Suốt gần 4 tháng qua, bà Lê Thị Châm (SN 1963, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương, người phụ nữ bị máy xúc chèn ở Hải Dương phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác và sự bức xúc bởi trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ vụ việc. Trước đó, bà bị máy xúc chèn vào người khi xảy ra va chạm lúc bà cùng một số người dân khác ngăn cản máy xúc vào công trường để thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) vào 8h sáng ngày 10/7.
Cực chẳng đã người phụ nữ đau ốm toàn thân phải làm đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Hải Dương để điều tra minh bạch làm rõ vụ việc mà theo bà, việc bà bị máy xúc chèn lên xảy ra giữa ban ngày với hàng trăm nhân chứng.
|
Bà Lê Thị Châm nằm dưới bánh xích ngày 10/7. |
|
Bà Châm khi cấp cứu trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. |
Trong đơn "kêu cứu khẩn cấp" gửi các cơ quan chức năng, bà Lê Thị Châm trình bày: "Tôi cùng 91 hộ dân thôn Hoàng Xá có diện tích đất bị thu hồi năm 2008 nhưng chưa nhận tiền đền bù với lý do tiền chi trả đất bị thu hồi quá thấp. Vào hồi 8h sáng ngày 10/7, có một chiếc máy xúc bánh xích đi vào khu vực KCN Cẩm Điền - Lương Điền để thi công, tôi và mọi người ra ngăn cản không cho xe vào. Người lái xe dừng lại và có một thanh niên khác nhảy lên chiếc xe nói "tao là dân xã hội đen" chửi bới lăng mạ, xúc phạm người dân, sau đó cướp tay lái máy xúc, chúng tôi ra ngăn lại nhưng lái xe cố tình lao thẳng vào. Khi tôi ngã xuống, người dân có mặt kêu la ầm ĩ nhưng thanh niên này vẫn cố tình lao thẳng vào người tôi. Lúc đó tôi bất tỉnh và được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, sau đó tôi được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức. Theo bệnh án, tôi bị gãy xương đầu bả vai bên phải, gãy nát nhiều đoạn hàm dưới và mấy răng hàm trong, dập xương mặt bên phải. Sức khỏe hiện nay của tôi chưa ổn định. Tôi mong muốn các cơ quan điều tra làm rõ vụ việc. Tôi đề nghị các cơ quan điều tra tìm ra thủ phạm và người đứng đầu tổ chức vụ việc như trên. Các cơ quan có liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại cho tôi".
|
Ngoài gửi đơn đến các cơ quan chức năng, bà Châm gửi đơn đến các cơ quan báo chí để lên tiếng về vụ việc. |
Theo lời bà Lê Thị Châm, bản thân bà có 605m2 đất thuộc khu CN Cẩm Điền. Năm 2008, cơ quan chức năng đền bù với giá 16,2 triệu/sào. "Diện tích đất của tôi không lớn nhưng đó là cả gia tài của tôi. Tôi không chồng, không con, tuổi về già chỉ trông vào số diện tích đất ấy để mưu sinh. Hôm xảy ra sự việc, có hơn chục người dân đứng chặn đầu máy xúc, tôi đứng bên bánh máy xúc, chúng tôi lùi đến đâu, xe xúc tiến đến đó. Sau đó máy xúc đâm vào người tôi. Khi đó tôi ngất xỉu không còn biết gì nữa", bà Châm cho biết thêm.
Hiện giờ hoàn cảnh của bà Lê Thị Châm rất éo le. Bà Lê Thị Thụy (62 tuổi) là chị gái bà Châm cho biết, bà Châm sống một mình. Từ ngày xảy ra sự việc luôn trong cảnh ốm đau. Khi rời viện về nhà thì bà Châm về ở cùng cháu dâu để có người chăm sóc.
"Trong suốt thời gian bà Châm bị thương, gia đình tôi phải đứng lên vay mượn tiền để chạy chữa vì cuộc sống của em tôi rất khó khăn. Có điều lạ từ ngày em tôi gặp nạn, chỉ có đại diện công ty VSIP đến thăm và họ có hỗ trợ 3 triệu đồng còn ngoài ra không có cơ quan ban ngành nào đến, động viên, thăm hỏi", bà Thụy cho hay.
Nói về sức khỏe của mình, bà Châm cho biết: "Sức khỏe của tôi giờ rất yếu, vẫn đau bên bả vai phải, đau hàm, sinh hoạt khó khăn. Tất cả đều phải nhờ vào cháu dâu và chị gái là bà Lê Thị Thụy".
|
Bà Lê Thị Châm trao đổi với PV Kiến Thức ngày 5/11/2015. |
Liên quan đến quá trình điều tra vụ việc, ngay khi xảy ra vụ việc, để làm rõ việc có hay không bà Châm bị xe bánh xích chèn qua, Công an huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) đã đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm hỏi và lấy được khai của bà Lê Thị Châm.
Đơn vị này cũng đang tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để điều tra ban đầu đối với ông Nguyễn Văn Sinh, 42 tuổi (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương, đang nằm điều trị ở Viện Quân y 7, TP.Hải Dương), người được cho là đã lái máy xúc chèn lên bà Châm sáng ngày 10/7, tại dự án khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền, sau đó bị người dân đánh bị thương. Công an huyện Cẩm Giàng cũng xác minh ông Sinh có phải là người của đơn vị phụ trách thi công dự án, có bằng lái máy xúc và có được giao nhiệm vụ lái máy xúc không. Ngày 13/10 vừa qua, cơ quan công an đã đưa bà Lê Thị Châm đi giám định mức độ tổn hại sức khỏe tại Viện Pháp y Quốc gia thuộc Bộ Y tế.
|
Bà Lê Thị Thụy, chị gái bà Châm. |
Ở diễn biến khác, khi xảy ra sự việc, UBND tỉnh Hải Dương đã có văn bản gửi Chính phủ báo cáo vụ việc liên quan đến việc xe xúc của đơn vị thi công KCN Cẩm Điền - Lương Điền chèn vào người bà Lê Thị Châm (trú tại thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng) ngày 10/7. Theo báo cáo, khoảng 8h ngày 10/7, 1 xe xúc của nhà thầu di chuyển từ Quốc lộ 5 vào KCN, bị số đông người dân ngăn cản nên có xảy ra va chạm. Bà Lê Thị Châm bị ngã, có chạm vào xe. Sau đó, bà Châm được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra chiều 31/7 ở Hà Nội, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết: "Đối chiếu báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương với thông tin của người dân, dư luận xã hội, cũng như thông tin của chủ đầu tư thì có những tình tiết chưa rõ nên Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan của tỉnh điều tra, xem xét. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý nghiêm minh; đồng thời xử lý các khiếu nại của người dân một cách thỏa đáng để tình hình địa phương bình ổn trở lại. Hiện tỉnh Hải Dương cũng đang khẩn trương chỉ đạo việc này”.
Tuy nhiên từ đó đến nay, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong cuộc họp báo ngay sau khi được bầu làm Bí thư tỉnh Hải Dương vào ngày 28/10 vừa qua, trả lời câu hỏi của báo chí về việc giải quyết ở khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền, ông Nguyễn Mạnh Hiển, tân Bí Thư Tỉnh Hải Dương cho biết: “Tôi là người trực tiếp chủ trì giả quyết việc này. Vừa rồi diễn ra việc xô xát giữa người dân và đơn vị thi công, người dân có ý kiến mấy vấn đề. Kết luận việc máy xúc đè lên người đúng hay không đúng? Trước vấn đề đó, công an đã đưa video clip lên giám định Viện giám định hình sự của Bộ Công an để làm rõ video clip đó có đúng không? Đến giờ này vẫn chưa có kết luận đúng hay sai về clip đó.
Sau vụ việc này, chúng tôi đã đối thoại với người dân nên sẽ tổ chức thi công để triển khai các cơ sở hạ tầng ở khu công nghiệp. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã xong theo đúng các quy định. Tôi chỉ đạo một số hộ dân chưa lấy đất, thì chính quyền bố chí đất chia cho các hộ dân, các ông bà không đến nhận thì vẫn cắm biển báo, gia đình này được bao nhiêu mét ở đâu”.