Người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ là ai?

Google News

(Kiến Thức) - Theo các tư liệu mới xác định, người Việt Nam đầu tiên sang Mỹ là ông Trần Trọng Khiêm, với đầy ắp những thăng trầm nơi đất khách và ý chí kiên cường khi về nước khai hoang lập ấp...

Bỏ quê trốn đi biệt tích
Các nguồn sách báo xưa nói tới người Việt Nam đầu tiên đi sang Mỹ là ông Bùi Viện (1841 - 1878). Ông là một nhà ngoại giao, làm quan dưới triều Nguyễn. Bùi Viện quê ở làng Trình Phố, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đến Mỹ năm 1873, được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ tiếp và hứa sẽ hợp tác nếu có quốc thư. Lần thứ hai, ông Bùi Viện trở lại Mỹ với bức thư của vua Tự Đức, bị Tổng thống Mỹ Ulysses Grant từ chối nên cuộc bang giao không thành. 
Nhưng năm 1998, ông Mai Thanh Hải tìm thấy một số tư liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia 2 TPHCM và một số tài liệu khác được biết trước ông Bùi Viện đó có một người Việt Nam sang Mỹ rồi. Đó là ông Trần Trọng Khiêm (còn có tên khác là Lê Kim), người làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vị, phủ Lâm Thao (nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ).
Ông Trần Trọng Khiêm sinh năm 1821 trong một gia đình nho học thuộc vùng quê có truyền thống hiếu học và yêu nước. Thuở nhỏ ông Khiêm cùng học với người anh là Trần Mạnh Trí. Cả hai anh em đều học giỏi, hay chữ. Người anh đi thi, phạm húy, suýt bị tội, ông Khiêm ngán ngẩm con đường khoa cử, bỏ đi buôn gỗ, giao thiệp và quen thân nhiều người dọc sông Thao, sông Cái (sông Hồng), từ Yên Bái qua Bạch Hạc, Việt Trì xuống đến phố Hiến (Hưng Yên). 
Năm 20 tuổi ông Khiêm lấy vợ người họ Lê cùng làng. Do điều kiện buôn bán nên ông thường vắng nhà, tên cai tổng trong làng luôn tìm cách quyến rũ vợ ông. Một sớm bà đi chợ, tên cai tổng cho lính bắt cóc đưa về nhà cưỡng hiếp. Bà không chịu, chống cự lại nên bị cai tổng đánh chết và vứt xác mất tích. Khi ông Khiêm về nhà nghe chuyện liền cầm dao giết chết tên cai tổng để trả thù cho vợ. Xong ông bỏ quê quán trốn đi biệt tích.
 Ảnh minh họa.
Thăng trầm nơi đất khách
Ông xuống phố Hiến rồi theo các tàu buôn của nước ngoài. Ông làm thủy thủ trên tuyến đường biển từ Hương Cảng (Hồng Kông), Hoàng Tân (Yokohama -  Nhật Bản), London (Anh), Amsterdam (Hà Lan)... Trần Trọng Khiêm nói thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Anh. Khoảng năm 1847 - 1848, Trần Trọng Khiêm tới Mỹ, bỏ tàu lên bờ tìm cách sinh sống lâu dài. 
Khoảng năm 1854 - 1855, Trần Trọng Khiêm rời Mỹ, tìm cách quay về quê hương và như vậy, ông Khiêm đã sống và làm nhiều nghề trên đất Mỹ trong khoảng 7 - 8 năm. Suốt thời gian trốn chạy giữa năm 1843, làm nghề thủy thủ đường biển và trên đất Mỹ, ông Khiêm đều khai tên tuổi theo họ vợ là họ Lê và tên là Kim gần gũi với cách phát âm tên Khiêm - còn giấy tờ ghi theo lối Mỹ là Lee Kim.
Vào những năm đầu khi ông Trần Trọng Khiêm tới Mỹ, đất nước này đang mở chiến tranh 1846 - 1848 với Mehicô ở phía Nam, Mỹ thắng trận, chiếm được một vùng đất bao la của Mehicô. Ông Khiêm cùng nhiều người Hoa kéo lên bờ biển phía Tây nước Mỹ, nơi phần đất mới chiếm được của Mehicô, liên tiếp tai nạn núi lửa và động đất, đầy rẫy thú dữ trên núi, trong rừng, nhưng nguy hiểm hơn cả, vùng này không có nô lệ da đen và cũng rất ít người bản địa da đỏ, thực dân da trắng coi dân da vàng là nguồn nhân công chủ yếu đẩy vào làm các việc nguy hiểm nhất khai phá rừng rậm hoang vu... 
Trần Trọng Khiêm cảm thấy cái chết rình rập ngày đêm, nên cùng một số người Quảng Đông bỏ trốn lên phía Bắc, chen chúc vào đám người đi đào vàng, tìm vận may. Sốt rét và rắn độc là hai kẻ thù đáng sợ nhất của dân đào vàng thời đó. Ông Khiêm trở về California, nhờ trí thông minh của mình, ông tự rèn luyện thành một nhà báo tự do và sau đó trở thành một bình bút thường trực của báo hằng ngày Daily Evening, với đề tài chủ yếu là cuộc sống khủng khiếp của nô lệ và kẻ đi làm thuê ở nước Mỹ. 
(còn nữa)
Chí Đức

Bình luận(0)