Vụ khách đòi 2000 tiền thừa khi đi taxi nóng mạng xã hội

Google News

Câu chuyện trả lại tiền thừa một lần nữa nóng lên khi mới đây trên Facebook người ta lại xôn xao chuyện đòi 2000 đồng tiền thừa khi đi taxi.

Chia sẻ về chuyện đòi lại 2000 đồng tiền thừa khi đi taxi của một tài khoản Facebook nhận được sự quan tâm của dư luận trong mấy ngày gần đây.
Tối ngày 21/6 vừa qua, tài khoản Facebook N.N.T chia sẻ một câu chuyện về "văn hóa tiền lẻ" khiến nhiều người phải suy ngẫm và tranh cãi:
"Đi taxi từ sân bay về nhà, đồng hồ 68.000 VND, thêm 10.000 VND tiền thuế sân bay, là 78.000 VND.
Đưa tờ tiền 100.000 VND, anh tài xế đưa lại cho 2 tờ 10.000 VND và mình nhìn thấy trong xấp tiền anh cầm trên tay có tờ giấy 2.000 VND.
Nhưng chỉ đưa hai tờ 10.000 VND xong thì tài xế cất tiền, có ý chờ mình xuống xe.
Khach doi 2000 tien thua khi di taxi nong mang xa hoi
Ảnh minh họa. 
Mình nhắc, dạ, còn 2.000 VND nữa mới đủ anh ơi. Tài xế quay lại nhìn, mắt khó chịu. Rồi đưa tờ 2.000 VND, kèm câu nói nhỏ nhưng đủ để mình nghe. "Có mấy ngàn mà làm thấy ghê."
Mình im lặng, chỉ lấy đồ ra rồi đi về.
Vì mười năm trước, mình từng đứng 8 tiếng một ngày bán thức ăn nhanh để nhận 7.000 VND một tiếng, nên mình hiểu giá trị của 2.000 ra sao. Nên mình sẵn lòng tặng 2.000 đó cho một người biết quý trọng công việc họ làm và tôn trọng người dùng của họ hơn.
Đừng trách vì sao các hãng xe thanh toán qua thẻ tín dụng như Uber ngày càng phát triển và được ưa chuộng hơn.
Và, chợt buồn vì đôi khi người ta bán sự tôn trọng của người khác dành cho mình với mức giá 2.000 VND."
Sau những dòng chia sẻ sẻ này, cộng đồng mạng ngay lập tức vào cuộc và nhiều ý kiến tranh luận nảy lửa được đưa ra. Người đồng quan điểm với chủ nhân của status, người thì cho rằng 2000 đồng quá nhỏ, không việc gì phải đòi lại. Một số người cũng cho biết tình trạng không trả lại tiền thừa cho khách ở Việt Nam hiện nay không phải là hiếm.
Facebook Quyên Huệ Trần viết: "Vấn đề là ở thái độ thôi mấy bạn ạ. Tiền của minh thì phải tiêu với đúng người đúng mục đích và cảm thấy xứng đáng. Chứ đừng để 2000 mà mất đi giá trị bản thân. Lòng tự trọng phải có giá trị hơn 2000 đấy. Một câu anh/chị/em không có tiền lẻ thì không mất nổi quá 1 phút của mấy bạn đâu. Chứ cái kiểu không nói không rằng mà cứ lấy thì 500 con tớ cung đòi dù biết bây giờ cũng không mua được gì thật."
Tài khoản Thiện Văn chia sẻ về "văn hóa tiền lẻ": " Tình trạng nầy thường thấy ở mấy điểm giữ xe. Giá giữ xe 4000 đồng trước 19h. Nhưng khi chủ xe đưa tờ 5000 đồng bọn họ hay chơi tình vờ, trong khi chủ xe không còn tiền lẻ đưa thiếu 1000 là bọn nó đòi cho bằng được. Gặp những trường hợp như vậy tôi cũng chờ lấy cho bằng được dù 1000 hoặc 2000 mặc dù mình mới vừa boa cho bảo vệ 5000 vì đẩy giùm xe ra. Khi đi taxi cũng vậy nếu tài xế xách hộ hành lý lên, xuống xe mình sẽ boa ít nhất 10.000. Nếu gặp tài xế lười không chịu xuống xe mở cửa sau xe để hành lý thì 1000 tiền boa cũng không có..."
Bạn Phương Anh Nguyễn bày tỏ: "2000 thì cũng là tiền mà, lấy về cho con trẻ nhét heo! 100 lần như thế con trẻ mở heo ra cũng phấn khởi. Mình hiểu bài viết không nằm ở chuyện 2000 mà là thái độ với 2000, khi làm ra tiền bạn sẽ biết trân trọng giá trị của đồng tiền và biết đặt đồng tiền vào đúng vị trí của nó, mình làm chủ đồng tiền chứ không để đồng tiền làm chủ mình."
Trái với những quan điểm trên, một số người lại nghĩ 2000 đồng quá nhỏ, không cần thiết phải đòi lại.
Facebook Thiên Trương gay gắt phản đối ý kiến của tác giả bài viết: "Bây giờ, 2000 không đáng giá để mua một thứ gì hết. Nếu đủ rộng rãi thì anh có thể tip luôn cho người ta số tiền còn lại chứ không chỉ là 2000 đó, vì đó cũng là cách để mình chia sẻ may mắn của mình (về việc mình kiếm tiền ít khó nhọc, ít vất vả và nguy hiểm hơn người ta) thay vì lên đây để nói như vậy. Em thích cách anh nói về một số vấn đề nhưng riêng status này thì không. Thật tiếc!"
Bạn Fox Hà cũng nghĩ như trên: "Taxi ở sân bay khác với taxi bình thường bạn ạ. Bạn phải hiểu rằng, cả chuyến bay họ chỉ được quyền đón một vị khách mà thôi. Vì thế, nếu vị khách đi quãng đường quá gần, tức là cả chuyến đó họ không kiếm được mấy. Mình còn thấy các bác taxi ở nhà ga hay sân bay còn kén khách cơ. Bao giờ cũng hỏi khách về đâu để nhẩm tính đoạn đường bao xa, kiếm được bao nhiêu trong chuyến này. Miếng cơm manh áo cả thôi mà."
Nói thêm về chuyện "văn hóa tiền lẻ" một số người cho rằng đó chỉ là cách người ta ứng xử với nhau, thể hiện giá trị con người vấn đề không nằm ở giá trị đồng tiền là bao nhiêu.
Để lấy ví dụ minh họa, bạn Võ Trần Hoàng Khang kể câu chuyện tiền lẻ ở đất nước Nhật Bản: " Ở Nhật thi đồng 1 yen là nhỏ nhất nhưng hàng hoá ở Nhật đều tính số lẻ có khi 89,99,94 yen/món và tất nhiên 1 yen ở nhật không thể mua gì nhưng họ sẽ trả cho bạn dù bạn quên và bước ra khỏi của hàng vẫn chạy theo trả. Tất nhiên họ có hộp quyên góp để những người không sài 1 yên đó bỏ vào .Trước đây có một thằng bạn vì thấy 1 yen không đáng nhiêu nói không lấy và bị người Nhật liếc và khinh bỉ .Thứ không đáng giá không phải là đồng tiền mà là thái độ và nhân cách của con người."
Facebook có tên Diễm Chi cũng chia sẻ câu chuyện của riêng mình: "Có lần em đi ăn ở một quầy thức ăn trong Aeon Mall, khi ấy em tính tiền, tiền thừa còn dư của em là 105.000, em chỉ lấy 100.000 rồi bỏ đi. Cô bé phục vụ xem lại thì thấy còn thừa 5000 nên chạy theo em đưa lại. Em đã cười và nói rằng là em quên lấy. Nhưng em không lấy lại 5000 đó mà tặng cho cô bé đó luôn. Em thấy rất thích sự trung thực của cô bé đó. Ở đây không xét về số tiền, mà xét về con người, đôi khi số tiền không lớn nhưng đó là cả một nhân cách của bạn."
Chủ đề "văn hóa tiền lẻ" ngày càng nóng lên trên mạng xã hội khi chỉ mới vài ngày trước, chuyện đi siêu thị thừa tiền được trả lại bằng cục kẹo cũng đã gây tranh cãi lớn trong cộng đồng.
>>> Mời quý độc giả xem video Cách làm tiền Đô la Mỹ (nguồn Youtube):
Theo VnTinnhanh

Bình luận(0)