Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hàn và bà Phạm Thị Xuyến đều sinh năm 1932 ở làng Sơn Cương, xã Hồng Đà, Tam Nông, Phú Thọ. Ông bà có tới 7 lần sinh nở thì cả 7 lần đều là con gái. Khi con nhỏ, ông bà chỉ lo sau này về già phải sống cô đơn. Vậy mà giờ tuổi đã ngoại 80, trong nhà ông bà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.
|
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Hàn bên các cháu, chắt. |
Sinh ra trong một làng quê nghèo, vợ chồng ông Hàn, bà Xuyến đông con nên kinh tế lại càng gặp nhiều khó khăn. Nhất là sinh con một bề đôi khi cũng chạnh lòng. Ngày các con còn nhỏ đang đi học, không khí gia đình thật vui nhộn, vì đứa con gái nào cũng hồn nhiên hay nói hay cười. Thế rồi "cái chị nó đi cái dì nó lớn" thoáng cái, các con của ông bà đã trưởng thành lần lượt đi lấy chồng. Hai ông bà vẫn ở ngôi nhà ấy mà cứ ngỡ như rộng hơn.
Như hiểu được lòng cha mẹ, ngày nào con gái, con rể cũng dành thời gian đến với bố mẹ, lúc thì trồng lại mấy cây chuối trong vườn, lúc thì dựng lại giàn trầu, giàn bí. Ngày mùa các con thay nhau đảm nhiệm không để bố mẹ phải ra đồng. Khi gia đình có công to việc lớn, các con rể đứng ra lo toan chu đáo. Vì thế ông bà không bao giờ nghĩ "rể là khách", đứa nào ông bà cũng quý như con đẻ của mình.
Rồi các cháu, chắt ra đời, ông bà lại có thêm "tài sản" quý. Hiện ông bà có 14 cháu và 4 chắt. Cháu, chắt nào cũng đều ngoan học giỏi, hiếu thảo với ông bà bố mẹ. Niềm hạnh phúc lớn hơn nữa là ông bà có 2 người con và 9 cháu học đại học, cao đẳng, trong đó có 2 cháu là thạc sĩ.
Ngày các cháu còn học trường làng, đứa nào cũng thích đến ngủ với ông bà. Bữa trưa, bữa tối, chả mấy bữa là không có các cháu đến ngồi cùng mâm, đứa nào cũng muốn được ngồi gần ông gần bà. Đến giờ đi học, đứa bé thì bà đưa đến nhà trẻ, đứa lớp 1, lớp 2 thì ông đạp xe đưa đến tận nơi. Đến khi các cháu vào đại học, chủ nhật về thẳng nhà ông bà, hôm sau mới về nhà.
Bây giờ đến các chắt cũng thế, đứa nào cũng quấn quýt lấy các cụ. Dân làng ai cũng khen ngợi và cảm phục ông bà có đàn con cháu, chắt sống rất tình cảm. Đối với làng xóm, hai ông bà sống gần gũi chẳng mất lòng ai, tạo thêm không khí vui vẻ xóm giềng.
Năm nay, ông bà đã ngoài 80 tuổi, sức khoẻ có phần vơi đi, nhưng tình cảm của dân làng cùng các con và cháu chắt ngoại dành cho ông bà vẫn đong đầy. Đây chính là liều thuốc tinh thần giúp ông bà sống vui, sống khoẻ. Sinh con một bề như thế đâu dễ cô đơn.