản cư về lập nghiệp ở Cái Bè, Tiền Giang và tiếp tục truyền thống gia đình làm nghề chài lưới, mở ra tại đây một xóm lưới truyền đến bốn đời. Chi tộc này cũng có nhiều người giỏi võ.
Một sự kiện đặc biệt ghi dấu ấn của truyền thống này là vào thập niên 1940, trong một trận đấu võ đài ở địa phương, ông Nguyễn Trung Trị (cháu gọi cụ Nguyễn Trung Trực bằng ông Cố) đã thắng tuyệt đối võ sư nổi tiếng Hồ Liêu Điêu bằng đòn sát thủ, đối phương tử vong ngay tại võ đài. (Theo luật lệ đấu võ thời đó, chuyện sống, chết khi thi đấu là bình thường). Trận đấu này tạo ra tiếng vang lớn cho truyền thống họ Nguyễn ở Cái Bè.
Phát hiện và được công nhận chỉ qua lời kể
Tháng 10.1988, trong Hội thảo khoa học về thân thế và sự nghiệp Anh hùng Nguyễn Trung Trực, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang thời đó) và ông Dương Văn Cầu (cán bộ lịch sử tỉnh Kiên Giang) có bài tham luận: Thêm một phát hiện về thân thế Anh hùng Nguyễn Trung Trực, giới thiệu một chi hậu duệ khác của cụ Nguyễn ở Tân Thuận, Đầm Dơi, Minh Hải (Cà Mau).
Theo tông chi Tân Thuận (Minh Hải): Nguyễn Trung Trực là anh cả của tám anh em. Hiện tại Cà Mau có sáu ngôi mộ, chỉ thiếu mộ Nguyễn Trung Trực và người thứ sáu. Chi tộc này cho rằng, người thứ sáu bị thất lạc ở Long An là bà Nguyễn Thị Đạt. Cũng theo chi tộc này thì cha Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Phụng (Thăng). Theo thông tin gia phả của chi tộc này thì trong các anh em không có ông Nguyễn Trung Trụ; và cũng không giải thích được vì sao cả gia đình rút về Cà Mau, chỉ bỏ lại bà Đạt ở Long An.
Ông Nguyễn Khương Ninh không chấp nhận giả thiết này, năm 1990 đã làm tờ trình gửi chính quyền địa phương và Sở Văn hóa Thông tin (VHTT) tỉnh Kiên Giang nghị cho đi xác minh để làm sáng tỏ.
|
Đề nghị xác minh lại thông tin về Nguyễn Trung Trực. |
Năm 1991, ông Mạc Liêm - Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Kiên Giang cử ông Phạm Đăng Giới (cán bộ bảo tàng) đi xác minh. Qua sự xác minh này, ông Phạm Đăng Giới có làm văn bản báo cáo cụ thể gửi Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Kiên Giang với kết luận: “Qua một số tư liệu (mộ, nhân vật) bước đầu khẳng định dòng họ Bến Lức - Long An và dòng họ Cái Bè - Tiền Giang có thể là một, cụ Nguyễn Trung Trực là người thuộc dòng họ của hai chi này.
Còn dòng họ Tân Thuận, Đầm Dơi, Minh Hải (Cà Mau) chưa đủ cơ sở khoa học để chứng minh cụ Nguyễn Trung Trực thuộc dòng họ này. Để đảm bảo tính trung thực của lịch sử, đề nghị Sở VHTT và Bảo tàng tỉnh Kiên Giang xem xét để chấn chỉnh, sửa sai.”
Một trong những điển hình rõ nhất về sự không trùng khớp của chi nhánh Tân Thuận so với chi nhánh gốc ở Bến Lức, Long An là năm sinh của người được cho là em thứ sáu của Nguyễn Trung Trực (bà Nguyễn Thị Đạt) ở Tân Thuận cùng với năm sinh của bà Đào Thị Xuân con gái của bà Nguyễn Thị Đạt ở Bình Nhật.
Có kiến nghị vẫn tiếp tục công nhận, xây mồ
Năm 2000, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu (Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Kiên Giang) chỉ đạo cho bà Nguyễn Thị Mai Lan (Trưởng phòng Quản lý di tích lịch sử tỉnh Kiên Giang) đến tỉnh Cà Mau xác minh để xây mộ cho thân phụ và thân mẫu của cụ Nguyễn Trung Trực. Và bà Thu còn đề xuất Ban bảo vệ di tích đình Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang phải xuất chi 20.000.000đ để đem xuống Cà Mau cho dòng họ này xây dựng nhà mồ.
Việc công nhận và tôn vinh này có phần vội vã vì ngoài lời kể của những người trong chi tộc này và sự ghi chép, công bố của bà Thu thì không có một căn cứ lịch sử, thực tế nào để đối chiếu, phối kiểm. Ông Dương Văn Cầu, là người cùng bà Nguyễn Thị Mỹ Thu thực hiện gia phả ở Cà Mau năm 1988, đã thú thật rằng, trong thời gian chiến tranh chống giặc Mỹ trước đây, bà Nguyễn Thị Mỹ Thu đi kháng chiến ở vùng Đầm Dơi, Minh Hải đã được dòng họ này bảo bọc, nên sau hòa bình bà Mỹ Thu muốn đền ơn đáp nghĩa, mới chỉ đạo cho ông Dương Văn Cầu “lăng xê” dòng họ này lên. Sự việc này ông Cầu đã ký tên trong bảng diễn chứng các tông tri do ông Nguyễn Khương Ninh thực hiện.
Nhà nghiên cứu Trương Thanh Hùng cung cấp thêm một giả thiết khác là Nguyễn Trung Trực là con của nhà nho Nguyễn Công Trứ.
Ông Hùng đã viết một cách dè dặt như sau: “Năm 1990, chúng tôi có nhận được một bức thư của ông Nguyễn Công Trí ở tỉnh Thái Bình, dòng họ của cụ Nguyễn Công Trứ lại cho rằng trong gia phả có nói Nguyễn Công Trứ có người con là Nguyễn Trung Trực, khi ông được triều đình phân công vào tỉnh An Giang, Hà Tiên có mang Nguyễn Trung Trực theo, và khi về thì Nguyễn Trung Trực còn ở lại miền Nam. Sự thật thế nào thì chúng ta cần phải sưu tầm, nghiên cứu cho chính xác chứ đừng vội kết luận chỉ theo một nguồn tư liệu vì chắc gì nguồn tư liệu mà chúng ta căn cứ là chính xác nhất.”