Điều trị các thể chứng gây u xơ tử cung

Google News

(Kiến Thức) - U xơ tử cung là khối u lành tính của cơ tử cung, hay gặp ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. 
 

 Ảnh minh họa.
Trong sách kinh điển của y học cổ truyền không có tên bệnh u xơ tử cung mà quy nạp thuộc về chứng "trưng hà tích tụ". Dưới đây là các thể chứng và điều trị dưới nhãn quan của y học cổ truyền. 
* Thể khí trệ huyết ứ: Tinh thần uất ức, ngực sườn đầy tức, chu kỳ kinh nguyệt rối loạn, kinh nguyệt kéo dài, lượng nhiều, sắc kinh đỏ, bụng dưới chướng đau đặc biệt khi hành kinh, ợ hơi, ợ chua, đại tiện bí kết không thông, sắc mặt xám tối, sờ bụng có khối u mềm, cố định, lưỡi chất đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch huyền. Nguyên nhân do tình chí uất ức không giải ảnh hưởng đến can khí, làm can khí mất khả năng sơ tiết điều đạt uất trệ lại, khí trệ không thúc đẩy được huyết đi trong hành dẫn tới huyết ứ. 
Hoặc sau đẻ cho con bú (sữa do âm huyết sinh ra) dẫn tới âm huyết hao tổn nhiều làm can khí mất đi sự nhu dưỡng cộng với thất tình không hòa giải làm can khí uất trệ không thông. Khí tụ thì huyết ngưng, tích lại ở bào cung lâu ngày thành khối. Pháp điều trị: Hành khí - hoạt huyết - tán ứ - tiêu trưng. Phương dùng bài cách hạ trục ứ thang gồm ngũ linh chi, xuyên khung, xích thược, đan bì, ô dược 6g, đương quy, đào nhân, cam thảo, hồng hoa 9g, chỉ xác 5g, diên hồ sách, hương phụ 3g, sắc uống ngày 1 thang.
* Thể khí hư huyết ứ: Người gầy, mệt mỏi, sắc mặt xanh sạm, đoản hơi, đoản khí, chân tay rũ mỏi, ù tai, hoa mắt chóng mặt. Kinh nguyệt không định kỳ, hành kinh kéo dài, lượng kinh ít, nhạt màu, có lẫn máu cục, khí hư trong loãng, bụng có khối u rắn, đau không di chuyển, lưỡi chất bệu, nhợt, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi mỏng, mạch trầm sáp. 
Nguyên nhân gây bệnh do chế độ ăn uống bất điều, lao động quá sức, hoặc trong thời kỳ kinh nguyệt, thai nghén, sinh đẻ, cho con bú không kiêng cữ làm khí huyết hao tổn nhiều. Do âu lo quá độ, làm tổn hại đến tỳ vị dẫn tới nguồn sinh hóa bất túc, khí hậu thiên không được bổ sung, khí hư thì huyết trệ ở xung nhâm, lâu ngày thành ứ tích lại ở bào cung mà thành trưng hà. Pháp điều trị: Bổ khí - hoạt huyết - tán ứ - tiêu trưng. Phương dùng bài tứ quân tử thang gồm đẳng sâm, bạch truật, đương quy 12g, phục linh, hương phụ, đòa nhân, nga truật, tam lăng 8g, cam thảo 6g sắc uống ngày 1 thang.
* Thể đàm trệ huyết ứ: Thân thể béo bệu nặng nề, kinh nguyệt rối loạn không định kỳ, ngày kinh kéo dài, sắc kinh đỏ sẫm, có lẫn máu cục dính nhớt, khí hư ra nhiều, dính, sờ bụng có khối rắn không di chuyển, ấn đau ít, lưỡi bệu, chất hồng, có ngấn răng, rêu lưỡi dầy, trắng nhớt, mạch hoạt. Pháp điều trị: Hóa đàm trừ thấp - hoạt huyết tán ứ tiêu trưng. Phương dùng bài lục quân tử thang gồm đẳng sâm, bạch truật 12g, bạch linh, tam lăng, trần bì, nga truật 8g, bán hạ 4g, cam thảo 6g.
* Thể hàn ngưng huyết ứ: Bế kinh, kinh nguyệt đỏ sẫm màu, hành kinh đau bụng, chườm ấm đỡ, chân tay lạnh, sờ bụng có khối u rắn, lưỡi tím, rêu lưỡi trắng, mạch trầm trì. Pháp điều trị: Ôn trung tán hàn - hoạt huyết - tán ứ - tiêu trưng. Phương dùng bài quế chi phục linh hoàn gồm quế chi, phục linh, đan bì, đào nhân, xích thược 9g.
ThS Đỗ Việt Hương (Trưởng Bộ môn Phụ sản, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam)

Bình luận(0)