Sau buổi đối thoại ngày 15/12 không thành công vì nhiều người dân tự ý bỏ về giữa chừng, sáng 28/12, Ủy ban nhân dân huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã tiến hành đối thoại lần 2 với đại diện các hộ dân thôn Hoàng Xá (xã Cẩm Điền) có đất bị thu hồi thuộc dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc đất canh tác. Tại cuộc đối thoại lần này, cùng với sự có mặt của các hộ dân, đại diện các cơ quan chức năng thì đại diện Đoàn luật sư An Thái cũng đã được tham gia.
Tại chương trình, người dân đã nêu các kiến nghị, nguyện vọng xung quanh việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền- Lương Điền. Đa số ý kiến tập trung vào: các quyền lợi mà người dân được hưởng sau khi bị thu hồi đất; thắc mắc về sự bất nhất trong việc công bố giá đền bù ở hai thời điểm có sự khác nhau (ban đầu là 16,2 triệu đồng/sào, sau đó lại nâng lên là 23,4 triệu đồng/sào); xin nhận lại đất để sản xuất và đất này phải được bố trí ở một khu, có mương máng và hạ tầng thuận lợi cho canh tác; đề nghị minh bạch thông tin về vụ xô xát vào ngày 10/7/2015 tại khu công nghiệp khi để máy xúc chèn dân...
|
Bà Châm bị tổn hại 45% sức khỏe.
|
Trả lời về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, Sở Tài chính Hải Dương đã cùng phân tích, nói rõ. Đại diện hai Sở, ngành này khẳng định việc thực hiện bồi thường và hỗ trợ là đúng pháp luật. Tại Quyết định 1795/QĐ-UBND ngày 5/5/2005, mức hỗ trợ 16,2 triệu đồng/sào, nhưng thời điểm năm 2008- thời điểm tỉnh ra Quyết định thu hồi đất - thì giá đền bù đã thay đổi (theo Quyết định 42/2008/QĐ-UBND) và mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp lúc này là 23,4 triệu đồng/sào.
Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng, ông Trịnh Ngọc Thành cho biết, việc bồi thường và hỗ trợ là do Hội đồng giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân huyện và các ngành của tỉnh thực hiện, tham mưu cho tỉnh và chịu trách nhiệm nên việc đối thoại là tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện triển khai. Với các hộ chưa nhận tiền đền bù, tỉnh đã có hai phương án: quyết định thu hồi 20,2 ha đất để giao lại cho các hộ và các hộ có nhu cầu nhận đất thì Ủy ban Nhân dân xã bố trí giao đất tại khu 20,2 ha. Các hộ có nhu cầu nhận tiền đền bù thì nhận theo phương án đã duyệt, cộng 5% đất dịch vụ và cộng với lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm.
Cũng tại buổi đối thoại, Trưởng công an huyện Cẩm Giàng Nguyễn Đức Thìn đã nói rõ thêm về vụ xô xát ngày 10/7/2015 tại Khu công nghiệp dẫn đến việc bà Lê Thị Châm phải đi bệnh viện.
Theo ông Nguyễn Đức Thìn, ngay sau khi xảy ra sự việc, công an huyện Cẩm Giàng đã phối hợp với các ngành chức năng thu thập tài liệu làm rõ. Kết quả giám định của Viện pháp y Trung ương cho thấy bà Châm bị thương tích với tỷ lệ 45%, ba người còn lại cũng bị thương nhưng từ chối giám định sức khỏe. Công an huyện Cẩm Giàng đã xác định bà Lê Thị Châm là người bị hại. Vụ án hiện đang được điều tra, mong người dân cung cấp chứng cứ và phối hợp với công an.
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, suốt gần 4 tháng qua, bà Lê Thị Châm (SN 1963, trú ở thôn Hoàng Xá, xã Cẩm Điền, tỉnh Hải Dương, người phụ nữ bị máy xúc chèn ở Hải Dương phải gánh chịu những nỗi đau về thể xác và sự bức xúc bởi trong suốt thời gian dài, các cơ quan chức năng vẫn chưa làm rõ vụ việc. Trước đó, bà bị máy xúc chèn vào người khi xảy ra va chạm lúc bà cùng một số người dân khác ngăn cản máy xúc vào công trường để thi công KCN Cẩm Điền Hải Dương (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) vào 8h sáng ngày 10/7/2015.
Các cơ quan chức năng cho biết, sau buổi đối thoại này, Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền- Lương Điền sẽ tiếp tục được triển khai thi công. Tỉnh và các cấp, các ngành sẽ bảo vệ thi công, mọi hành vi ngăn cản việc thi công thực hiện dự án là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.