Họ bị người thân xa lánh, thậm chí bỏ bê. Hơn bất kỳ người nào, họ cần được động viên, chia sẻ và thèm nhận được một nụ cười thân thiện từ người thân.
Tết về nhớ mẹ
|
Phạm nhân Nguyễn Thanh Bảy (trái) đang trang trí cây mai đón Tết. |
Giữa tiết trời se lạnh, ngồi nói chuyện với tôi là ba thanh niên trẻ. Họ vào trại Phú Sơn 4 (Phú Lương, Thái Nguyên) khi đang còn tuổi vị thành niên. Người phạm tội hiếp dâm, kẻ cướp giật tài sản nhưng bề ngoài vẻ mặt ai cũng hiền khô.
Ấn tượng nhất với tôi là Sùng A Sía, 16 tuổi, người dân tộc Mông, quê ở Cao Bằng. Sía vào trại giam từ việc “đưa bạn gái về muộn”. Khi người nhà phát hiện, bạn gái khai đã lỡ bị Sía... yêu. Rồi bị bắt, bị tạm giam. Cuộc hoan ca ngẫu hứng phút chốc đã khiến Sía phải nhận mức án tù ba năm rưỡi. Mấy tháng trời ở trại giam, Sía cho biết khỏe và vui hơn ở nhà.
Thấy tôi ngạc nhiên, Sía bảo, nhà ở trên núi cao, quanh năm heo hút. Đêm về trời tối thui, buồn bã. Thanh niên như Sía ngoài đi rừng không biết phải làm gì. Sía bảo, bây giờ em ân hận lắm. Với người Mông, nếu cô ấy chấp thuận thì đã không sao.
“Ở trại, em được giam riêng cùng các bạn. Hằng ngày được học nghề, không phải lao động nên vui hơn ở nhà”, Sía hồn nhiên. Thoáng vẻ buồn, Sía đưa mắt nhìn xa xăm. “Năm nay không được nấu bánh chưng nữa. Tết đến rồi, em chỉ thấy nhớ nhà, nhớ mẹ”, Sía nói.
|
Các phạm nhân tại trại giam Thủ Đức thu lượm ớt để đón Tết. |
Nếu như Sía vì thiếu hiểu biết pháp luật mà phải vào tù, Nguyễn Thanh Bình lại là người một thời khét tiếng ở đất Sài Gòn. Bình sinh năm 1975, nhà ở quận 6, TPHCM, thụ án 9 năm vì tội mua bán trái phép ma túy, hiện đang thụ án tại trại Thủ Đức (Bình Thuận).
Mấy năm ở tù, mỗi lần Tết đến, Bình lúc nào cũng buồn vì không có người đến thăm. Vợ chưa, con chưa, ở nhà Bình chỉ còn người mẹ già năm nay đã ngoài 70. Bình kể: “Đời em coi như đã hết. Em không những nghiện mà còn bị nhiễm HIV. Tết đến em chỉ thương mẹ già, một mình lủi thủi. Vào trại rồi em mới thấy quãng thời gian qua sống hoài, sống phí. Tuổi thanh xuân qua đi vì ăn chơi vô độ. Mỗi lần nghĩ về mẹ, em lại ghê tởm và giận mình vì tội bất hiếu”, Bình bật khóc.
Trước đây, khi lên cơn, mẹ Bình lại phải van lạy vì trong nhà không còn gì để bán. Tết cận kề, nhà nhà đùm bánh chưng, trang hoàng lộng lẫy, nhưng nhà Bình hoang lạnh, thê lương. Biết Bình nghiện, lại nhiễm HIV nên ai cũng ghẻ lạnh.
“Đêm giao thừa, mẹ khóc cạn nước mắt, nhưng vì lên cơn nên em vẫn lao đi. Giờ nhớ lại cảnh mẹ quỵ ngã, không ai đỡ dậy, em cắn lưỡi tới nghìn lần vẫn chưa hết giận bản thân”, Bình nói. Nếu được làm lại, anh sẽ thế nào? Em sẽ không làm gì để mẹ phải khóc nữa. Em chỉ mong được sống đến ngày ra trại để được đùm bánh chưng cho mẹ mỗi khi Tết về.
Theo Thượng tá Trần Văn Hạnh, Phó giám thị Trại giam Thủ Đức, khi Bình vào trại sức khỏe yếu nên được bố trí làm các việc nhẹ nhàng. Do được chăm sóc tốt, sức khỏe Bình ngày một khá lên. Nhờ được hỗ trợ thuốc làm giảm tác hại của vi rút HIV nên bệnh của Bình có chiều hướng tốt lên mỗi ngày. “Những người như Bình ngoài chế độ Tết do nhà nước quy định, các ngày lễ cũng như cuối năm, còn được giám thị thăm hỏi, lì xì”, Thượng tá Hạnh nói.
Đau lòng ánh mắt trẻ thơ
Hôm tôi đến trại Phú Sơn 4, ở khắp các phân trại mọi người đang trang hoàng đón Tết. Lọt thỏm giữa rừng cây xanh là phân trại 4, nơi đang giam giữ hơn 700 phạm nhân nữ.
Từ cổng vào khuôn viên phân trại, các phạm nhân nữ đang chia nhau chặt cây, quét dọn. Bên phải phân trại, một nhóm phạm nhân nữ đang kết hoa giấy trang trí không gian chung.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám thị trại Phú Sơn 4, toàn trại giam có 6 phân trại, riêng phân trại 4 dành riêng cho phạm nhân nữ. “Dù phạm nhân nam hay nữ, khi Tết đến đều được hưởng mỗi người 17kg lương thực; 1,5 kg thịt cá; 15 kg rau xanh, rồi nước mắm, đường, mỳ chính...”, Đại tá Trường cho biết.
|
Các phạm nhân vị thành niên tại Trại giam Phú Sơn 4. |
Đang trò chuyện với các phạm nhân, thi thoảng lại nghe tiếng khóc của trẻ con. Thấy tôi ngạc nhiên, vị giám thị trại giam nói đó là con của các phạm nhân nữ. Hóa ra, ngay cổng phân trại số 4 có hẳn một nhà trẻ rộng chừng vài chục mét vuông. Những đứa trẻ bụ bẫm, đang nô đùa với những trò chơi con trẻ ai nhìn cũng thấy nao lòng. “Chúng có tội tình gì mà phải ở nơi chốn này”, một đồng nghiệp xót xa.
Theo người quản trẻ tại đây, bé ít nhất 20 tháng tuổi, nhiều nhất hơn 30 tháng. Đa số các bé đều được sinh ra ở trại. Chị Đinh Thúy Hồng (quê Thái Nguyên) vào trại được một tháng là sinh. Vì phạm tội cờ bạc nên chị Hồng lĩnh 15 tháng tù giam.
Tết về chị có nhớ gia đình, có thương chồng con? “Nhớ chứ anh. Chỉ vì ham cờ bạc mà em nên nỗi này. Thương con lắm vì khi sinh ra đã phải sống chung với mẹ ở trại”, chị Hồng nghẹn ngào.
Rồi chị cho biết, may mắn là con không khai sinh ở trại giam. Đã thế, cuối ngày làm về còn được đón con về buồng giam ở cùng mẹ. Nhiều đêm em khóc thầm vì nhớ chồng, thương con. Chỉ vì mẹ phạm tội mà con cũng phải ở trại. Nay mai con lớn lên, không biết sẽ ra sao.
Cùng cảnh ngộ, chị Hoa quê ở Hà Nội, phạm tội bán ma túy. Bế trên tay bé trai kháu khỉnh, chị Hoa nghẹn ngào nói không nên lời. “Vì thua lỗ và bị dụ dỗ, em liều bán ma túy để trả nợ. Em bị bắt, rồi tạm giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội). Cứ nghĩ cảnh con ở tù cùng mẹ hết từ Hà Nội lên Thái Nguyên là em lại khóc”, chị Hoa chia sẻ.
Được biết chồng chị Hoa làm nghề lái xe, đi sớm về hôm để kiếm tiền nuôi ba con ở nhà và trả nợ cho vợ. Dù gần Tết, nhưng chồng chị Hoa vẫn không có điều kiện để lên thăm hai mẹ con. “Em thương chồng, nhưng giờ có hối hận cũng không kịp”, Hoa nấc nghẹn.
Theo Đại tá Lương Văn Đạo, Phó giám thị Trại giam Phú Sơn 4, những bé gái như con chị Hồng, chị Hoa còn may mắn vì có mẹ ở bênh cạnh, thiệt thòi nhất là những bé bị gia đình ruồng bỏ.
“Giờ các bé còn nhỏ được trại chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhưng khi hơn ba tuổi biết nhận thức, trại phải làm hồ sơ để gửi vào các trung tâm giáo dưỡng vì môi trường trong trại sẽ không tốt cho tương lai các bé sau này”, Đại tá Đạo nói.
Rảo bước về phòng chỉ huy, Đại tá Đạo vừa đi vừa nói, mẹ có tội chứ các bé không có tội. Các bé ở trại cũng là điều bất đắc dĩ. Lẽ đó mà các dịp lễ hay Tết thế này, ngoài chế độ chung, các bé còn được lãnh đạo trại tặng rất nhiều bánh kẹo, sữa, quần áo. “Dù được ở cùng con nhưng mẹ vẫn phải mặc áo phạm nhân. Nhìn ánh mắt ngây thơ của các bé, có lẽ nếu được sửa chữa sai lầm, các phạm nhân nữ sẽ không bao giờ phạm tội”, Đại tá Đạo nói.
Chia tay Đại tá Đạo, nơi cuối con đường, các bé vẫn nô đùa nghịch ngợm. Ánh mắt trẻ thơ trong veo đến nỗi những ngày cuối đông cũng ấm dần lên và đỡ phần tê tái.
Xuân đang về...