Những lao động đến từ bên kia đại dương
Phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) nổi tiếng với nhiều biệt thự cao cấp và sang trọng, nhiều người nước ngoài giàu có đã chọn để nghỉ dưỡng hoặc ở công tác tại Việt Nam. Có một bộ phận lao động "ăn theo" không nhỏ, chủ yếu là người Philippines.
Họ "ăn theo" bằng nghề giúp việc nhà, giữ trẻ, nhân viên phục vụ, đầu bếp cho những gia đình, nhà hàng, công ty của người nước ngoài... Họ sống tập trung một chỗ, cụm từ "xóm ôsin ngoại quốc" được sinh ra từ đó.
|
Có những người mặc cảm, rất sợ người khác hỏi về cuộc sống của họ. |
Đến xóm trọ "ngoại quốc" vào buổi sáng, cửa phòng nhà nào cũng khóa im ỉm, không gian vắng tanh. Tôi đã phải chờ cả một ngày để được gặp họ, không dễ chút nào. NHững người này đi làm ca thất thường. Chiều tối sẩm, tôi "bắt" được một anh Philippines đang lái xe đạp về. Cuộc gặp gỡ và nói chuyện vô cùng phức tạp, anh ta nói giọng địa phương, tiếng Anh câu gãy câu cụt.
Ramos (34 tuổi), đang là bếp trưởng của cửa hàng Lotte tại quận 2. Nhà anh ở Manila (Philippines). Mang tiếng là dân ở thủ đô nhưng gia đình Ramos nghèo xơ xác. Ở quê hương không thể tìm ra việc làm, anh theo chị gái sang Việt Nam chỉ với khát vọng… có việc làm.
Lương đầu bếp có tay nghề, Ramos được trả 5 triệu đồng một tháng. Bèo bọt so với mức sống ở khu phố Thảo Điền. Để trang trải tiền nhà trọ và sinh hoạt, Ramos phải lên kế hoạch thật nghiêm túc. Anh kiếm thêm một người bạn nữa ở ghép với mình để "cưa" 2,5 triệu đồng tiền phòng. Đi làm anh ăn ở cửa hàng, về nhà thì đi chợ nấu ăn.
Những ngày nghỉ, 2 người con trai ngoại quốc ra chợ chồm hổm (chợ tự phát) mua đồ, cũng mặc cả từng đồng, bằng cách giơ ngón tay, cụp ngón tay, gật đầu, lắc đầu. Một năm trời ở Việt Nam, Ramos chưa có lấy một đồng gửi về gia đình, thậm chí có tháng phải đi vay để trả tiền nhà. Dù rất tham vọng nơi này nơi kia nhưng Ramos chưa thể đi đâu, Việt Nam vẫn là lựa chọn duy nhất, mặc dù thu nhập không cao.
19h, 4 cô gái ở phòng bên cạnh lạch cạch dắt xe đạp về. Alen, Nita, Maryseo và Anna…, trong đó, 3 cô gái "tuổi đã quá băm" cùng quê Philippines dắt díu nhau sang Việt Nam làm ô sin. Ở Philippines các cô thất nghiệp triền miên nên mới phải sang Việt Nam và đều ở trong tình trạng "quá lứa lỡ thì".
Là lao động mới, chưa có kinh nghiệm nên các cô chỉ kiếm được công việc ô sin theo giờ. Làm giờ nào có tiền giờ đó. Chỉ Maryseo có hợp đồng ổn định, nên đời sống có vẻ thông thênh hơn.
Công việc bấp bênh, khiến cuộc sống Alen, Nita, Anna vô cùng khổ sở. Hầu như họ không dám ra ngoài, không dám mua sắm, không dám đến bất cứ nơi vui chơi giải trí nào. Vì mặc cảm với thân phận, nên họ co rụt lại trong phòng.
Chúng tôi rất khó tiếp xúc với họ, với mong muốn hiểu hơn về cuộc sống, tâm sự, ước mơ... nhưng họ khép kín hoàn toàn. Những điều viết ra đây chỉ là những lát cắt rất nhỏ trên cả cuộc hành trình mưu sinh ở xứ người của những lao động đến từ Philippines.
|
Làm nhân viên phục vụ bàn nhưng anh chàng Sonny rất hãnh diện. |
Chị Thu Hà (chủ nhà trọ) cho biết: "Người Philippines sống rất ngăn nắp, đồ đạc trong nhà họ luôn sắp xếp đúng vị trí. Phòng trọ không rộng lắm, nhưng họ cố gắng tận dụng diện tích để tuyển thêm người ở ghép để tiết kiệm tiền. Cả nam lẫn nữ đều chịu khó. Họ ý thức công việc và hoàn cảnh của mình rất nghiêm túc".
Họ cũng có gia đình ở quê hương, đều nghèo, cũng mong con cái đi làm gửi chút tiền về trang trải cuộc sống. Nên những ô sin này chỉ mong có việc làm quanh năm, thất nghiệp sẽ là ám ảnh. Maryseo quê ở Talcoban, nơi hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines tháng 11/2013.
Từ Việt Nam, nghe tin mẹ chết trong bão, Maryseo khóc thảm thiết, ngay lập tức cô xin chủ cho nghỉ để về chịu tang mẹ. Cô xin khất tiền phòng lại, dồn tiền dành dụm nhiều tháng bay về quê. Hàng xóm, bạn bè thương tình đã quyên góp mỗi người một chút, chủ nhà giảm 500.000 đồng tiền nhà để Maryseo nhẹ lòng thêm.
Còn Anna có chị gái bị thương nặng, cô không thể về được, ở Việt Nam ngày nào cũng khóc. Sau bão, gia đình Maryseo không còn gì, tất cả hư hỏng, cô ở Việt Nam còn hạnh phúc vì có nhà để ở, có cơm để ăn.
Khóc cười nỗi niềm viễn xứ
Tại Việt Nam, dù vận vào thân danh phận là ô sin, nhưng họ được người ta nhìn bằng con mắt khác. Chưa hẳn đã thấp hèn, chưa hẳn đã bần cùng. Sonny là người thứ hai chúng tôi tiếp cận được ở xóm trọ "ô sin ngoại quốc". Trái với sự rụt rè, sợ hãi của những cô gái phòng bên, Sonny vui vẻ chia sẻ, cũng bởi anh có một tình cảm vô cùng đặc biệt với con người Việt Nam. Ở Việt Nam 6 năm rồi, anh chưa bao giờ muốn quay về quê hương.
Những người bạn Việt Nam sống chân tình, cởi mở. Họ có món gì ngon đều chia sớt cho hàng xóm ngoại quốc, đổi lại, Sonny dạy ngoại ngữ cho hàng xóm Việt Nam.
Những dịp Tết cổ truyền ở Việt Nam, xóm trọ Philippines cùng hòa chung niềm vui, họ được chia sẻ bánh chưng, được nhận tiền mừng tuổi... Sonny bảo: "Tôi vô cùng hạnh phúc vì được đón Tết ở Việt Nam. Tết của người Philippines bắt đầu từ ngày 30/12 (dương lịch), cùng với phương Tây, nên hầu hết chúng tôi không thể về quê hương đón Tết được. Người Việt Nam đã sưởi ấm tấm lòng chúng tôi".
Sonny hiện là nhân viên phục vụ bàn, làm theo ca cho một nhà hàng hải sản tại quận 1. Thời gian còn lại, anh làm phiên dịch trong hồ bơi có đông người nước ngoài ở phường Thảo Điền. Công việc phủ kín thời gian của Sonny nên anh hầu như không có điều kiện đi chơi.
Đổi lại, anh là người có thu nhập tương đối rủng rỉnh ở xóm trọ, mọi người thiếu tiền đều nghĩ đến anh. Sonny có vợ và con trai 8 tuổi ở Philippines, anh nhớ lắm nhưng không thể về thăm được, vợ con anh cũng không thể sang Việt Nam.
Cách đây 2 năm, anh về Philippines và dẫn theo đứa em họ là Anna sang Việt Nam cho có anh có em, và cũng để giúp Anna kiếm việc nuôi thân vì bố mẹ già hết không nuôi nổi cô nữa.
|
Dẫu vất vả nhưng anh em nhà Anna vẫ nở nụ cười lạc quan. |
Công việc của Anna là giữ em bé cho một gia đình người nước ngoài. Hỏi Anna sao lại chôn vùi tuổi xuân ở đây? Sao không học hành? Còn trẻ sao không làm việc ở Philippines? Anna ngượng nghịu, bối rối. Cô trả lời bằng vốn tiếng Anh vỡ lòng: "Em nghỉ học lâu lắm rồi, không biết làm gì mới sang đây".
Niềm vui của cô bé hiện rõ trên bờ môi chúm chím, khi cô nhắc tới một người bạn Việt Nam. Đó là chàng trai tên Tuấn quê Bến Tre hơn cô 2 tuổi, đang làm phục vụ quán cà phê vườn ở khu vực Thảo Điền. Anna gặp Tuấn trong một lần đi uống cà phê và tái ngộ nhiều lần trong con hẻm nhỏ ở dãy trọ.
Tuấn cũng ở trọ cùng hẻm với Anna. Tuổi 20, Anna toát lên vẻ đẹp tròn trịa, tươi trẻ, gây chú ý đặc biệt cho cánh đàn ông, cả già lẫn trẻ. Tuấn có chút vốn liếng ngoại ngữ, sự hòa hợp giữa hai tâm hồn càng xích lại gần nhau. Từ ngày quen Tuấn, Anna đã nói được đôi điều bằng tiếng Việt, chẳng hạn, nhớ anh, cảm ơn, chúc ngủ ngon…
35 tuổi chưa có vợ, Ramos chia sẻ không phải vì anh không lấy được vợ mà vì anh chẳng thể nuôi thêm một miệng ăn nữa, chưa kể con cái sau này. Đây là nỗi khổ chung của những chàng trai cô gái Philippines đang lao động tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thuận, tổ trưởng Tổ 27 (Khu phố 3, phường Thảo Điền, quận 2):
"Khu vực này toàn người Philippines thuê trọ, gia tăng từng năm vì người này rủ người kia đến ở ghép, nên hình thành một xóm xôm tụ. Họ đi làm tối ngày, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ sống theo cộng đồng, đùm bọc lẫn nhau, chia sẻ mọi thứ và cũng rất chân tình với hàng xóm Việt Nam.
Tính họ rất cẩn thận, đề phòng mọi vấn đề. Khi các bạn cùng nhau đi làm hết, họ sẽ cử ra một người ở nhà coi nhà, mặc dù cửa đã khóa. Nhà tôi bán tạp hóa, họ thường ra mua nhưng cũng mặc cả từng chút một. Tôi thấy họ ăn kham khổ và rất tiết kiệm. Vì bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa, phong tục nên họ ít giao tiếp bên ngoài, cũng không gây mất lòng mọi người. An ninh trật tự tương đối định, bà con chúng tôi không phải phiền lòng điều gì".