Hành động mị dân và dùng thủ đoạn trắng trợn để chiếm Hoàng Sa - Trường Sa mới đây nhất của Trung Quốc là xuất bản bản đồ theo chiều dọc có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Theo nguồn tin từ Truyền hình Phượng hoàng Hong Kong cho biết, một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã đi ngược lại truyền thống làm bản đồ ngang bằng cách đưa ra bản đồ Trung Quốc theo chiều dọc gồm các quần đảo mà nước này tranh chấp, xấm lấn với các nước khác ở Biển Đông và Hoa Đông.
Đây là lần đầu tiên, một tấm bản đồ dọc khổ lớn được chính thức xuất bản tại Trung Quốc, thể hiện chiều rộng 5.200 km và chiều dài 5.500km. Bản đồ này xuất bản tháng 3 năm ngoái, bao gồm các đảo ở Biển Đông với tỉ lệ tương đương như các khu vực đất liền, thay vì thể hiện một ô riêng biệt với tỉ lệ nhỏ hơn.
|
Bản đồ khổ dọc phi pháp của Trung Quốc. |
Tấm bản đồ mới nhấn mạnh các tính năng địa chính trị và quản lý hành chính. Nó bao gồm cả các đảo Trung Quốc hiện đang yêu sách chủ quyền bất chấp sự chồng lấn với nhiều nước khác như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (hiện nằm dưới sự quản lý của Nhật) ở biển Hoa Đông; quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bãi Macclesfield Bank và bãi cạn Scarborough (Trung Quốc đã giành từ tay Philippines năm 2012).
Nguồn tin cho hay, tấm bản đồ nói trên sẽ được cung cấp cho các trường tiểu học và trung học cơ sở. Và như vậy, với hành động vẽ lại bản đồ trong đó “nhận vơ” cả lãnh thổ nước khác rồi dùng để giảng dạy cho học sinh, Trung Quốc đang mị dân và sẽ tạo ra cả một thế hệ người dân hiểu sai trái về lãnh thổ Trung Quốc.
Theo giới quan sát, trong cách nhìn của lãnh đạo Trung Quốc, những “kiềm chế” từ nước này trong quá khứ đã không làm được gì để giúp cải thiện các tranh chấp trên biển và do vậy, Bắc Kinh bắt buộc phải thay đổi hiện trạng “bằng tất cả các biện pháp cần thiết”. Chuyên gia Richard Bitzinger thuộc ĐH Nanyang (Singapore) nhận định: “Tôi e là Trung Quốc có những hành động liên tiếp gần đây là vì họ cho rằng mình sẽ mất nếu như không cứng rắn. Một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc tin rằng, họ đang bị chèn ép trong tranh chấp tại biển Đông và hệ lụy nguy hiểm là Bắc Kinh sẽ lợi dụng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tư tưởng nước lớn của bộ phận này để tiếp tục không chịu dừng những hành động sai trái”.
Hiện, có thể nói, căng thẳng trên các vùng biển châu Á đang leo thang với sự gây hấn ngày càng gia tăng từ Trung Quốc. Trước khi xuất bản bản đồ dọc gồm cả Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào hệ thống quản lý đất đai của nước này một cách phi pháp.
Theo báo Economic Observer, có trụ sở tại Bắc Kinh, trích dẫn nguồn tin từ cơ quan đăng ký quyền sở hữu bất động sản, trực thuộc Bộ Đất đai và Tài nguyên Trung Quốc, tất cả các vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh tự coi là của Trung Quốc, sẽ được đưa vào hệ thống quản lý, đăng ký quyền sở hữu; quyền sở hữu bất động sản của các doanh nghiệp, và của người dân Trung Quốc sống trên biển và các đảo được pháp luật bảo vệ.
Đặc biệt, theo quy định mới về việc đăng ký quyền sở hữu đất đai của Trung Quốc, khái niệm “bất động sản” bao gồm “đất đai, biển, nhà cửa và các công trình xây dựng, kết cấu khác tại đó, rừng, cây và những vật cố định khác”.
Cũng theo quy định mới này, bất cứ ai đăng ký quyền sở hữu bất động sản trên biển lần đầu tiên sẽ phải nộp bản đồ phân định ranh giới trên biển, tài liệu phê duyệt dự án, cũng như các hợp đồng liên quan, giấy phép và các xác nhận khác.
Nguồn tin trên khẳng định rằng, cái gọi là “thành phố Tam Sa” - một đơn vị hành chính phi pháp do Trung Quốc đơn phương thành lập vào năm 2012, thuộc tỉnh Hải Nam, cũng nằm trong hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu đất đai. Trong khi đó, Bắc Kinh đã ngang ngược giao cho cái gọi là “Tam Sa” kia quyền quản lý trái phép nhiều quần đảo và bãi đá ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
|
Trung Quốc đã ngang ngược giao cho cái gọi là “thành phố Tam Sa” quyền quản lý trái phép nhiều quần đảo và bãi đá ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. |
Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông - vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, vào hệ thống quản lý đăng ký quyền sở hữu bất động sản là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.
Đường lưỡi bò (hay còn gọi là đường 9 đoạn) là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền. Đây cũng là một trong những bằng chứng tố cáo Trung Quốc cướp trắng trợn Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Đường 9 đoạn được hình thành dựa trên cơ sở "đường mười một đoạn" của chính phủ Trung Quốc. Đường mười một đoạn là đường quốc giới trên Biển Đông do mười một đoạn liên tục tạo thành, xuất hiện công khai lần đầu tiên vào tháng 2/1948 trong phụ đồ "Bản đồ vị trí các đảo Nam Hải" của "Bản đồ khu vực hành chính Trung Hoa Dân Quốc" do Cục Phương vực Bộ Nội chính Trung Hoa Dân Quốc phát hành. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa sau khi thành lập vẫn xác định cương vực trên Biển Đông theo "đường mười một đoạn" của Trung Hoa Dân Quốc, đến năm 1953 thì bỏ hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ, trở thành "đường chín đoạn".
Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện "đường lưỡi bò" như trên, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về đường lưỡi bò phi pháp đó.
Theo GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, đường lưỡi bò (hay đường 9 đoạn) mà Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên hợp quốc để yêu sách chủ quyền đối với biển Đông có lai lịch hết sức thiếu nghiêm túc.
Các chứng cứ cho thấy tất cả các bản đồ trước năm 1948 của Trung Quốc không có bộ bản đồ nào, kể cả của người nước ngoài vẽ lẫn của Trung Quốc tự vẽ lại có Trường Sa (mà họ gọi là Nam Sa) và Hoàng Sa (mà họ gọi là Tây Sa) xuất hiện với tư cách là địa dư của Trung Quốc mà đều khẳng định đến Hải Nam là hết.
Trong thời kỳ giải quyết những vấn đề về lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Trung Quốc một lần nữa dấy lên tham vọng đối với Hoàng Sa. Năm 1951, tại Hội nghị quốc tế San Francisco, Thủ tướng chính quyền Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã cực lực phản đối ý kiến đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này và được sự đồng tình của đại biểu 46/51 nước tham dự Hội nghị. Điều này đã được lưu trong một văn kiện có giá trị pháp lý quốc tế rất cao.
Trong thế kỷ XX, "chứng cớ" được chính quyền Trung Quốc viện dẫn nhiều để khẳng định chủ quyền là câu chuyện Đô đốc nhà Thanh là Lý Chuẩn đưa quân ra một hòn đảo ở phương Nam, kéo cờ, bắn pháo vào năm 1909 và coi đó là mốc thời gian xác lập chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này. Sự kiện này không có ý nghĩa vì thời điểm diễn ra vào đầu thế kỷ XX, khi mà Việt Nam đã có rất nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đó nhiều thế kỷ. Hơn thế, việc đề cao sự kiện xảy ra vào đầu thế kỷ XX tự nó đã đập lại những lập luận mà phía Trung Quốc đã phải dày công xây dựng tư liệu để chứng minh Tây Sa và Nam Sa đã được người Trung Quốc phát hiện và sở hữu từ thời Hán, cách ngày nay tới vài ngàn năm.
Sau khi dùng vũ lực tấn công đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974, Trung Quốc đã hối hả làm cái việc mà họ gọi là nghiên cứu các di tích lịch sử để khẳng định chủ quyền. Trong số các di tích đó, họ có đề cập ngôi chùa có tên Hoàng Sa tự trên đảo Vĩnh Hưng (tức đảo Phú Lâm theo tên của Việt Nam). Họ không biết rằng trong chính sử Việt Nam và các tư liệu chính thức của triều Nguyễn, ngôi chùa này được ghi chép khá đầy đủ. Nó được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. Người được giao phụ trách công việc này là cai đội Phạm Văn Nguyên. Lính và dân phu hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đã chuyên chở vật liệu từ đất liền ra xây. Chính ngôi chùa lại là chứng cớ hiển nhiên khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Với những chứng cớ và sự thật 100% nêu trên, Trung Quốc rõ ràng đuối lý nhưng có lẽ càng bí... Bắc Kinh càng ngông cuồng tìm mọi cách mị dân trong nước bằng những thứ thông tin trơ trẽn kiểu "vừa ăn cướp vừa la làng"... xâm lấn trái phép vùng biển Việt Nam, nhưng lại già mồm đổ lỗi cho Việt Nam gây hấn. Vì thế, Việt Nam cần phải hết sức tỉnh táo trước "láng giềng" xảo trá, dã tâm này!