Vì sao lùm xùm tại KCN Cẩm Điền – Lương Điền kéo dài?

Google News

(Kiến Thức) - Bị người dân phản đối, ngăn cản thi công, bồi thường giao đất kéo dài... là những lý do dẫn đến việc chậm tiến độ thi công KCN Cẩm Điền - Lương Điền...

Liên quan đến việc người dân dựng lều lán trước cổng KCN Cẩm Điền – Lương Điền (huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) suốt thời gian dài, cản trở quá trình thi công, chiều ngày 31/3, UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức cuộc họp báo thông tin về những vấn đề liên quan đến dự án và thông báo sẽ tổ chức bảo vệ thi công trong đầu tháng 4/2016...
8 năm chưa hoàn thành dự án
Ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương vừa thông tin quá trình triển khai KCN Cẩm Điền – Lương Điền. Theo đó, KCN Lương Điền – Cẩm Điền được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập theo văn bản số 692/TTG-KTN ngày 8-8-2008. Ngày 5-8-2008, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 2886 /QĐ-UBND thu hồi 208,1149ha đất và giao cho Công ty Phúc Hưng thuê.
Từ năm 2011 đến 2014 dự án dừng thi công để thực hiện điều chỉnh quy hoạch, trả lại một phần diện tích cho sản xuất nông nghiệp.
Vi sao lum xum tai KCN Cam Dien – Luong Dien keo dai?
 PCT UBND tỉnh Hải Dương Vương Đức Sáng tại cuộc họp báo.
Sau đó, năm 2014, Công ty Phúc Hưng đã chuyển nhượng lại dự án trên cho VSIP Hải Dương. Tháng 4/2015, công ty Phúc Hưng đã hoàn thành hồ sơ thủ tục chuyển nhượng dự án KCN cho VSIP JSC tiếp tục thực hiện.
Tuy nhiên, đến nay (3/2016) sau 8 năm triển khai thực hiện dự án, vẫn chưa thể đẩy mạnh tiến độ dự án.
Tại cuộc họp báo thông tin liên quan đến vấn đề trên, ông Vương Đức Sáng, PCT UBND tỉnh Hải Dương cho biết: “Trong quá trình triển khai có một số vướng mắc, đến nay chưa triển khai được”.
Theo ông Phạm Minh Phương thông tin, nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án chậm tiến độ là do gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, việc bồi thường giao đất kéo dài, quá trình thi công bị một số người dân Cẩm Điền cản trở...
Vì sao người dân lại cản trở việc triển khai thi công dự án trên?
Tại buổi đối thoại giữa người dân xã Cẩm Điền với Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan, các hộ dân xã Cẩm Điền đã đưa ra những lý do họ cản trở việc triển khai thi công và mong muốn các cơ quan chức năng giải đáp các vấn đề liên quan đến căn cứ pháp lý, chính sách và quá trình bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Lương Điền – Cẩm Điền. Đại diện một số hộ dân cho rằng, việc đền bù người dân bằng thửa ruộng ở vị trí khác xa hơn không thuận lợi việc gieo cấy nên họ không chấp nhận, có hộ dân yêu cầu trả lại ruộng ở đúng vị trí ô, thửa trước đây. Dù UBND huyện Cẩm Giàng và các ban ngành đã nhiều lần đối thoại với các hộ dân thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ, nhận đất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất xây dựng KCN Lương Điền – Cẩm Điền nhưng chưa đi đến thống nhất và người dân vẫn tiếp tục phản đối, cản trở quá trình thi công của chủ đầu tư.
Vi sao lum xum tai KCN Cam Dien – Luong Dien keo dai?-Hinh-2
 Tại cuộc đối thoại chiều 30/3, người dân Cẩm Điền đã đưa lý do vì sao cản trở thi công.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết: “Chiều 30/3, ngay trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Dương Thái những người dân có đất thu hồi dự án chưa đồng ý nhận tiền đã đưa ra phản ánh liên quan đến đơn giá đền bù, nhận đất nông nghiệp. Đa số họ đều đòi hỏi bồi thường ở mức cao hơn mức quy định, yêu cầu nhận chỗ canh tác thuận lợi, đất ở đâu nhận ở đó. Thông qua việc trả lời, các chế độ chính sách nhà nước đều được đáp ứng tại thời điểm thu hồi đất. Chủ tịch UBND tỉnh cũng có kết luận tại buổi đối thoại các ý kiến thắc mắc người dân sẽ được rà soát lại, vận dụng ở mức cao nhất đảm bảo quyền lợi người dân.
“Hiện nay còn 70 hộ dân chưa đồng ý nhận đất và nhận tiền vì cho rằng chưa thỏa đáng. Các hộ dân yêu cầu nhận đất canh tác ở vị trí thuận lợi cho canh tác, không đồng ý nhận ở khu 22,2 ha mà huyện đã bố trí”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành thông tin: “Căn cứ vào tình hình thực tế, khi thực hiện thu hồi đất, xây dựng phương án bồi thường có 116 hộ dân không đồng ý, trong đó có 13 hộ dân sau đồng ý phương án và nhận tiền, 33 hộ dân có đất nằm trong 22,2ha. Còn lại 70 hộ không đồng ý. Bản thân tỉnh và huyện đã bố trí khu đất dân cư dịch vụ 5%, tỉnh đã có quyết định dành 8,8 ha xây dựng hạ tầng, bố trí khu dân cư, đất dịch vụ dành cho các hộ có đất bị thu hồi. Toàn bộ hạ tầng đến nay đã thực hiện xong, UBND xã Cẩm Điền đang tiến hành chia đất cho các hộ dân. 100% các hộ đã nhận tiền đồng ý nhận đất 5% này”.
Nói về việc, các hộ dẫn thắc mắc đơn giá chênh lệch giữa 5 hộ dân thôn Bái Dương của xã Lương Điền với mức áp dụng với người dân thôn Hoàng Xá (xã Cẩm Điền), ông Trịnh Ngọc Thành khẳng định: “Thực hiện đảm bảo thống nhất đơn giá, không có chuyện chênh lệch đơn giá bồi thường. Giờ có ý kiến, chúng tôi sẽ xem xét và trả lời cụ thể”.
Ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hải Dương cho biết: “Việc bồi thường hỗ trợ là theo đúng đơn giá quy định tại thời điểm thu hồi đất. Việc vướng mắc đến nay, một số hộ dân có suy nghĩ có quan điểm, nhận thức chưa đồng ý phương án bồi thường. Trong số 1300 hộ trên địa bàn hai xã Lương Điền, Cẩm Điền thì đã có hơn 1000 hộ đã chấp hành phương án. Còn lại một số hộ dân đòi hỏi trả lại đất theo đúng vị trí cũ đã bị thu hồi thì không thể khả thi được. Nếu còn quỹ đất thì bồi thường đất, nếu không thì hỗ trợ bằng tiền. Theo quy định của Luật Đất đai 2003, không có chuyện thỏa thuận giữa người sử dụng đất với nhà nước. Đã thu hồi là không có thỏa thuận. Thu hồi thì việc bồi thường phải theo đúng trình tự và quy định pháp luật.”
“Việc đòi hỏi bồi thường hỗ trợ của một số hộ dân vượt quá quy định tại thời điểm thu hồi đất. Nếu giải quyết cho họ thì còn hơn 1000 hộ dân đã nhận tiền thì giải quyết thế nào. Đã là luật pháp thì phải chấp hành, nếu ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Họ đòi bồi thường hơn những người đã nhận tiền trước đây là không thể thực hiện được”, ông Lộc cho hay.
Sau 8 tháng vẫn chưa điều tra ra vụ “máy xúc chèn dân”
Liên quan đến vụ việc bà Lê Thị Châm bị thương khi va chạm với máy xúc vào ngày 10/7/2015, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng Trịnh Ngọc Thành cho biết: “Ngay khi xảy ra sự việc, công an huyện đã phối hợp với các cơ quan, thu thập chứng cứ tài liệu và đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội cố ý gây thương tích. Hiện chưa có kết luận, khi có kết luận sẽ thông tin”.
Trước đó, tại cuộc đối thoại ngày 30/3 giữa người dân Cẩm Điền với Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, liên quan vụ việc bà Lê Thị Châm, đại diện công an huyện Cẩm Giàng thông tin: “Ngay sau khi nhận được tin báo công an huyện Cẩm Giàng đã có mặt để điều tra xác minh điều tra làm rõ sự việc, giám định sức khỏe đối với bà Lê Thị Châm. Viện pháp y trung ương kết luận đối với bà Lê Thị Châm là 45%. Do bà Châm là người bị hại, sau khi xác định tỷ lệ thương tích cùng với các tỷ lệ thương tật là có thật, thương tích đó không phải do bà Châm tự gây ra... Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích. Do vụ án có nhiều tình tiết phức tập, cơ quan công an đã có công văn, gia hạn thời hạn điều tra số 02 ngày 7/3/ 2016. Trong quá trình điều tra xác minh, những người có mặt tại hiện trường không hợp tác với cơ quan điều tra. Đến nay, cơ quan điều tra khó khăn khi thu thập chứng cứ. Cơ quan công an huyện đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để làm rõ, vận động bà con nhân dân cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, nhưng không nhận được sự hợp tác”.
Thực hiện chậm khó trả lời với dân
“Dự án được thực hiện từ năm 2008, nếu nhà nước thu hồi trên 30% đất nông nghiệp trở nên thì ngoài việc thực hiện thu hồi thì cần phải có sự chuyển đổi đất dịch vụ, không quá từ 5 % đến 10% đất. Người nông dân bị thu hồi đất thì cần phải giữ lại một chút đất để làm dịch vụ, để người ta bán cái hàng, cái quán chứ đấy là mục đích trong chuyển đổi dịch vụ. Nhưng mãi sau này mới thực hiện, như thế là chậm, đây cũng không phải lỗi của chủ tịch hay bất kì ai, nhưng do thực hiện chậm, tôi phải nói sòng phẳng như thế! Chính vì cái này, mà bà con cứ tưởng đi khiếu kiện thì được thêm, nhưng thực tế không như thế, chính sự thực hiện chậm mà dẫn đến bây giờ khó trả lời đối với cho bà con. Bên cạnh đó, thứ nhất là phải nói nhà đầu tư, làm việc không bàn bạc, khi chưa được các cấp thẩm quyền phê duyệt mà ra san lấp khiến bà con bức xúc dẫn đến hậu quả như thế. Hai nữa là, việc có người thương tích, cơ quan công an phải tích cực điều tra, tìm mọi giải quyết và trả lời dứt điểm chuyện đấy đi, không để kéo dài điều đấy, khiến bà con ngóng chờ”.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ.
PV Kiến Thức tiếp tục thông tin liên quan đến vụ việc trên...
Hải Ninh - Giang Vương

Bình luận(0)