Tôi là con gái Hà Nội, gặp, quen và lấy chồng tôi khi đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Khi yêu, được anh đưa về nhà anh ở TP Vinh, tôi cũng để ý từng chút trong cách sống của gia đình anh, xem mình có phù hợp không. Tôi vui mừng khi thấy gia đình anh nền nếp, bố mẹ cởi mở, yêu thương con cái.
Nhưng, cái kim chỉ thực sự lòi ra khi tôi mang thai và sinh bé trai đầu lòng. Mẹ chồng tôi ở quê ra Hà Nội chăm cháu, thấy cuộc sống “bình đẳng” của vợ chồng tôi thì khó chịu ra mặt. Đầu tiên, bà giành hết những việc mà tôi “sai khiến” chồng làm, kể cả việc bế hay chơi với con một chút. Sau đó, bà nội thẳng thắn bảo tôi “ở nhà mẹ không có cái nếp đàn bà sai đàn ông làm việc; càng không có cái nếp đàn ông rửa bát quét nhà... mấy cái ấy là việc của đàn bà”.
Tôi nhịn mẹ chồng, dù mới sinh, cũng đành gánh việc trên vai. Thôi thì mẹ chồng ra chăm cháu nhiều lắm được một năm, lựa mẹ cho êm cửa ấm nhà. Nhưng mẹ chồng tôi không chỉ muốn con trai bà thành ông Tướng mà còn muốn cháu trai chỉ biết đến bà nội, nhà nội, và bố. Bất cứ lúc nào (trừ lúc cho con bú) tôi muốn bế cháu, bà lại kiếm một cái cớ gì cực kỳ hợp lý để nhắc tôi làm việc này việc nọ.
Tôi vỡ kế hoạch, có bầu bé thứ hai khi con trai tôi mới được 6 tháng. Từ lúc biết cháu là con gái, mẹ chồng và chồng tôi không hỏi đến một câu. 10 ngày tôi sinh cháu, bị sự cố hai mẹ con phải nằm viện, mẹ chồng cũng không vào thăm, và dù tôi tha thiết bảo nhớ con, bà cũng kiên quyết không đưa con trai tôi vào gặp mẹ một lần. Tôi đã không cầm được nước mắt khi bế bé gái về nhà, con trai nhìn mẹ như người xa lạ, và không có một thay đổi nào trong nhà cho thấy mọi người sẵn sàng đón con gái tôi về.
Tôi cảm thấy thương con gái mình, xót xa vô cùng cho thân phận của nó. Nhưng người ta ép dầu ép mỡ, xưa nay ai ép được chuyện tình cảm quý mến yêu thương, tôi đành ngậm cay nuốt đắng vào lòng. Vậy mà, người làm bố, làm bà, ruột già máu mủ, lại cay nghiệt đến mức, khi nhà tôi bàn chuyện về quê Tết, nhất định không cho mẹ con tôi về. Bà bảo con gái tôi nhỏ quá, đến tết mới được 3 tháng, đi lại mệt ra. Nhưng tôi biết đó chỉ là cái cớ.
Tôi đã cãi nhau nảy lửa, nhưng chồng tôi vẫn nhất mực ủng hộ kế hoạch của bà nội.
Cuộc hôn nhân của tôi có lẽ thực sự đứng trên bờ vực đổ vỡ rồi, vì tôi không thể hiểu nổi, lý giải nổi tư duy của bên nhà nội nữa. Tôi chấp nhận thân mình làm osin cho chồng, cho nhà nội, nhưng tôi không muốn con tôi không có bố yêu thương, tôi không muốn cùng là anh chị em ruột thịt mà đứa được yêu, đứa bị thờ ơ.
Làm thế nào để mẹ chồng tôi, chồng tôi yêu thương con gái, cháu gái mình?
Vũ Hoài Thương (Sơn Tây, Hà Nội)
|
Ước gì chồng, mẹ chồng tôi mở rộng vòng tay yêu thương với con gái. Ảnh minh họa |
Chị Thương thân mến!
Như chị chia sẻ, việc thay đổi quan niệm của đại gia đình bên nội, làm cho mẹ chồng và chồng yêu thương con gái, cháu gái… là việc vô cùng khó khăn, một hành trình dài. Điều này chắc chắn không được thực hiện bằng cách cứ tiếp tục nhún nhường, chấp nhận.
Bắt đầu từ việc không cho chị bế con trai, rồi không cho con vào thăm mẹ, giờ ngăn cản con dâu cháu gái về Tết, tiếp theo sẽ là gì? Liệu chị có thể ngậm đắng nuốt cay mãi? Việc chị phản đối và đấu tranh chắc chắn sẽ tạo nên xung đột, khiến gia đình chồng và chồng không hài lòng, nhưng là điều cần thiết để mẹ chồng không can thiệp một cách vô lý vào gia đình nhỏ của chị.
Về phía chồng chị, nếu anh ấy vẫn yêu thương vợ, thì dù không coi trọng con gái, hà cớ gì không cho hai mẹ con về quê ăn Tết, một mong muốn chính đáng của vợ mà bất cứ người chồng nào cũng trông đợi? Hãy cho anh ấy biết chị buồn tủi thế nào khi không được đón Tết cùng chồng và gia đình, vợ chồng con cái mỗi người một nơi, con trai còn quá nhỏ đã phải xa mẹ. Đề nghị chồng để cả nhà cùng về quê, mẹ chồng có thể đi tàu cùng cháu trai như đã dự định, còn hai vợ chồng và con gái đi máy bay.
Nếu chồng chị vẫn nhất quyết không cho vợ con về quê ăn Tết mà không có lý do gì thuyết phục, chị hãy kiên quyết thể hiện thái độ đối với anh ấy, không đồng ý cho con trai về 1 tháng mà không có mẹ. Sự dứt khoát của chị sẽ khiến anh ấy buộc phải lựa chọn, quyết định, thay vì chỉ chăm chăm nghe theo lời mẹ và gia đình bên nội.
Kể cả cuối cùng chị thành công, cả nhà cùng về quê nội thì cái Tết hẳn còn nhiều điều ức chế, mệt mỏi. Nhưng đó sẽ là những điều chị còn phải đối mặt lâu dài để tác động đến chồng, mẹ chồng, giành lại quyền tự chủ chính đáng và cần thiết cho gia đình nhỏ của mình.
Trước khi chồng và nhà nội thay đổi quan niệm, yêu thương con gái, cháu gái họ, thì chị hãy để cháu lớn lên trong tình yêu vô bờ bến của mẹ. Thay vì cứ buồn khổ, xót xa cho thân phận cháu, chị hãy cân bằng lại mình. Các bé rất nhạy cảm, cảm nhận được cả những căng thẳng lo lắng của mẹ, chị nên giữ cho mình vui tươi bình yên, đó là món quà quý giá với con lúc này, để con cảm thấy thế giới mà con bước vào là nơi an toàn, dễ chịu – điều vô cùng cần thiết với các bé mới sinh. Kể cả sau này bên nội không coi trọng con gái, chị hãy luôn cho cháu biết rằng cháu thật đặc biệt và luôn được yêu thương, điều này sẽ khiến cháu tự tin và thấy mình có giá trị.
Thực ra, các bé gái lớn lên thường rất tình cảm và đáng yêu, đặc biệt với bố. Hi vọng dần dần chồng chị sẽ gắn bó hơn với con gái, cũng như tự quyết hơn trong những vấn đề gia đình.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Thị Hoa