Điều trị và biến chứng của ung thư đại trực tràng

Google News

(Kiến Thức) - Ung thư đại trực tràng là loại ung thư ác tính, thường gặp ở các nước phát triển. Bệnh cần được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị thích hợp.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị và biến chứng có thể xảy ra sau đó.
Phẫu thuật để điều trị ung thư đại trực tràng (Ảnh minh họa).

Phẫu thuật, hóa trị và xạ trị hỗ trợ là những cách điều trị ung thư đại – trực tràng. Người ta thường gọi là điều trị đa mô thức nghĩa là điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Hiện nay, áp dụng phương pháp mới nhất trong hóa trị hỗ trợ, đó là sử dụng liệu pháp ngắm trúng đích (targeted therapy).
Dựa vào từng giai đoạn khác nhau của bệnh mà áp dụng những cách điều trị cùng lúc hoặc theo thứ tự trước sau.
1. Phẫu thuật
Phương pháp
Phẫu thuật được coi là phương pháp chính trong việc điều trị ung thư đại – trực tràng. Với ung thư đại tràng, bác sỹ sẽ cắt bỏ đoạn có ung thư cùng các hạch đi kèm. Hai đầu ruột sẽ được nối lại (nối bằng tay hay bằng máy khâu-nối gọi là stapler). Ung thư phần thấp của đại tràng được phẫu thuật cắt trước thấp. Bệnh nhân vẫn đi đại tiện bình thường sau khi cắt bướu, 2 đầu ruột được nối lại với nhau.
Trường hợp ung thư đại tràng còn sớm có thể mổ cắt bướu qua nội soi ổ bụng với các đường mổ nhỏ, do đó bệnh nhân phục hồi nhanh và ít đau sau mổ.
Với phần ung thư phần dưới trực tràng, gần sát hậu môn thì phải làm phẫu thuật Miles, tức là phải cắt toàn bộ hậu môn-trực tràng-sigma. Đầu trên được đưa ra ngoài làm hậu môn nhân tạo vĩnh viễn, ruột già được mở ra da để phân thoát ra ngoài. Sau mổ bệnh nhân sẽ đi cầu ở bụng
Nếu ung thư trực tràng xâm lấn qua cơ quan kề bên thì phải cắt rộng thêm các cơ quan như bàng quang, tiền liệt tuyến và tử cung. Sau mổ, bệnh nhân cũng đi cầu ở bụng. Nếu có cắt bàng quang thì phải mở đường tiểu (thường là niệu quản) ra da. Nếu bệnh nhân có mở hậu môn nhân tạo hoặc có mở niệu quản ra da, họ cần được hướng dẫn về cách chăm sóc.
Một số phương pháp như cắt pôlíp, cắt bướu tại chỗ có thể thực hiện ngang qua hậu môn hoặc qua nội soi đại – trực tràng. Ung thư gần hậu môn và ở giai đoạn sớm (giai đoạn I) có thể dùng cách này để điều trị.
Nếu ung thư đại – trực tràng đã lan qua phổi, gan, buồng trứng hoặc các cơ quan trong ổ bụng phẫu thuật viên có thể cắt rộng các cơ quan. Cách làm này đôi khi giúp kéo dài thêm cuộc sống cho bệnh nhân ung thư đại – trực tràng. Ung thư qua gan, thầy thuốc có thể áp dụng phương pháp khác với phẫu thuật để diệt trừ ung thư như ngăn chặn nguồn máu nuôi bướu hoặc diệt ung thư bằng cách đông lạnh hoặc dùng sức nóng. Lưu ý, những phương pháp này chỉ có ý nghĩa chữa tạm thời chứ không chữa khỏi tận gốc.
Biến chứng sau phẫu thuật
Sau mổ, có thể xảy ra một số biến chứng như: chảy máu, tổn thương bên trong khi mổ, bục miệng nối đại tràng (hiếm gặp), nhiễm trùng vết mổ hoặc tắc ruột sau mổ do dây dính.
Vấn đề tình dục
Đối với nam giới: sau phẫu thuật có thể bị rối loạn về tình dục, đặc biệt là liệt dương. Trường hợp khác bị xuất tinh ngược chiều vào bàng quang. Người bệnh muốn có con phải gửi tinh trùng vào ngân hàng trước khi mổ.
Với phụ nữ: dù có mang hậu môn nhân tạo trên lý thuyết không bị rối lọan tình dục.
2. Xạ trị
Xạ trị gây ra hiện tượng tiêu chảy ( Ảnh minh họa).

Phương pháp
Đây là phương pháp dùng tia có năng lượng cao (tia X) để diệt tế bào ung thư hoặc làm teo tế bào. Xạ trị có thể từ bên ngoài cơ thể hoặc bên trong, ghim vào mô bướu.
Theo điều trị của các bác sỹ, dùng xạ trị có thể giúp hỗ trợ sau mổ bằng cách diệt số tế bào ung thư còn sót lại mà mắt thường không nhìn thấy trong khi mổ. Nếu bướu quá lớn hoặc ở vị trí khó mổ, có thể xạ trị trước để bướu nhỏ lại, dễ mổ hơn.Cách điều trị này cũng giúp giảm nhẹ các triệu chứng gây khó chịu cho bệnh nhân như tắc ruột, chảy máu hay đau.
Xạ trị trong ung thư đại tràng có công dụng là khi ung thư dính vào một cơ quan nội tạng hoặc dính vào thành bụng. Trong trường hợp này, bác sỹ phẫu thuật không chắc đã lấy hết mọi tế bào ung thư vì thế nên dùng xạ trị hỗ trợ để diệt các tế bào còn sót lại.
Với ung thư trực tràng, xạ trị dùng để ngừa ung thư tái phát hoặc điều trị ung thư tái phát tại chỗ gây đau. Điều trị ung thư đại tràng di căn thì xạ trị ít khi được dùng.
Với ung thư đại – trực tràng xạ trị ngoài được dùng nhiều nhất. Dùng xạ trị 5 ngày/tuần trong nhiều tuần, mỗi lần xạ trị chỉ phát tia trong vài phút. Cách xạ trị khác là đưa đưa tia vào qua ngã hậu môn lên trực tràng. Khi xạ trị bên trong thầy thuốc sẽ dùng các thỏi phóng xạ nhỏ đặt gần hoặc đặt trực tiếp vào khối bướu. Phương pháp này dùng cho ung thư trực tràng ở người già, sức khoẻ yếu không chịu được những cuộc phẫu thuật lớn.
Biến chứng của xạ trị
Da bị kích thích, buồn nôn, tiêu chảy, dấu hiệu trực tràng hoặc bàng quang bị kích thích và mệt mỏi. Nam giới có thể thấy tình trạng liệt dương. Thông thường các biến chứng này sẽ hết khi ngừng xạ trị.
3. Hóa trị
Phương pháp
Phương pháp hóa trị có thể gây ra các hiện tượng: Tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, chán ăn, rụng tóc...(Ảnh minh họa).

Dùng thuốc bằng đường tiêm truyền hoặc uống để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc vào đường máu và đi khắp, có lợi cho trường hợp ung thư đã tiến triển xa.
Dùng hóa trị hỗ trợ sau mổ với một số giai đoạn bệnh, có thể giúp tăng thêm thời gian sống cho bệnh nhân. Hóa trị cũng giúp giảm triệu chứng trong trường hợp ung thư đã tiến xa.
Đối với một số trường hợp có thể tiêm thuốc chống ung thư vào mạch máu nuôi khối u. Đó gọi là phương pháp hóa trị vùng. Do thuốc đi thẳng vào bướu nên có thể ít có phản ứng phụ toàn thân.
Do dùng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư nên cũng làm tổn hại tế bào bình thường, dẫn đến một số tác dụng ngoại ý. Điều này phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng và thời gian dùng thuốc.
Biến chứng
Điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây ra các hiện tượng: Tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa, chán ăn, rụng tóc, nổi mẩn ở chân tay và phù, đau họng, dễ nhiễm trùng, dễ chảy máu nơi tiêm chích hoặc khi bị chấn thương, mệt mỏi.
Các tác dụng phụ này sẽ hết khi ngưng thuốc, ví dụ như hết tóc nhưng tóc có thể đổi khác.
Theo Daitrang.vn

Bình luận(0)