Đến người vô tình nhất, bận bịu nhất cũng không thể thờ ơ, buộc phải ngước lên vòm lá mà thốt lên: Nhanh thật. Đã có hoa sữa. Vậy là đã cuối thu rồi!
Không phải không có lý khi người ta chọn hoa sữa là loài hoa của
Hà Nội. Cũng có lúc tôi nghĩ hoa hoàng lan mới hợp với người Hà Nội. Cái loài hoa cánh dài thon thả như ngón tay búp măng, màu xanh ngọc, khi chín lại có màu vàng chuối tiêu và hương của nó kín đáo, nhẹ nhàng mà sang trọng.
|
Khi hoa sữa nở cũng là lúc báo hiệu mùa thu sắp đi qua. |
Nhưng vào những chiều như thế này, khi heo may về trên phố, hương hoa sữa đầu mùa rụt rè tỏa vào không gian cái mùi hương xao xuyến ấy, thì chợt hiểu ra rằng, đó mới là nét đặc trưng của Hà Nội. Phải là phố ấy, mặt hồ ấy, làn gió ấy, không gian ấy và chỉ duy nhất làn hương tươi mới ấy mới tạo được một nét gì rất đỗi Hà Nội.
Để đến nỗi đi xa là nhớ. Nhớ đến nỗi mỗi khi vào mùa này cô bạn trong miền Nam lại gọi điện ra hỏi đã trở lạnh chưa? Có hoa sữa chưa? Lại nhắc nhớ đạp xe ra Phan Bội Châu ăn quẩy nóng... Cái nỗi nhớ không gọi được tên mà chỉ những người từng sống, từng có một tuổi thơ gắn bó với nơi này mới cảm nhận hết được.
Và nói thực là tôi cũng chỉ thích hoa sữa vào những dịp như thế này, khi chỉ ngửi thấy thoảng qua trong làn gió một mùi hương ấy. Chứ vài bữa nữa, khi những cây hoa sữa phủ kín hoa thì hương của nó thơm đến sực nức, đến đau đầu, đến ngộ độc vì cái mùi quá đậm đặc.
Vậy mà có dạo người ta đã ngộ nhận cho trồng la liệt trên phố những hàng hoa sữa san sát nhau, để tạo nên một đặc trưng của Hà Nội. Như khu nhà tôi ở, đằng trước, đằng sau, ngay cổng đều có hoa sữa, đến mùa hoa cứ chiều tối là phải đóng kín cửa để tránh cái mùi hương nồng nàn đến phát khiếp ấy. May quá, năm nay lại thấy họ chặt bớt đi và trồng thay vào đó mấy cây sấu hoặc những cây con thuộc dòng cây cổ thụ.
Thế mới biết, cái gì là hồn cốt, là tinh hoa thì không thể cố tình tạo nên được. Bởi vì nó là sự hợp thành của rất nhiều yếu tố. Để hiểu được chỉ có cách yêu nó và cảm nhận mà thôi.