Đua ngựa cưới vợ xinh ở Bắc Hà

Google News

(Kiến Thức) - Một mũ nhựa thô sơ, một đôi dép hoặc đôi giầy cáu bẩn, thậm chí chân không đi gì. Ngựa không cần yên, không cần bàn đạp, cứ thế kỵ sĩ lao đi và cống hiến những pha "bẻ cua" ngoạn mục.

Đua ngựa xưa 
Anh Vàng Văn Cương, cựu vô địch giải đua ngựa Bắc Hà cho biết: Đua ngựa là môn thể thao dân tộc độc đáo của huyện Bắc Hà từ lâu đời. Ngày xưa, vào mùa xuân, ở các bản làng vùng cao các xã Bản Phố, Hoàng Thu Phố, Lùng Phình, Bản Già, Lùng Cải, Tả Chải, Na Hối, Thải Giàng Phố (Bắc Hà) và Cán Cấu, Sín Chéng (Si Ma Cai) thanh niên trai tráng người Mông, Tày, Nùng rủ nhau đi chơi tết, đi hội xuân, hội xuống đồng thường đi thành từng đoàn. 
Vì đi đường xa hàng chục cây số đường núi nên họ mang theo ngựa và rủ nhau cùng đua. Ai đến đích trước thì bữa tiệc hôm đó được ngồi mâm trên và được quyền chọn sơn nữ xinh đẹp nhất làm vợ. Đua kiểu này không mang tính ăn thua nên hầu như không có ai bị chết do ngã ngựa, chỉ thỉnh thoảng có người bị thương. 
Trước những năm 1930, giải đua ngựa ở Bắc Hà thường được tổ chức vào mùa xuân nên nguy hiểm hơn vì có tính chất quy mô toàn vùng. Chuyện thắng, thua có ảnh hưởng đến danh dự dân tộc, dòng họ, vùng miền nên các kỵ sĩ đều "quyết tử" giành chiến thắng. 
Theo các cao niên ở Bắc Hà, hồi đó đường đua lấy điểm xuất phát từ ngã ba chợ cũ và đích đến là bãi đất trống trước dinh thự Hoàng A Tưởng. Các kỵ sĩ khi đến đích phải nhảy xuống bắn 5 phát súng vào tấm bia cách chỗ đứng vài chục mét. Sau đó lên cướp quả cầu đỏ và lại nhảy lên ngựa phi nước đại, quay ngược lại điểm xuất phát. 
Giải nhất thuộc về người nào phi ngựa nhanh nhất và bắn giỏi nhất. Thời đó, đường đua ở Bắc Hà có nhiều chỗ dốc, chỗ cua gấp, rất nguy hiểm nên gần như trong cuộc đua nào cũng có người và ngựa bị thương, thậm chí vì sự ác liệt của danh dự dòng họ mà có người thiệt mạng.
Người Bắc Hà không bao giờ thịt con ngựa về nhất. 
Sau năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức đúng một buổi diễu hành với 200 con tuấn mã đi khắp cao nguyên, sau đó thì không tổ chức nữa. Đến năm 1980, Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. 
Giải năm đó có hơn 50 kỵ sĩ người Tày, Nùng, Dao, Mông tham gia. Họ chia làm 22 lượt, mỗi lượt 3 kỵ sĩ tranh tài đua từ ngã 5 khu chợ Bắc Hà đến trước dinh Hoàng A Tưởng. Sau đó các kỵ sĩ phải nhảy xuống ngựa và bắn 3 viên đạn vào tấm bia treo cạnh bìa rừng cấm đối diện nhà Hoàng A Tưởng. 
Súng để bắn là loại CKC do huyện đội phân phát chứ không phải là súng săn truyền thống. Do không quen súng nên chỉ có 8 người bắn trúng bia, không có ai trúng cả 3 phát. Giải đó, Đại úy Lý Seo Thống, Đội trưởng đội quân lương - Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà (nay đã 70 tuổi vẫn còn sống ở xã Bản Phố) về nhất, còn ông Vàng Văn Rởi, ở thôn Na Hối Tày đạt giải nhì.
 Ông Rởi, người về nhì trong giải đua ngựa bắn súng năm 1980.
Đua ngựa thời hiện đại
Bẵng đi gần 30 năm giải đua ngựa Bắc Hà đi vào quên lãng, mãi đến năm 2007 mới trở lại nhưng chỉ có đua ngựa mà không có thi bắn súng. Đoạn đường đua cũng không vắt vẻo, gấp khúc như trước nữa mà thi chạy trên đường bằng. Ông Lý Seo Thống cho biết: "Bây giờ đua ngựa khác xưa nhiều quá. Nhưng trang phục tự do hồn nhiên kiểu "có gì dùng nấy" thì giống trước. Người Bắc Hà vốn không trọng vấn đề xấu đẹp bên ngoài mà tất cả là lòng tự tôn".
Cho đến nay, đã 7 giải đua ngựa được tổ chức. Số tiền mà kỵ sĩ về nhất được thưởng chỉ vỏn vẹn 20 triệu đồng nhưng tất cả đều hồ hởi với cuộc thi. Họ muốn đem danh dự về cho dòng tộc, làng bản dù đường đua muôn vàn hiểm nguy. Đã có người bị ngựa đá, ngựa giẫm suýt mất mạng nhưng không ai từ bỏ ước mơ chinh phục chiến thắng.
Ở những nơi khác, người ta gọi kỵ sĩ là "nài". Ở Bắc Hà, từ "nài" có vẻ lạ lẫm, vì đi với "nài" bao giờ cũng là trang phục bảo hộ đến tận chân răng. Các kỵ sĩ Bắc Hà cùng lắm chỉ có một chiếc mũ bảo hiểm không biết thật hay giả, một đôi giầy vải và một chiếc áo mỏng ghi số. Ấy vậy, nhưng trên đường đua họ lại là những kỵ sĩ chuyên nghiệp. Không màng đến sống chết, không nghĩ đến hiểm nguy, ngựa cứ tung vó là truy phong tiến về phía trước, kể cả khi trời mưa gió.
Các “kỵ sĩ” với những trang phục rất thô sơ khi đua ngựa.  
Có chết cũng không thịt ngựa 
Sau 7 giải đua, nhiều du khách có lời đề nghị tới ngành chức năng nên giết thịt con ngựa về nhất để bán lấy may như các hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hàm Yên (Tuyên Quang). Trong khi đó, ở Bắc Hà chưa lần nào con ngựa về nhất bị giết thịt. Với nhiều người, bán đấu giá thịt ngựa giải nhất cũng là cách thu hút du lịch ngày hội và xây dựng thương hiệu cho ngựa Bắc Hà.
Ngay lập tức, lời đề nghị giết thịt tuấn mã bị các kỵ sĩ phản đối dữ dội. Anh Vàng Văn Huỳnh, nhà vô địch giải đua ngựa năm 2013 cho biết: "Phải khó khăn lắm, tôi mới "tầm" được con ngựa tốt. Nếu đem giết thịt thì tôi nghĩ không ai còn dám đem ngựa ra đua. Như con ngựa của tôi đây, khi nào nó chết thì đem chôn chứ không ăn thịt".
Anh Vàng Văn Cương - cựu vô địch giải đua ngựa năm 2007 kể về lịch sử đua ngựa ở Bắc Hà. 
Ông Lý Seo Thống nhớ lại: "Đua ngựa thời xưa cũng không ai đòi giết con tuấn mã vô địch. Con ngựa là đầu cơ nghiệp, biết là số tiền thu về khi bán thịt con ngựa nhất sẽ nhiều hơn thực tế nhưng rất khó để kiếm ra một con ngựa dũng mãnh. Hơn nữa, các kỵ sĩ trên khắp thế giới cũng không bao giờ giết thịt con ngựa của mình". 
Đem chuyện tham vấn ông Ngô Văn Huân, cán bộ Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bắc Hà thì được cho biết: "Chuyện xây dựng thương hiệu cho ngựa Bắc Hà rất quan trọng, nhưng đa số người dân không đồng ý để giết thịt con ngựa về nhất. Người Bắc Hà rất coi trọng ngựa, với họ ngựa còn như một người bạn nên không thể áp dụng kiểu giết thịt trâu chọi vào giải đua ngựa".
"Khi ngựa tung vó truy phong, người kỵ sĩ thấy mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy đua ngựa xưa và nay có khác nhau về cung cách, luật lệ nhưng đồng nhất với nhau về sức mạnh cùng tốc độ của ngựa và sự khéo léo, bản lĩnh của kỵ sĩ".
Ông Lý Seo Thống (cựu vô địch giải đua ngựa năm 1980)
\Trần Hòa

Bình luận(0)