Cụ ông hơn 60 năm mài dao kéo kiếm sống

Google News

(Kiến Thức) - Hơn 60 năm qua, cụ Vũ Văn Chanh (95 tuổi ở làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) gắn bó với nghề mài dao kéo. 

Quanh năm cụ mặc chiếc áo nâu, chân đi đôi dép cao su miệt ài đi khắp nơi để kiếm sống. Cụ Chanh bảo: "Lưng tôi đã còng, mắt đã mờ. Nhưng còn sức khoẻ tôi còn đi làm, không để con cháu phải nuôi".

"Tiệc cưới" là những rổ khoai lang!

Chúng tôi gặp cụ Chanh trên đường Quang Trung TP Thanh Hóa vào cuối buổi sáng, khi cụ đang nghỉ bên vệ đường, cụ giở nắm cơm cùng gói muối vừng ra và bảo: "Đây là suất ăn trưa của tôi đấy". Móm mém nhai từng hạt cơm, vừa ăn cụ vừa kể về những kỷ niệm đã qua. 

Cụ Chanh kể rằng, cụ đến với nghề mài dao kéo cũng là do duyên số. Trước đây gia đình cụ nghèo nhất vùng, ruộng đất không có để làm. Cụ phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi bố mẹ và các em. Cũng bởi gia đình nghèo khó mà cụ suýt nữa không lấy được vợ. "Quê tôi trước đây trai gái độ 18 - 20 tuổi là bố mẹ phải lo dựng vợ gả chồng. Bố mẹ cũng đi hỏi vợ cho tôi nhiều đám, nhưng bị từ chối. Bởi họ nhìn vào gia sản nhà tôi chỉ mái nhà tranh, cả nhà trông chờ vào mấy thước ruộng. Thế nên, ngoài tuổi băm (30 tuổi) tôi mới lấy được vợ. May thay cô ấy thuộc dạng quá lứa lỡ thì mới đồng ý lấy tôi", cụ Chanh nhớ lại. 

"Tiệc" cưới của gia đình cụ Chanh mời mọi người nội ngoại đến ăn mừng là những rổ khoai lang luộc. Tuy đơn sơ, nhưng hết sức tình cảm. Lấy vợ về cụ Chanh làm nhiều nghề kiếm sống. Ở gần nhà cụ sinh sống, có nhiều khu đồi núi. Thời đó, cụ có sức khỏe tốt được nhiều người thuê lên núi vác đá. Trong một lần khai thác đá, cụ đã chọn được một hòn đá có hình dáng và kích thước đẹp. Khi cụ mang về mài các vật dụng thì bất kể từ loại dao cùn, kéo gỉ đều sắc như nước. Thấy cụ rất khéo tay mài dao kéo, người dân quanh vùng cứ đến mùa vụ lại mang liềm, cuốc xẻng đến nhờ cụ mài. Thời đó cụ mài chủ yếu giúp hàng xóm là chính, nhiều người mang cân gạo, củ khoai đến trả công cụ. Dần dần cụ đi mài dao kéo thuê kiếm sống.

Đồ nghề của cụ Chanh để hành nghề. 

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Cụ Chanh bảo, trước đây khi còn khoẻ, cứ khoảng 4h sáng là cụ dậy cơm đùm cơm nắm đi làm. Mỗi ngày cụ đi vài chục cây số là bình thường. Có hôm cụ đi bộ lên tận huyện Triệu Sơn để hành nghề. "Thấy tôi mài dao kéo sắc lẹm, một người đàn ông khoái quá nên mời về tận nhà mài. Tôi không quan tâm đến việc họ trả công nhiều hay ít, mà thấy họ quý trọng tôi, nên tôi sẵn sàng đi bộ để đến mài", cụ Chanh kể.

Sức khoẻ cụ giờ yếu không thể đi bộ được nhiều. Nhưng cũng may, giờ có phương tiện xe buýt chạy qua gần nhà nên cụ chỉ đi bộ vài cây số là có thể bắt xe buýt lên TP Thanh Hóa để hành nghề. Người dân nhiều khu phố của TP Thanh Hóa đã quen thuộc với hình ảnh cụ già lọm khọm, tay chống gậy, quẩy trên vai hòn đá mài, chậu đựng nước để mài dao kéo. 

Cụ Chanh kể: "Mài dao có vẻ đơn giản, tưởng chừng ai cũng mài được. Nhưng quan trọng chỉ ần mài vài đường mà dao sắc như nước mới giỏi. Mài kéo là khó nhất, các thợ may ở TP Thanh Hóa phục tôi mài kéo nhất. Họ bảo, mỗi khi kéo cùn tôi chưa lên mài kịp, nhờ người khác mài chỉ cắt được vài mét vải, kéo lại cùn. Tôi mà mài họ cắt vải nửa tuần vẫn sắc lịm", cụ Chanh kể.

Tuy sức khoẻ cụ yếu dần, nhưng đôi tay cụ vẫn còn rất khéo léo. 

"Chủ nhà trọ không cho thuê, sợ tôi... đột tử"

Ngồi nói chuyện với tôi, cụ khoe sáng nay đi qua phố Đào Duy Từ được một anh khách quen, gọi vào mài dao và biếu cho 100.000đ. Cụ lý giải, đó la chỗ thân quen cụ mới dám lấy, chứ nếu người lạ cho ít khi cụ nhận. "Tôi đã từng chửi thẳng vào mặt một người, họ bảo giơ tuổi già như tôi nhiều người chống gậy, cầm nón đi xin. Như thế nhanh có tiền hơn, việc gì phải mài dao kéo cho mệt. Thú thực nhìn những người còn sức khoẻ mà ngửa tay đi xin tôi xấu hổ thay cho họ. Thà tôi nhịn đói chứ không bao giờ ngửa tay đi xin", cụ Chanh khảng khái nói.

Mỗi ngày cụ Chanh đi mài dao kéo cũng chỉ được vài chục nghìn đồng. Số tiền ít ỏi đó, cụ phai tính thật tằn tiện mới đủ sống. Buổi sáng thì cụ mang cơm nhà đi ăn, trưa cụ cũng chỉ dám ăn suất cơm chưa đến mười nghìn đồng với lèo phèo mấy miếng đậu, vài miếng thịt mỡ. Nhiều hôm bị mệt, cụ thuê trọ ngủ qua đêm để mai đi làm cho tiện. Tưởng rằng cụ có tiền sẽ được thuê để ở, nhưng khi nhìn thấy dáng vẻ lọm khọm của cụ bước vào nhà, chủ quán trọ lấy tay xua đuổi cụ đi ra chỗ khác. Vì sợ cụ tuổi già sức yếu, ở lại không may đêm hôm đột tử thì rất phiền phức. Nhiều đêm cụ không tìm được nhà trọ, cụ phải nằm ngủ bên hè phố. "Vào mùa hè còn đỡ chứ vào mùa đông, trời mưa phùn gió bấc hắt vào lạnh thấu xương. Cả đêm tôi không thể nào chợp mắt được", cụ Chanh âm sự.

Lưng cụ đã còng vì thời gian. 

"Được đồng nào, con cháu lấy đồng đó?"

Tôi hỏi cụ: "Cụ cao tuổi rồi, đi làm vất vả thế này con cháu không cản sao". Cụ Chanh trầm ngâm bảo: "Tôi trước đây sinh được 4 người con (hai trai, hai gái), hai người xấu số đã qua đời. Giờ chỉ còn hai đứa. Một đứa con trai đi làm ăn, sinh sống ở xa. Đứa con gái lấy chồng và ở cùng tôi. Thú thực con trai tôi mỗi lần về nhìn thấy tôi vẫn còng lưng đi mài dao kéo cũng gàn, khuyên can tôi ở nhà. Anh ta còn đập phá toàn bộ đồ đạc tôi hành nghề. Tiếng vậy, nhưng có đứa nào nuôi tôi được ngày nào đâu. Tôi tự đi làm để sống".

Theo lời cụ Chanh, cũng có nhiều người hảo tâm đã gửi quà cáp tiền bạc về để giúp đỡ cụ. Nhưng số tiền gửi về đến đâu con cháu cụ đều giữ hết, không đưa cho cụ. "Qua đường bưu điện, nhiều người gửi thư thăm hỏi, cả tiền nữa. Tôi phải làm lại chứng minh thư nhân dân để ra bưu điện lấy tiền. Nhưng các con cháu tôi đều đi lĩnh. Tôi không biết tiền nhiều hay ít. Đến tiền trợ cấp hằng tháng của tôi (đối tượng người cao tuổi mỗi tháng 180.000đ) cháu tôi cũng đi lấy thay. Khi lấy về cho tôi đồng nào biết đồng đó", cụ Chanh buồn bã nói.

Cụ Chanh cho biết, đi lên thành phố mài dao kéo còn khoẻ hơn ở nhà. Ở nhà cụ phải làm giúp con cháu nhiều việc. Nhất vào mùa gặt hái, có hôm cụ phải phơi phóng cả sân lúa và mấy sào rơm rạ, khiến cụ mệt nhoài. Cụ Chanh bảo: "Đi lên thành phố làm lúc đói có tiền muốn ăn gì thì ăn, muốn mua chai nước bò húc uống cũng dễ, chứ thực sự ở nhà thì không có đâu cháu ạ". 

Lời nói của cụ ông sống gần một thế kỷ chẵn khiến tôi rưng rưng nước mắt. Tôi biếu cụ tiền để cụ ăn trưa và cầu chúc cho cụ sức khoẻ, chúc cho cụ chân cứng đá mềm...

"Cụ Chanh đi mài dao kéo đã mấy chục năm rồi. Người dân nơi đây rất quý cụ, bởi cụ hiền lành và mài dao kéo rất sắc. Chúng tôi cũng tìm hiểu về cuộc sống của cụ ở quê, hằng tháng cụ được hưởng tiền trợ cấp. Nhưng con cháu cụ giữ cả. Tuy cụ già yếu, nhưng cụ vẫn tự làm kiếm sống. Không như nhiều người khác, gia đình khá giả, nhưng hằng ngày cứ lên thành phố xòe tay xin tiền".
Bà Nguyễn Thị Hiền (75 tuổi, Tổ trưởng tổ 3, phường Quang Trung TP Thanh Hóa) 

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Đức Lợi

Bình luận(0)