Vua Hàm Nghi: Luôn giữ gìn bản sắc Việt ở đất khách

Google News

Trải qua 10 năm trên đất Algie, vua Hàm Nghi vẫn luôn nói tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt.

- Toàn quyền Đông Dương Paul Bert dự định lập Hàm Nghi làm vua bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình; vua anh Đồng Khánh và ba bà thái hậu liên tục gửi thư kêu gọi Hàm Nghi trở về, nhưng ông khẳng khái từ chối "Nhà vua thường nói mình ưa chết trong rừng hơn là trở về làm vua ma ở trong vòng cương tỏa của Pháp".
[links()]
Đám cưới Vua Hàm Nghi (ảnh tư liệu).
Đám cưới Vua Hàm Nghi (ảnh tư liệu).

Tháng 9/1888, suất đội Nguyễn Đình Tình đầu thú với thực dân Pháp và dụ được Trương Quang Ngọc về đầu thú. Sau đó, Nguyễn Đình Tình và Trương Quang Ngọc đưa quân Pháp đi vây bắt vua Hàm Nghi. Đêm 30/10/1888, vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Tiệp con Tôn Thất Thuyết bị bọn nghịch tặc giết chết. Vua Hàm Nghi chỉ vào mặt Trương Quang Ngọc mắng rằng: "Lãnh Ngọc, người hãy giết ta bằng lưỡi gươm này, chớ đừng bắt ta nộp cho Phú Lãng Sa!".

Chiều ngày 14/11/1888, khi Quang Ngọc đưa vua Hàm Nghi về tới Thuận Bài, quân Pháp đã tổ chức đón vua rất long trọng, nhưng Hàm Nghi khước từ và không nhận mình là Hàm Nghi. Bọn Pháp đã dùng nhiều kế để Hàm Nghi phải tự nhận mình, nhưng nhà vua vẫn giả như không hay biết gì với những người xung quanh. Khi bọn Pháp đưa thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến nhận, thì nhà vua vô tình đứng dậy vái chào thầy. Lúc đó bọn Pháp yên trí đấy chính là vua Hàm Nghi thật.

Khi được tin người Pháp đã bắt được vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh sai quan lại Thừa Thiên và Bộ binh ra đón để đưa về Huế. Nhưng người Pháp không cho đưa về Huế mà đày Hàm Nghi sang xứ Angieri ở Bắc Phi. Trước khi đưa Hàm Nghi đi đày, Rheinart báo với ông là Thái hậu đang ốm nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ rước về cho gặp mặt. Nhưng vua Hàm Nghi đã từ chối và nói: "Tôi thân đã tù, nước đã mất còn dám nghĩ gì đến cha mẹ anh em nữa". Ngày 13/12/1888, vua Hàm Nghi được đưa xuống tàu, sau một tháng trời lênh đênh trên biển, ngày 13/1/1889 tàu cấp bến Alger - Thủ đô Algieri.

Trải qua 10 năm trên đất Algie, vua Hàm Nghi đã tiếp xúc với người Pháp và người bản xứ bằng tiếng Pháp thông thạo, tuy nhiên ông vẫn luôn nói tiếng Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt. Một lần có người ca ngợi nước Pháp giàu đẹp, vua Hàm Nghi đáp "lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi, nhưng lịch sử của nước tôi cũng hấp dẫn tôi không kém". Nhiều quan chức cao cấp của Pháp rất tôn trọng tinh thần yêu nước và phong cách sống phương Đông của ông.

Năm 1904, vua Hàm Nghi đính hôn với cô Marcelle Laloe, con gái của ông Laloe - chánh án tòa thượng thẩm Alger. Hai ông bà có với nhau 3 người con (2 gái, 1 trai). Ngày 14/1/1944, vua Hàm Nghi qua đời, hưởng thọ 73 tuổi. Năm 1965, gia đình ông chuyển qua sinh sống tại lâu đài de Losse thuộc làng Thonas tỉnh Dondogne (miền Tây nước Pháp) do công chúa, thạc sĩ nông học Như Mai tạo lập từ nhiều thập niên trước và hài cốt của vua Hàm Nghi được đưa về đây.
Dương Tuấn

Bình luận(0)