Xử lý xe quá tải bằng trạm cân: Chỉ giải quyết phần ngọn!

Google News

(Kiến Thức) - Tránh đường, đút tiền cho “cò”… là những chiêu mà hàng trăm xe quá tải áp dụng để né trạm cân. Rõ ràng việc lập trạm xử lý xe quá tải chỉ là cách giải quyết từ ngọn. 

Đút tiền “cò” để đi đường tắt, né trạm cân
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh Hải Dương, từ ngày 12/3 đến nay, các trạm cân lưu động đã phát hiện, xử lý hơn 130 phương tiện, phạt tiền hơn 1,29 tỷ đồng, tước 130 giấy phép lái xe.
Đánh giá về tình hình hoạt động của trạm cân lưu động, ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương, Trạm phó Trạm cân tỉnh Hải Dương, cho biết: “Hiệu quả của trạm cân lưu động đã rõ khi lượng xe quá tải giảm. Người dân và ngay chính đội ngũ lái xe cũng đồng tình bởi làm quyết liệt như thế thì đảm bảo trật tự an toàn giao thông, người ta lái xe rất là nhàn. Thay vì né tránh trạm cân, mỗi ngày chỉ chạy được 1 chuyến thì bây giờ người ta có thể chạy nhiều chuyến. Khi tổ liên ngành làm việc thì rất nhiều tài xế trên đường đi về đã vào hỏi lực lượng chức năng xem xe người ta trên giấy tờ được chở tối đa bao nhiêu. Chứng tỏ nhận thức của họ đã có chuyển biến".
Tuy nhiên, đó chỉ là con số nhỏ so với thực tế bởi các lái xe quá tải đã áp dụng trăm phương, nghìn kế để né tránh trạm cân lưu động.
 Nhiều xe quá tải đã dùng đủ mọi cách để né trạm cân.
Khảo sát trên QL5 qua địa phận tỉnh Hải Dương, trạm cân lưu động được đặt ngay gần ngã ba Tiền Trung nhưng rất ít xe qua lại. Ngay việc kiểm tra xe quá tải cũng rất hạn chế do lưu lượng xe qua khu vực này ít đột biến. Tuy nhiên, đi về hướng Hải Phòng, cách trạm cân lưu động Tiền Trung chỉ vài trăm mét, hàng trăm xe tải cồng kềnh dừng ngay ven đường, nằm san sát nhau để né trạm cân. Khu vực trước cửa cây xăng gần trạm CSGT Ba Hàng cũng có tới hơn chục xe nằm đợi để chờ cơ hội qua trạm.
Một số xe tải biết mình quá tải nên đã tìm cách để né trạm cân. Họ di chuyển theo hướng QL37 về QL18, thậm chí nhiều xe còn chi tiền cho đội “cò mồi” để được đi qua lối trong khu công nghiệp Nam Sách. Tại KCN Nam Sách, con đường nội tuyến trong KCN vốn dĩ chỉ dành cho xe vào trong KCN ăn hàng thì nay tấp nập với đủ các loại xe trước sự bất lực của bảo vệ KCN này. Theo một bảo vệ tại đây, khi nhận tiền dẫn đường cho xe tải chạy trong KCN, “cò mồi” dùng mọi thủ đoạn để ép cho xe qua, thậm chí chúng còn đe dọa cả bảo vệ KCN.
“Để giảm chi phí, chủ hàng đa số phải tăng tải trọng của xe. Nếu qua trạm cân bị xử phạt thì tiền phạt sẽ nặng hơn rất nhiều chi phí 500.000 đồng cho cò dẫn qua trạm cân bằng đường tắt (đường trong KCN Nam Sách – PV)”, một lái xe cho hay.
Trao đổi với PV Kiến Thức về việc né trạm cân của các xe quá tải, Thượng tá Phạm Văn Lưu, Trạm trưởng Trạm cảnh sát giao thông Ba Hàng, Công an tỉnh Hải Dương nhận định, do mức xử phạt xe quá tải lớn, quá trình hạ tải mất nhiều thời gian nên các chủ xe phải né tránh hoặc tìm đường tắt khác để đi qua trạm cân. Đêm hôm hàng loạt xe kéo ầm ầm chạy qua. Hiện tại, cánh lái xe thường chọn cách chờ trạm cân nghỉ, hoặc là thời tiết xấu, trạm cân không làm việc mới chạy qua. Những điều này càng gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát xe quá tải.
Muốn hạ tải phải làm từ gốc
Khi PV Kiến Thức đang thực hiện tuyến bài này thì nhận được tin, vào lúc 14h ngày 21/4, tại Km 77 + 500 (Quốc lộ 70 thuộc địa phận thôn Bản 8, xã Long Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng khiến một người chết tại chỗ và hàng chục hành khách thoát chết trong gang tấc. Nguyên nhân xuất phát từ chiếc xe tải BSK 20R – 000.44 chở hơn 70 tấn gạo xuất phát từ TP Hải Phòng khi đi đến địa phận tỉnh Lào Cai, vì vượt qua xe khách BKS 53S – 7777 đang đỗ bên lề đường để sửa chữa nên xe tải lật nghiêng đè vào xe khách. Điều đáng nói là chiếc xe tải chở hơn 70 tấn gạo trong khi loại xe này chỉ được phép chở không quá 40 tấn. Điều đó cho thấy, trạm cân Hải Dương đã bỏ lọt chiếc xe quá tải trên khi chạy qua địa phận tỉnh này, mặc dù theo thông báo trạm cân Hải Dương hoạt động 24/24h kể từ ngày 15/4.
Không chỉ gây tai nạn, xe quá tải còn khiến cầu đường xuống cấp, cước phí vận tải được đẩy lên quá mức bình thường…
 Trạm cân hoạt động 24/24h nhưng xử lý rất ít do xe né trạm.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, hiện nay việc hạ tải trên các tuyến quốc lộ gặp nhiều khó khăn do nhiều vị trí đặt trạm cân lưu động không có bãi chứa, không có phương tiện hạ tải, bất cập này khiến việc xử lý các phương tiện quá tải như “bắt cóc bỏ đĩa”. Chỉ xử phạt xong lại cho đi nên dường như bất khả thi. Hàng hóa các phương tiện quá tải chở rất đa dạng nên không chỉ một thiết bị hạ tải mà áp dụng với tất cả các hàng hóa. Thực tế, ứng với mỗi loại hàng hóa phải có những thiết bị hạ tải khác nhau. Tuy nhiên, mỗi trạm cân lưu động phải kèm theo hàng chục phương tiện đi theo thì rất bất tiện.
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, Thượng tá Phạm Văn Lưu cho rằng, việc đặt trạm cân để xử lý xe quá tải chỉ là cách giải quyết từ ngọn, khó mang lại hiệu quả cao.
“Việc xe chở đúng tải sẽ mang lại nhiều lợi ích như công trình giao thông không xuống cấp, tuổi bền của phương tiện được nâng lên, quá trình vận hành xử lý khi điều khiển phương tiện sẽ an toàn, giảm tai nạn giao thông. Muốn làm được điều đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá tải, trong điều kiện chưa thể hạ tải, muốn làm triệt để phải xử lý tận gốc, tại nơi bốc xếp hàng. Bộ GTVT cần có văn bản chính thống đề nghị chủ xe, lái xe phải xếp hàng hóa đúng trọng tải xe từ nơi lấy hàng. Ví dụ xe 10 tấn thì chỉ được cấp phép đúng 10 tấn”, Thượng ta Lưu cho hay.
Nói về việc xử lý xe quá tải trốn trạm cân bằng đường trong KCN Nam Sách, ông Vũ Đức Hạnh, Phó Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Hải Dương, cho biết, từ ngày 15/4 trạm cân Hải Dương làm 24/24h. Tất cả có 5 tổ, 4 tổ chia nhau làm 3 ca. Một tổ lưu động đi kiểm tra. Riêng đường trong KCN Nam Sách, đã yêu cầu bảo vệ đóng cổng KCN, xe có giấy chứng nhận trong khu công nghiệp này mới được lưu thông.
Hải Ninh

Bình luận(0)