Từ khi lấy vợ, chưa năm nào hai vợ chồng cháu ăn Tết ở nhà riêng, mà đều về quê đón xuân cùng chúng tôi. Tuy nhiên năm nay, con trai tôi nói sẽ ở lại thành phố ăn Tết, nói là cũng cần có mối quan hệ, giao lưu bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp...
Hai con tôi đều đã lập gia đình, con gái lấy chồng gần nhà, còn con trai thì ở xa, cách chúng tôi hơn trăm cây số. Từ khi lấy vợ, chưa năm nào hai vợ chồng cháu ăn Tết ở nhà riêng, mà đều về quê đón xuân cùng chúng tôi. Tuy nhiên năm nay, con trai tôi nói sẽ ở lại thành phố ăn Tết, nói là cũng cần có mối quan hệ, giao lưu bạn bè, làng xóm, đồng nghiệp...
Tôi cảm thấy rất buồn, nghĩ đó chỉ là lý do thôi. Vì cả năm các con tôi ở trên đó rồi, đâu phải chỉ mấy ngày Tết mới giao lưu được. Tôi đoán do con dâu tôi thấy về quê phải làm nhiều việc, họ hàng nhiều thủ tục (năm nào cháu cũng kêu với tôi như vậy) nên đã xui con trai tôi trốn về ăn Tết với nhà chồng. Tôi không biết có nên ép các cháu bằng giá nào cũng phải về không. Chứ được một năm dễ dãi, sẽ làm tiền lệ xấu cho các năm khác - Nguyễn Như Quỳnh (Thái Bình).
|
Ảnh minh họa. |
Bác Quỳnh kính mến, tâm lý của người làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn Tết được gặp mặt đầy đủ con cái, cả nhà đoàn viên. Tuy nhiên, cái nhìn về Tết giữa các thế hệ có thể có sự khác nhau. Những người trẻ tuổi đôi khi lại muốn nhân dịp nghỉ Tết được đi chơi, du lịch, thay đổi cảm giác, từ ăn tết chuyển thành "chơi tết".
Đặc biệt, những nàng dâu trẻ, nếu gia đình nhà chồng giữ nhiều lề lối, thủ tục... sẽ cảm thấy rất ngại, khó hòa nhập được. Năm nay, các con bác đã xin phép bác không về quê ăn Tết, cũng có thể một phần xuất phát từ lý do bác suy đoán. Ở cương vị bố mẹ, nếu bác cứ ép, thì có lẽ anh chị ấy cũng không dám trái lời. Nhưng như vậy, thì niềm vui sẽ chẳng còn, thay vào đó sẽ là nỗi ấm ức, bực bội, làm mất đi ý nghĩa của Tết.
Bác hãy thử phân tích, khuyên nhủ, nói lên ước mong tha thiết của bố mẹ được cùng ăn Tết với các con, khơi gợi trách nhiệm với bố mẹ... xem anh chị ấy quyết định thế nào. Chúc bác toại nguyện và đón một mùa xuân thật vui.