Cơn “sốt” ngựa... bạch

Google News

Từ cuối tháng 3 đến nay, trên khắp các tỉnh Đông và Tây Bắc xuất hiện nhiều thương lái đi thu mua ngựa bạch về sản xuất cao.

- Từ cuối tháng 3 đến nay, trên khắp các tỉnh Đông và Tây Bắc như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn xuất hiện nhiều thương lái đi thu mua ngựa bạch về sản xuất cao. Vì thế, người dân các tỉnh này cũng đổ xô đi nuôi ngựa bạch, mà không biết rằng đó chỉ là ngựa trắng.
Ngoài lấy sức kéo, ngựa đang được săn lùng để lấy cao.
Ngoài lấy sức kéo, ngựa đang được săn lùng để lấy cao.

Đi "tầm" ngựa bạch

Một trong những địa phương nuôi ngựa bạch nổi tiếng được các thương lái kháo nhau là xã Dương Thành, Phú Bình, Thái Nguyên với hàng trăm cá thể ngựa thuần chủng. Ông Trần Văn Tương, một người nuôi ngựa bạch bảo: "Bốn năm trước dân đã đổ xô nuôi ngựa. Thế rồi, một đận chẳng ai mua nên ngựa được giết thịt bán với giá rẻ. Từ đầu năm tới giờ, ngựa bạch lại tăng giá ầm ầm".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây xã Dương Thành chỉ có 3 hộ nuôi ngựa. Nhưng rồi thấy lãi nên bây giờ con số ấy đã tăng ở mức 60 với gần 150 con ngựa bạch "xịn". Họ lập cả một HTX dịch vụ ngựa để nhân giống, bảo tồn gen đến buôn bán kiếm lời.

Một tay buôn ngựa ở đây cho hay: "Ngựa bạch Dương Thành số lượng tăng giảm thất thường lắm. Sáng có thể chỉ mươi con, chiều tối đã có vài trăm con là chuyện bình thường".

Thì ra, Dương Thành không chỉ là nơi nuôi ngựa bình thường mà còn là chốn buôn bán, trao đổi, quy tụ ngựa bạch để các thương lái có thể lựa chọn mua đi bán lại, tùy ý và tùy thích.

Xã Lãng Công của huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc cũng là một địa chỉ thu hút các lái buôn ngựa chuyên nghiệp tìm đến. So với Thái Nguyên, ở Vĩnh Phúc không có nhiều cá thể ngựa nhưng là nơi trung chuyển ngựa bạch từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn xuống để chế biến ngay tại nhà dân.

Khi chúng tôi hỏi giá, anh nài ngựa vẻ bối rối, rút điện thoại gọi ông chủ về. Một lúc sau, ông chủ dáng gầy tong teo xưng tên là Chí bảo: "Nếu các cậu mua riêng một con về thì giá cao đấy. Nhưng nếu giết thịt ở đây thì cũng hữu nghị thôi, 50 triệu một con đực".

Ở đất Bắc Giang, các thương lái hầu hết tập trung về xã Ngọc Lý, huyện Tân Yên. Ở xã này, ngoài nuôi ngựa bạch lấy cao, người dân còn để tận dụng sức kéo nên ngựa càng có giá.
Không ít người đã nuôi ngựa trắng nhưng nhầm tưởng là ngựa bạch.
Không ít người đã nuôi ngựa trắng nhưng nhầm tưởng là ngựa bạch.

Một người nuôi, mười người mua

Tại thôn An Lập, xã Ngọc Lý chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Quang - người có thâm niên 36 năm nuôi ngựa bạch. Ông Quang cho biết: "Tôi chưa bao giờ và chưa thấy ai nuôi ngựa bạch mà lỗ bao giờ, chỉ có lãi, thậm chí giàu có nhờ ngựa là đằng khác".

Theo ông Quang, mấy chục năm liền cả xã chỉ có mình ông nuôi ngựa, các lái buôn phải đến "đăng ký" với ông cả năm trời thì may ra mới có "hàng". Đến khi một nửa làng nuôi ngựa, thì lại có hàng trăm lái buôn kéo đến. Giá không giảm mà lại tăng.

Tại xã Ngọc Lý này, giá ngựa bạch được bán theo nhu cầu thị trường. Tức là khi ngựa bạch ở mức bình thường thì dao động từ 50 - 60 triệu đồng/con đực, 30 - 40 triệu đồng/con cái. Nhưng khi ngựa bạch đã khan hiếm thì giá trị đưa ra là không tưởng, có thể lên tới 80 triệu đồng/con bất kể là cái hay đực.

Cũng vì lý do đó, mà từ 3 - 4 hộ nuôi nhỏ lẻ những năm 2000, bây giờ ở Ngọc Lý đã tăng lên thành tổ hợp chuyên nuôi, cung ứng ngựa bạch và xuất hiện nhiều đại gia nuôi ngựa.

Tuy vậy, hộ gia đình nào chẳng may nuôi phải chú ngựa phản chủ thì có cho cũng không ai lấy. Các thương lái cũng rất sành và kỵ giống ngựa bạch phản chủ có khoáy "xuyên tông", "lầu tẩy", nhỡ có mua phải mà giết thịt thì chỉ còn nước... chờ chết.
Ban đêm, soi đèn vào mắt ngựa bạch sẽ có màu đỏ rực.
Ban đêm, soi đèn vào mắt ngựa bạch sẽ có màu đỏ rực.

Trắng có phải là bạch?

Không ít người ngộ nhận ngựa bạch là ngựa có màu trắng, điều đó không sai, nhưng không phải đã đúng. Chính vì vậy, không ít người đã bị lừa một cách quá đơn giản khi đi "tầm" ngựa bạch về nấu cao.

Để phân biệt giữa ngựa trắng và ngựa bạch, chúng tôi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển chăn nuôi miền núi phía Bắc tại thị xã Sông Công, Thái Nguyên. TS Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Trung tâm cho hay: "Không ít người hiểu ngựa trắng là ngựa bạch. Để phân biệt 2 loại ngựa này khá đơn giản. Toàn thân ngựa bạch có màu trắng hồng hoặc trắng mây. Da ngựa trắng hồng, xung quanh viền mắt màu hồng, con ngươi mắt có màu đỏ hồng, ban đêm soi đèn có màu đỏ rực. Cả bốn móng có màu trắng ngà, các bộ phận như mũi, miệng, bộ phận sinh dục đều có màu hồng nhuận".

TS Nguyễn Văn Đại khẳng định: "Thịt và cao ngựa bạch có nhiều tác dụng nên được nhiều đại gia săn lùng. Tuy nhiên, để có một cá thể ngựa bạch "xịn" thì không phải dễ, tại Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển chăn nuôi miền núi phía Bắc cũng chỉ có trên 30 cá thể ngựa bạch thuần chủng".

Tại huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, chúng tôi cũng đã từng gặp không ít các hộ nuôi ngựa trắng nhưng cứ khăng khăng là ngựa bạch. Anh Nông Văn Tú ở xã Phong Nậm nuôi 2 con ngựa trắng nhưng anh bảo đó là ngựa bạch, anh đang chờ các lái buôn đến để mua nhưng người ta trả giá chỉ ở mức 15 triệu đồng.

Ngay tại các địa phương có truyền thống nuôi ngựa bạch như Ngọc Lý (Bắc Giang), Dương Thành (Thái Nguyên) cũng không ít hộ do không có kinh nghiệm đã mua nhầm chủng loại, chỉ khi các lái buôn đến mua thì gia chủ mới ngã ngửa khi biết đó là ngựa trắng.
Ngựa bạch được xếp vào động vật quý hiếm, cần được bảo tồn.
Ngựa bạch được xếp vào động vật quý hiếm, cần được bảo tồn.
"Theo thời gian, giống ngựa bạch càng trở nên hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng cao bởi khả năng sinh sản thấp, giá trị dược liệu quý nên ngựa bạch đang bị khai thác rất mạnh. Nếu ngay từ lúc này mà chúng ta không có biện pháp bảo tồn cũng như một chiến lược phát triển thì giống ngựa bạch này sẽ tuyệt chủng trong một ngày không xa".
TS Nguyễn Văn Đại (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển chăn nuôi miền núi phía Bắc)

"Cả cao ngựa bạch và cao ngựa thường đều có tác dụng chữa đau nhức xương khớp, mạnh gân, cường cơ, phòng chống loãng xương, bồi bổ cơ thể. Theo y lý truyền thống, cao ngựa bạch có tác dụng tốt hơn ngựa thường. Đó có thể do cấu trúc thành phần vi chất, khoáng chất trong xương ngựa bạch khác xương ngựa thường. Dù vậy, cao ngựa bạch vẫn chỉ là thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc chữa bệnh".
TTND Nguyễn Xuân Hướng(Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Đông y Việt Nam)
Trần Hòa

Bình luận(0)